Câu chuyện ngày Chủ nhật

Khi U.19 Việt Nam loại người

Chủ Nhật, 19/01/2014, 10:16
Danh sách ĐT U.19 Việt Nam đi tập huấn tại Anh và Bỉ rốt cuộc đã không có cái tên Hoàng Văn Khánh đến từ lò bóng đá Sông Lam Nghệ An. Sự vắng mặt của một trung vệ Sông Lam trong chuyến tập huấn của một ĐT trẻ Quốc gia không ngờ lại tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều đến thế.

Hoàng Văn Khánh là ai? Là người đã từng khoác áo ĐT U.19 Việt Nam từ giải U.19 Đông Nam Á đến vòng loại U.19 châu Á năm 2013, và đã kết hợp với đội trưởng Đông Triều tạo thành cặp trung vệ cứng cựa trong trận U.19 Việt Nam đả phá U.19 Australia 5-1. Đấy cũng là cầu thủ ra sân đá chính trong trận cuối cùng của ĐT U.19 với CLB Tottenham (Anh) tại giải quốc tế cúp Nutifood mới kết thúc cách đây chưa lâu tại TP HCM. Trận đấu ấy, Văn Khánh đã có một pha phạm lỗi hết sức thô bạo với tiền dạo Oduwa trong vòng cấm, khiến cầu thủ này phải rời sân vì gãy chân, và đội nhà phải nhận quả 11m không đáng có. Sau trận đấu, khi nhìn hình ảnh Oduwa chống nạng trên đường piste sân Thống Nhất, các thành viên BHL ĐT U.19, mà đứng đầu là ông thầy Graechen đã tỏ ra không hài lòng với thứ bóng đá bạo lực của Văn Khánh. Nghe đâu Văn Khánh cũng đã nhận lỗi và chính thức xin lỗi BHL, nhưng rốt cuộc thì Khánh vẫn bị loại vào phút chót.

U.19 Việt Nam lấy bóng đá sạch làm tôn chỉ. Ảnh: H.M..

Có người bảo U.19 Việt Nam đá hiền và tử tế quá, nên rất cần những cầu thủ đá mạnh, đá rát, thậm chí biết phạm lỗi để làm chùn chân đối thủ kiểu như Văn Khánh. Người ta còn bảo, nếu chỉ biết đá đẹp, đá sạch, mà không học đá bẩn, đá quái thì U.19 Việt Nam khó có khả năng đứng trong top 4 VCK U.19 châu Á như mục tiêu đã định. Thực  tế, không ai phủ nhận các cầu thủ U.19 Việt Nam với phần đông là các thành viên của lò Hoàng Anh Gia Lai JMG mới chỉ giỏi công chứ không giỏi thủ. Và không khó thấy rằng phương pháp đào tạo của Arsenal thường sản sinh ra những cầu thủ kĩ thuật, có khả năng đan lát, áp đặt đối phương, chứ ít khi sản sinh những cầu thủ mạnh mẽ, có ưu thế trong việc tỳ đè, cản phá đối phương. Thế nên yêu cầu U.19 Việt Nam nhìn rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình, qua đó tăng cường chất thép trong lối chơi là một  yêu cầu đúng đắn. Nhưng cũng phải phân định rạch ròi là chất thép và sự toan tính trong lối chơi khác với kiểu đá bẩn, đá láo, đá bạo lực.

Vậy nên việc HLV Graechen loại một cầu thủ có màu sắc chơi bóng bạo lực như Văn Khánh cũng là điều dễ hiểu. Quyết định ấy không chỉ làm sạch ĐT U.19, mà còn giúp cá nhân Văn Khánh học được một bài học lớn cho quá trình phát triển của mình mai sau. Trả lời phỏng vấn một tờ báo, chính Văn Khánh cũng thừa nhận rằng em rất buồn khi không được đi châu Âu rèn luyện, và hứa sẽ sớm khắc phục, hoàn thiện bản thân để có thể trở lại ĐT U.19 một cách sớm nhất.

Vẫn liên quan tới chuyện Văn Khánh bị loại, có ý kiến cho rằng U.19 Việt Nam đang dựa quá nhiều vào các thành viên của Hoàng Anh Gia Lai, nên nhất cử nhất động phải "theo" những bộ óc của lò đào tạo này. Xin hãy nhìn sang những nền bóng đá phát triển, chuyện một ĐTQG (chứ không chỉ là một ĐT trẻ QG) lấy một lò đào tạo, một CLB làm xương sống là chuyện hết sức thường tình. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi CLB Ajax Amsterdam có năng lực vượt trội so với mặt bằng bóng đá Hà Lan và bóng đá châu Âu thì ĐT Hà Lan đã tràn ngập người Ajax. Còn hiện nay, khi CLB Barcelona với triết lý tiqui - taca đang lên ngôi thì ĐTQG Tây Ban Nha cũng tràn ngập người Barca. Và khi một ĐTQG tràn ngập người của một CLB thì việc triết lý thi đấu của một ĐTQG "ăn theo" một CLB cũng là chuyện hợp quy luật.

Thế nên đừng lo nếu ĐT U.19 Việt Nam tràn ngập người của lò Hoàng Anh Gia Lai JMG. Điều đáng lo chỉ nằm ở chỗ, những con người trụ cột đó và thứ triết lý đặc sệt "Arsenal - JMG" đó liệu có thực sự đem lại hiệu quả hay không? Và nữa, khi lấy con người và triết lý của một lò đào tạo làm sức sống cho một ĐT trẻ Quốc gia thì Liên đoàn Bóng đá liệu có vì thế mà đánh mất vai trò định hướng tích cực của mình hay không?

"Nếu tôi dạy học trò đá xấu..."

ĐT U.19 Việt Nam vừa đoạt giải đội bóng fair - play trong năm 2013 do một tờ báo tổ chức. Rõ ràng là hình ảnh một tập thể chơi bóng sạch sẽ, giàu tính cống hiến đã lên ngôi trong một năm mà bóng đá Việt Nam chết nước, và chết thảm ở cả cấp độ ĐTQG lẫn ĐT U.23 QG. Trả lời phỏng vấn trong cái đêm đại diện cho U.19 lên nhận giải fair - play, HLV trưởng Graechen đã nói một câu đơn giản rằng: "Nếu tôi dạy học trò đá xấu, tôi đã không có mặt ở lễ trao giải này". Với triết lý của mình, và của lò đào tạo HA.GL JMG, chắc chắn ông thầy trẻ người Pháp vẫn sẽ tiếp tục con đường xây dựng một đội bóng thực sự sạch sẽ. Và vì thế, những "hạt sạt" trong cái từ trường sạch sẽ ấy bị thải loại mạnh tay cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hiếu Hà
.
.
.