Khi người dân chung tay làm du lịch cộng đồng

Thứ Bảy, 16/11/2019, 00:15
Ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để phát triển du lịch bền vững, có chất lượng, có chiều sâu.

Do đó, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã và đang rất tích cực vận động người dân tự giác, tích cực tham gia giữ gìn ANTT, vệ sinh môi trường, qua đó xây dựng một điểm đến An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn – Đậm đà bản sắc văn hóa vùng sông nước Nam Bộ.

Nâng cao nhận thức của người dân

Theo báo cáo của ngành Du lịch tỉnh An Giang, 9 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 8,3 triệu lượt khách du lịch đến An Giang. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch của An Giang vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ để giới thiệu sự hấp dẫn của địa phương mình cho du khách.

Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động du lịch còn thụ động, mang tính hình thức. Mặc dù là chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng nhưng phần lớn người dân địa phương chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến, chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền, phục vụ các bữa ăn, khuân vác.... Còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan lại thuộc quyền của các đơn vị lữ hành.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL du lịch cộng đồng đang phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, tại các điểm du lịch cộng đồng, đội ngũ lao động hầu như chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kinh doanh tự phát, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, kiến thức trong nghề ít, ngại va chạm… Người dân chưa thật sự trở thành một “đại sứ” du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với du khách gần xa.

Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch và ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch, mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất cho du khách khi đến với An Giang. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức được 4 lớp tập huấn với hơn 300 học viên là các hộ dân trực tiếp kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch ở 2 điểm lớn của tỉnh là Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và Khu du lịch Núi Sam (TP Châu Đốc).

“Qua các buổi tập huấn, các học viên sẽ được tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hình thành thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, văn minh, lịch sự cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, cho người dân và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch” – ông Hiếu, nói.

Khách du lịch trải nghiệm tại cộng đồng người Chăm (tỉnh An Giang).

Cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý

Muốn cho hoạt động du lịch ở cộng đồng thành công, không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân trong phát triển du lịch cộng đồng mà cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương cũng phải không ngừng nâng cao công tác quản lý hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhằm phối kết hợp khai thác tốt các điểm du lịch tại địa phương.

Các cấp chính quyền cần chú trọng đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch cộng đồng đến với du khách trong nước và quốc tế, tăng cường tổ chức đoàn khảo sát giới thiệu sản phẩm cho các công ty lữ hành quốc tế và lữ hành nội địa, tăng cường quảng bá du lịch cộng đồng trên các báo, tạp chí, truyền hình trong và ngoài nước để thu hút khách du lịch, ngoài ra, có thể giới thiệu qua các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Google Plus hoặc Youtube…

Tập trung đầu tư hạ tầng cho bản du lịch. Hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho người dân nhưng phải đảm bảo các yếu tố giữ gìn cảnh quan môi trường, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, tránh sự lai căng, biến chất những giá trị cốt lõi của không gian văn hóa và cộng đồng dân cư. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; vệ sinh môi trường. Đặc biệt cộng đồng cư dân nơi du lịch phát triển phải được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch cộng đồng.

Bà Huỳnh Thị Như Lam, Trưởng phòng Quản lí du lịch – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết: “Các cấp ủy luôn tăng cường lãnh đạo, chính quyền địa phương khá quyết tâm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành nên bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân về vị trí, vai trò của ngành Du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, từ đó tạo động lực phát triển du lịch theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang. Bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, ban hành chính sách hỗ trợ người dân làm du lịch cộng đồng”.

Trần Lĩnh
.
.
.