Khi nào mới cổ phần hóa ba hãng phim Nhà nước?

Chủ Nhật, 19/10/2008, 16:19
Được rục rịch khởi động từ hơn 3 năm trước đây với những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng cổ phần hóa 3 hãng phim truyện của Nhà nước (gồm Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim truyện I và Hãng phim Giải Phóng) là việc rất nên làm và phù hợp với xu thế thời đại. Nhưng, thời gian gần đây, theo quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì năm nay các hãng cần thiết phải xác định các giá trị của doanh nghiệp để xây dựng các phương án cổ phần hóa trong thời gian sớm nhất.

Thay đổi cơ chế là một việc làm thiết thực?

Theo như nhiều nhận định thì thực trạng sáng tác và sản suất phim hiện nay ở các doanh nghiệp nhà nước đang đứng trên "chảo lửa". Kịch bản để làm phim (chưa nói đến kịch bản hay) thì thiếu một cách trầm trọng, mà nếu có thì rơi vào tình trạng… èo uột, thậm chí không có "chất" để đưa vào sản xuất...

Phim truyện nhựa đang đứng trên bờ vực, trong khi đó thì hầu hết những nhà biên kịch đổ xô vào viết phim truyền hình, một phần là dễ viết, nhiều tiền hơn và có đất chiếu. Trong khi đó, Hãng phim Nhà nước làm phim bao nhiêu thì… lỗ bấy nhiêu, phim không thu hút khán giả, thương hiệu bị… vô hiệu hóa, máy móc thiết bị thì lạc hậu, con người ít được đào tạo lại mà cứ làm theo một cung cách cũ…

Chính vì thế, như ông Nguyễn Phúc Thảnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: "Việc cổ phần hóa sẽ tạo ra một cơ chế mới, năng động, phù hợp với bước đi  của thị trường, thúc đẩy phát triển.

Cụ thể là các phim sẽ huy động được nhiều nguồn lực và nguồn vốn để sản xuất phim, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước, sẽ không còn chuyện người thì nai lưng ra làm, kẻ khác chơi dài và lên tiếng phê phán những người tích cực, người tài sẽ được trọng dụng, chất lượng phim sẽ được nâng lên".

Để có thể cổ phần hóa trong năm nay, các hãng phim sẽ phải tự xác định các giá trị doanh nghiệp của mình để cùng thành lập các phương án khả thi nhất.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, nếu cổ phần hóa thì Nhà nước sẽ nắm bao nhiêu cổ phần trong tổng số vốn của doanh nghiệp.

Theo những nguồn tin của giới truyền thông, Hãng Phim truyện I vì là "em út" nên có thể Nhà nước chỉ quản lý 35% vốn. Còn Hãng Phim truyện Việt Nam và hãng phim Giải Phóng thì số vốn lên tới 51%.

Nhưng, một trong những vấn đề liên quan đến cổ phần đang được quan tâm hiện nay lại nằm ở việc "tấc đất tấc vàng", bởi vì, Hãng Phim truyện Việt Nam đang được "tọa lạc" trên mảnh đất "mỹ mãn" nhất của Thủ đô với hơn 5.000m2 (ở số 4, Thụy Khuê).

5.000 m2 đất có phải là… sức hút?

Họa sỹ Vũ Huy, người đã gắn bó với Hãng Phim truyện Việt Nam từ những ngày đầu trả lời báo giới rằng, sức hấp dẫn các cổ đông chiến lược là 5.000m2 đất ở vị trí "vàng" chứ không phải là Hãng Phim truyện Việt Nam với bề dày 50 năm thành tích với đội ngũ những người cống hiến hết mình cho nghệ thuật.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Xưởng trưởng Xưởng 1, Hãng Phim truyện Việt Nam khẳng định: "Cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn nhưng tiến hành thế nào, thực hiện ra sao để sau khi cổ phần Hãng Phim truyện Việt Nam không biến mất và nghệ sỹ không bị… đẩy ra đường".

Có rất nhiều nghệ sỹ đắn đo xung quanh việc có nên mua cổ phần, bởi vì xét cho cùng, khi đã cổ phần họ phải "sống chung với lũ". Đồng nghĩa với việc, các nghệ sỹ không thể sống "lơ tơ mơ", không được làm phim kém chất lượng, phim phải được chiếu rạp để thu hút khán giả, nếu không, chính họ sẽ tự phải chấp nhận việc "lời ăn lỗ chịu", "tự mình nướng mình".

Nhà Biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì khẳng định rằng, chị sẽ không mua cổ phần vì chị có nhiều mục tiêu khác và chị chờ đợi từng ngày để được… về hưu sớm. Không phải vì số tiền mấy chục triệu phải bỏ ra để đóng cổ phần, mà vì, đây là cơ hội để chị được tự do lựa chọn và làm những gì mình thích mà không phải ràng buộc bởi một cơ chế, chính sách nào cả.

Có thể có những người vì tiếc thâm niên làm việc để hưởng đền bù tiền theo trị giá hiện hành của mảnh đất "vàng" nhưng đó là việc về lâu, về dài. Họ cũng không thể mang đất về nhà mình mà chờ đợi cơ chế đền bù của Nhà nước.

Tuy nhiên, điều quan trọng trước mắt là sau khi cổ phần hóa, tổ hợp những nhà lãnh đạo có cho phép nhân lực phát huy trong chiến lược mới để tiếp ứng với thị trường.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều hãng phim tư nhân xuất hiện và "giành giật" lấy người tài, cùng những điều tiên quyết họ quan tâm đó là khả năng đưa hãng của mình ra với thị trường thông qua các bộ phim chiếu rạp và thu hút công chúng. Chứ không phải là nỗi lo mất đi thương hiệu một thời vang bóng của những hãng phim Nhà nước.

Cũng có nhiều nghệ sỹ, chính vì cảm thấy "quá đát" trong vòng xoáy của sự chuyển mình để cùng vận hành cho cả một guồng máy phát triển, nên qua sự kiện cổ phần hóa, họ được thể xin… về hưu sớm theo Nghị định 41của Chính phủ.

Nên chấm dứt sự trì trệ của việc… cổ phần hóa

Đó là sự bức xúc của đạo diễn Lê Hoàng - Giám đốc Hãng Phim Giải phóng, khi anh kêu rằng, lộ trình cổ phần hóa bị kéo dài quá lâu.

Toàn thể nghệ sỹ Hãng Phim Giải phóng đều không có bất cứ một phàn nàn nào xung quanh việc Nhà nước đưa ra luật cổ phần hóa. Đó là một tiêu chí để phân định và sàng lọc những cái tốt, loại bỏ cái xấu, cái không phát triển.

Họ không quan tâm đến việc, mỗi cá nhân, cùng với việc tính thâm niên để đóng cổ phần mấy chục triệu, mà việc cổ phần hóa sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công việc của mình.

Bởi vì, xét đến cùng, cổ phần hóa là một công cuộc cải cách lớn của Nhà nước mà những người nghệ sỹ chỉ là một trong số hàng ngàn người thuộc các ngành nghề khác nhau góp tiếng nói chung vì sự phát triển của toàn xã hội

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.