Khi các nhà thơ trẻ cùng... diễn

Thứ Ba, 19/02/2008, 10:16
Sân thơ trẻ năm nay hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm nhất trong Ngày thơ Việt Nam, sẽ diễn ra vào Tết Nguyên tiêu này. Điểm đặc biệt trong sân thơ trẻ 2008 đó là tập trung toàn bộ cho hoạt động trình diễn thơ và các nhà thơ buộc phải làm diễn viên trình diễn tác phẩm của mình. Đã có những sự chuẩn bị kỳ công của những người thơ trẻ.

Cuộc trình diễn thơ năm nay sẽ có những nhân tố mới. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Lê Ngân Hằng, Trang Thanh, Ngô Tự Lập, Nguyễn Vĩnh Tiến… sẽ có những gương mặt thơ lần đầu xuất hiện như Hoàng Chiến Thắng, Chu Thị Minh Huệ, Đoàn Văn Mật, Hồ Huy Sơn, Tằng A Tài…

Các nhà thơ sẽ trình diễn thơ theo nhiều phong cách khác nhau. Sự kết hợp thơ với nghệ thuật chèo truyền thống sẽ là tiết mục của Đoàn Văn Mật và nghệ sỹ Tuấn Cường của Nhà hát chèo Việt Nam. Nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ kết hợp với các nghệ sỹ kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhóm M6 sẽ cùng nhà thơ Ngô Tự Lập thể hiện sự kết hợp giữa thơ và nhạc hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ cùng nghệ sỹ Xuân Hinh tạo nên sự kết hợp giữa thơ và ca trù. Hồ Huy Sơn, cây bút trẻ đến từ Trường viết văn Nguyễn Du sẽ trình diễn thơ và nghệ thuật sắp đặt.

Còn Chu Thị Minh Huệ, cô gái người Mông đến từ Hà Giang sẽ "gùi thơ xuống núi", ngâm thơ của mình với hai thứ tiếng Kinh và Mông… Tất cả các tiết mục này đều do các nhà thơ tự biên tự diễn và phải trực tiếp tham gia trình diễn tác phẩm của mình.

Nhà thơ Hữu Việt, thành viên ban tổ chức cho biết, năm nay ngoài việc trình diễn thơ, sẽ có một sân thơ dành cho các nhà thơ trẻ đọc thơ theo lối truyền thống. Trên sân thơ trẻ này sẽ có những giọng thơ lạ, như Bùi Tuyết Mai (Hòa Bình), Tằng A Tài (Quảng Ninh), Hoàng Chiến Thắng (Trường viết văn Nguyễn Du), Phạm Việt Đức (Phú Thọ)…

Đây là những gương mặt được chọn lựa khá kỹ từ những gương mặt thơ có nhiều đổi mới trong thời gian qua. Ngoài ra, ban tổ chức cũng dựng 16 bàn thơ bên cạnh 16 gốc đào để giới thiệu, quảng bá và… bán thơ.

Nhà thơ Trần Quang Quý, Phó ban Nhà văn trẻ cho biết, việc chọn lựa các nhà thơ để trình diễn cũng như thơ để giới thiệu cũng được làm rất kỹ. Không để sót những gương mặt thơ nổi bật. Và cũng không để lọt vào những cây bút chưa xứng tầm…

Năm nay, sân thơ trẻ nghiêng hẳn về trình diễn, đây được xem là một cách cố gắng làm mới. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, thành viên ban tổ chức cho rằng, nếu cứ làm theo lối truyền thống sẽ an toàn hơn, nhưng ban tổ chức vẫn quyết định trình diễn để đổi mới cách thức "trình thơ" với công chúng.

Trình diễn thơ thực chất không phải là một loại hình nghệ thuật mới và được du nhập ở phương Tây về như một số người nhận định. Trình diễn thơ đã có hàng ngàn năm nay ở Việt Nam. Lối ngâm thơ, đọc thơ theo nhạc điệu, hát chầu văn, dân ca… xuất phát từ thơ, các cụ ta rất sành.

Nhưng định dạng và gọi ra một cái tên là trình diễn thơ cho việc trình bày một bài thơ kết hợp với các loại hình nghệ thuật diễn xuất, thì đúng là từ các trào lưu thơ phương Tây.

"Ở Việt Nam rõ ràng chưa có công chúng cho thể loại trình diễn thơ theo lối mới. Nên chọn trình diễn thơ, chúng tôi muốn thơ được cảm nhận tốt nhất qua tổng thể các giác quan của người yêu thơ. Sân thơ trẻ 2008 sẽ làm tăng thêm các hình thức trình diễn thơ cho phù hợp thời đại và phù hợp trình độ, nhu cầu thưởng thức, cảm nhận của công chúng mà thôi" - nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói thêm.

Được biết, năm nay ngày thơ sẽ diễn ra trên cả nước, Hội Văn học nghệ thuật Phú Thọ sẽ làm cuộc mở màn vào ngày 19/2 (tức 13 tháng Giêng âm lịch) và ngày thơ sẽ được kéo dài hết đêm Nguyên tiêu (21/2).

Trong ngày thơ này, Công ty Nhã Nam và NXB Đà Nẵng sẽ giới thiệu Tuyển tập "Thơ" Trần Dần. Ngoài ba phần chính: Hãy đi mãi, Ngoại luật, Ván thu không, 576 trang "Thơ" còn bao gồm những bài viết, nhận định, hồi ức của các nhà thơ Hoàng Cầm, Dương Tường... về con người, cuộc đời và thơ ca Trần Dần.

Ngày thơ Việt Nam năm nay có thể sẽ có sự xuất hiện của nhiều nhà thơ lão thành trong sân "thơ già". Tuy nhiên, cũng không ít người lo ngại vai trò của thơ có bị chìm lấp trong những màn hát múa của trình diễn hay không? Và liệu có tình trạng hạ thấp thơ như Ngày thơ 2007 hay không?

Tất cả đều hy vọng vào một ngày hội thơ theo nghĩa của một ngày hội dân gian, nơi các nhà thơ gặp để cùng giao lưu, cùng đọc thơ và thưởng thơ...

Hoài Phố
.
.
.