Khi nghệ thuật tiếp cận cuộc sống

Thứ Ba, 26/04/2005, 07:28

5 năm một lần, các đơn vị nghệ thuật cải lương lại trở về rạp Hưng Đạo tại Tp. HCM, nơi được xem là địa chỉ đỏ của cải lương Nam Bộ, cũng là cải lương của cả nước. Gần 1.000 nghệ sĩ, nhà quản lý ngồi kín khán phòng dõi theo từng vở diễn. Vấn đề của cuộc thi hôm nay không hẳn chỉ là tấm huy chương lấp lánh.

Từ kinh nghiệm rút ra sau hội diễn kịch nói toàn quốc, bây giờ hội diễn cải lương chỉ còn lại một giải xuất sắc duy nhất cho một vở. Và không cho phép một đạo diễn dựng quá 2 vở để tránh tập trung giải vào một số người. Điều này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thông báo ra khá gấp, nhiều đoàn đã trở tay không kịp, bởi đã lên kế hoạch dựng vở từ trước, thế là chạy đôn chạy đáo tìm vở mới, đạo diễn mới. Chẳng hạn như Đoàn Long An, soạn giả Ngô Hồng Khanh phải ngồi viết ngay kịch bản Hương Tràm nóng hổi cho đạo diễn Hữu Lộc. Mọi người đề nghị, hội diễn lần sau, Ban tổ chức cần họp bàn kỹ lưỡng rồi ra quy chế sớm một chút cho các đoàn đỡ bị động.

Nhưng cũng có cái hay, là do chỉ một giải duy nhất nên các đoàn không chịu áp lực mạnh của việc thắng thua, vì vậy “đi thi” với tâm lý nhẹ nhàng, dựng vở theo ý mình thích, theo nhu cầu khán giả, chứ không để hội diễn xong thì... xếp kho. Mà lạ, khi người ta được làm nghệ thuật thoải mái hơn, thì chất lượng lại tốt hơn. Khán giả có dịp so sánh với hội diễn năm 2000, và công nhận điều đó. Khán phòng thường xuyên đông kín, kể cả buổi sáng, chứ không lèo tèo như trước. Nhiều kịch bản hấp dẫn, pháo tay liên tục, không ai bỏ ra về. Vé chợ đen khá đắt, dù đó là suất diễn của đoàn tỉnh như Long An, Đồng Tháp. Thật sự mừng cho cải lương!

Hầu hết các đoàn không quyết giành huy chương, mà đã có định hướng biểu diễn doanh thu, nên dễ thấy họ chọn kịch bản gắn liền với công chúng của khu vực mình phụ trách. Và chính từ đây mà kịch bản tiếp xúc với cuộc sống nhiều hơn, mang hơi thở nóng hổi của hiện thực xã hội. Nhưng, cũng nói thẳng thắn, là sự tiếp cận ấy chỉ thấy nhiều ở các đoàn tỉnh, nơi mà người ta thường có định kiến “tỉnh lẻ”. Chính nơi ấy lại ngồn ngộn sức sống của cuộc đời, trong khi các đoàn lớn tầm cỡ thành phố thì lại quẩn quanh với những đề tài cũ kỹ. Chẳng hạn, vở Kỹ nữ thành Đông Quan (Nhà hát cải lương Hà Nội) lấy bối cảnh thời Lam Sơn tụ nghĩa, có một nàng Đào Nga ca kỹ đã làm nội gián để diệt giặc Minh. Môtíp tương tự Khách sạn hào hoa cách đây... hơn 20 năm, mà Khách sạn hào hoa còn hiện thực hơn, chặt chẽ hơn. Chưa kể, Kỹ nữ thành Đông Quan thuộc thể loại “dã sử”, đã vi phạm quy chế của Ban tổ chức, khiến ai cũng thắc mắc.

Hoặc Cung đàn nào cho em (Nhà hát Trần Hữu Trang) tuy đã bán vé khá chạy trước đó, nhưng vẫn chưa là ấn tượng. Ấn tượng của sự táo bạo, mới mẻ chính là vở Xuân Đông Thư Hận (Đoàn Đồng Tháp), Hương Tràm (Đoàn Long An), Chuyện ấp Cây Bàng (Đoàn Tây Ninh).

Xuân Đông Thư Hận là câu chuyện của những phạm nhân nữ với những số phận có tâm lý phức tạp, sâu sắc, mà khán giả tập trung khám phá mới thấy cảm động, thú vị. Bên cạnh những phạm nhân, còn có những người nữ công an với nhiệm vụ cải tạo con người để trả họ về với cộng đồng, thật không đơn giản chút nào. Kỷ luật nghiêm khắc phải đi đôi với tấm lòng yêu thương, nhân hậu thì mới chinh phục được những trái tim chai sạn, hư hỏng kia. Và chính những người nữ công an ấy cũng có số phận, tâm lý phức tạp, để rồi đến một lúc nào đó họ lại được nâng đỡ từ những người nữ tù mà họ từng nâng đỡ. Câu chuyện đầy nữ tính, thật mềm mại trong lớp vỏ lạnh lùng, không màu sắc. Sân khấu chỉ hai màu đen trắng, cùng với những bộ đồ tù đơn điệu, cả mấy chục nữ diễn viên cũng không hóa trang son phấn, cứ để khuôn mặt “mộc” phô diễn khả năng diễn xuất. Vậy mà họ cứ hút khán giả dõi theo, và được tặng nhiều tràng pháo tay tán thưởng nhất. Đề tài tưởng “khô” nhưng thật sự khán giả tìm thấy mình trong đó, để sống bao dung hơn, có trách  nhiệm hơn với những người chung quanh.

Hương Tràm là câu chuyện thật của Đồng Tháp Mười, nơi báo chí từng ca ngợi một anh Ban Phèn bỏ thành phố sung sướng về lăn lóc với phèn chua nước mặn làm nên một xí nghiệp tinh dầu tràm xuất khẩu và một khu dược liệu quý hiếm nổi tiếng. Tác giả đã nâng lên thành chủ đề đấu tranh giữa giới trí thức sách vở và trí thức thực diễn. Ngồi bàn giấy mà nghiên cứu và... mơ ước, khi gặp thực tế có khi lại lúng túng, nản lòng bỏ chạy. Còn người biết sống cùng thực tiễn, làm nhiều hơn nói mới thành công. Và trong cái khắc nghiệt của sự đấu tranh, lại hiện lên một Đồng Tháp Mười tuy dữ dội nhưng cũng đầy chất thơ, sẵn sàng mở rộng vòng tay cho sự sống. Chất thơ ấy nằm trong tay đạo diễn, xử lý công phu. Cả hai  kịch bản này đều rất đằm thắm đúng chất tự sự của cải lương. Không cần các xảo thuật, mà khán giả vẫn bị cuốn theo.

Chuyện ấp Cây Bàng có hơi yếu hơn về kết cấu, kịch tính nhưng táo bạo ở chỗ dám phê phán những người chạy theo hình thức, danh hiệu, cụ thể là phong trào xây dựng ấp văn hóa, gia đình văn hóa, đến mức quên đi tình thương thật sự với nhau. Bộ mặt nông thôn trong bối cảnh xã hội mới hiện lên khá rõ nét và sinh động, từ phong trào xây dựng ấp văn hóa đang phát triển ở khắp nơi, cho đến ước mơ đổi đời, khả năng hòa nhập, sự thất bại chua cay, tính sĩ diện kèn cựa v.v... Cuối cùng, khán giả thấm thía rằng, tốt nhất con người ta hãy sống bình thường, tử tế thì hạnh phúc, đừng cố gồng mình lên vì những phong trào, danh hiệu này nọ, đừng hoa mắt vì sự phù hoa thoáng chốc. Người nông dân vẫn có chất dễ thương của họ, chỉ cần giúp họ một chút là họ trở lại với cách sống tình nghĩa bao đời. Đó mới thật sự là “văn hóa”.

Cuộc thi cuối cùng là cuộc so tài giữa các diễn viên để đạt huy chương cá  nhân, được quy định là 30% trong tổng số diễn viên. Mỗi đoàn nổi lên những gương mặt đầy triển vọng, như Hạ Vân (Đoàn Long An), Anh Thư (Đoàn Tây Ninh), Hải Yến, Ngọc Tuyền (Đoàn Đồng Tháp), Tuyết Ngân (Đoàn Bến Tre). Thu Hoài (Đoàn Hà Tây), Thoại Mỹ (Nhà hát Trần Hữu Trang), Thanh Hương (Nhà hát Cải lương Hà Nội)... Trừ Thanh Hương đã là NSƯT còn lại đều rất trẻ, một số vừa đoạt Huy chương Vàng Trần Hữu Trang không lâu. Nhưng xem họ diễn, từ giải Trần Hữu Trang đến bây giờ quả là một bước tiến dài. Vậy đó, hãy đặt nghệ sĩ lên sàn diễn, để thử sức, thì họ mới trưởng thành 

Hồng Loan
.
.
.