Khi các nhà văn lớn thổ lộ tình yêu với vợ

Chủ Nhật, 19/03/2006, 07:39

Thi hào Pháp Lui Aragông, người nổi tiếng bởi “mối tình thế kỷ” với nữ văn sĩ Enxa Triôlê, ngoài những tập thơ hết lời ca tụng vợ cũng đã có những câu phát biểu nổi tiếng về lòng biết ơn đối với cô. Người yêu thơ hẳn còn nhớ mấy câu của Aragông: “Anh quả thật đã sinh từ môi ấy/ Cuộc đời anh khởi sự tự em đây”.

Trong cuốn “Ba mươi năm ở Pari”, nhà văn lỗi lạc Pháp A.Đôđê (tác giả kiệt tác “Những vì sao”) đã có những dòng ghi công vợ: “Không một trang nào bà ấy không dò lại, sửa chữa, không rắc lên đó chút hương của trí tuệ bà”.

Nhà văn Pháp vĩ đại Rômanh Rôlăng (người từng đoạt giải Nôben về văn học) đã ca ngợi vợ qua một bức thư gửi bạn: “Tôi sống được là nhờ vợ tôi. Không có sự chăm sóc tận tình không biết mệt mỏi và sự dịu hiền mà cô ấy dành cho tôi, tôi không thể sống qua được những năm tháng nặng nề”.

Thi hào Nga Puskin (1799-1837) mặc dù những năm tháng cuối đời có bị dằn vặt, đau khổ bởi những hành động nông nổi của vợ, song trong một bài viết, ông vẫn khẳng định: “Tôi càng sống lâu với nàng, càng yêu con người khả ái, trong sáng, đôn hậu này. Đó là phần thưởng thượng đế ban cho mà tôi hoàn toàn không xứng đáng...”.

Thi hào Pháp Lui Aragông, người nổi tiếng bởi “mối tình thế kỷ” với nữ văn sĩ Enxa Triôlê, ngoài những tập thơ hết lời ca tụng vợ cũng đã có những câu phát biểu nổi tiếng về lòng biết ơn đối với cô. Năm ba mươi mốt tuổi ông gặp Enxa, ông ví cuộc đời ông như một trái cây đã bị sâu ăn ba mươi năm một nửa, còn một nửa ba mươi năm nữa, ông trả cho Enxa để cắn ngập răng vào. Nhiều người yêu thơ hẳn còn nhớ mấy câu của Aragông: “Anh quả thật đã sinh từ môi ấy/ Cuộc đời anh khởi sự tự em đây”. Aragông luôn luôn khẳng định nhờ có vợ mà ông được hồi sinh.

Không chỉ bằng lời lẽ, các nhà văn còn thể hiện lòng yêu vợ bằng nhiều hành động cụ thể. Đứng đầu danh sách này là nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng của nước Đức Các Vinhem (1767- 1835). Trong suốt ba mươi tám năm sống bên vợ, không ngày nào ông không sáng tác một bài thơ ngắn tặng bà. Sau khi vợ Vinhem mất, nhà thơ vẫn đều đặn mỗi ngày làm một bài thơ kính cẩn đặt lên mộ vợ vào mỗi buổi sáng. Cứ vậy cho tới sáu năm sau, khi ông từ giã cõi đời.

Khác với Các Vinhem, họa sĩ kiêm thi sĩ nổi tiếng của nước Anh là Gabrien Rôxeti (1828-1882) không đủ bình tĩnh để sáng tác kể từ khi vợ ông mất vào năm 1862. Thậm chí đau quá hóa quẫn, Rôxeti đã cho chôn theo vợ hộp đựng bản thảo duy nhất của mình. Mặc bạn bè nhiều lời khuyên nhủ, mãi sau khi cải táng vợ, Rô xeti mới chịu lấy tập thơ lên và cho xuất bản. Ngay lập tức, tập thơ được đánh giá là một kiệt tác.

Do số phận xếp đặt, văn hào Nga Phêđô Đốtxtôiépxki (1821-1881) đã phải hai lần lập gia đình (bà vợ đầu của ông  mất vì bệnh lao). Cả hai lần Đốtxtôiépxki đều tỏ ra là người chồng đặc biệt thương quý vợ. Trước khi giã biệt thế giới, ông đăm đắm nhìn người vợ trẻ - bà Anna Grigôriépna - rồi cho gọi các con tới. Ông nhắc nhở chúng phải yêu mẹ, phải nghe lời mẹ. Một trong những câu nói cuối cùng của ông trên cõi đời này là: “Anna, em hãy nhớ rằng bao giờ anh cũng rất yêu em và không bao giờ phản bội em, ngay cả trong ý nghĩ”.

Trong tâm trạng tràn đầy hạnh phúc, nhà văn trào phúng Mỹ nổi tiếng Mác Tuên (1835-1910) đã sung sướng thốt lên sau lễ thành hôn giữa ông và bà Ôlivia Lengđơn: “Nàng là viên ngọc hoàn hảo nhất của nữ giới mà đời tôi được biết. Và tôi sẽ giữ ý nghĩ đó cho đến lúc chết”. Quả đúng như thế, khi Ôlivia chẳng may lâm bệnh mất đi, Mác Tuên cảm thấy chống chếnh vô độ. Không chịu được sự khêu gợi của kỷ niệm cũ, ông chạy trốn khỏi Niu Yoóc, nơi có căn nhà ghi dấu tình yêu của hai người. Trên mộ vợ, Mác Tuên cho khắc dòng chữ: “Thượng đế xin hãy nhân từ với nàng”. Thế vẫn chưa đủ, Mác Tuên còn phát biểu trên báo chí: “Ở đâu có nàng, ở đó chính là thiên đường của đời ta”.

Kịch tác gia vĩ đại người Scốtlen Bécna Sô (1856-1950) trước khi chết có để lại một chúc thư. Theo đó ông yêu cầu người ta không chôn ông ở Viện Uexminxtơ (là nơi dành cho các bậc vĩ nhân của nước Anh) mà hãy đốt xác ông, trộn lẫn tro thi hài ông với tro thi hài vợ (đã mất trước đó bảy năm) rồi tung vào khu vườn của ngôi nhà ở ngoại thành Luân Đôn, nơi hai vợ chồng đã chung sống 35 năm

Công Hòa
.
.
.