Khát vọng xê dịch và chuyện của hai ông thầy

Thứ Sáu, 27/02/2009, 10:25
Người yêu văn Việt Nam không ai không biết đến thứ "chủ nghĩa xê dịch" của nhà văn Nguyễn Tuân, thứ chủ nghĩa mà từ đó, những trang văn phóng khoáng, tài hoa, gai góc đã ra đời. Trong làng bóng Việt Nam, cũng có những con người sống với cái khát vọng xê dịch như thế. Và với khát vọng ấy, thứ sản phẩm mà họ có được cũng chất chứa trong nó những đắng ngọt, ngang trái khác nhau...

Sống là… phiêu

Chưa bao giờ HLV Lê Thụy Hải, người vẫn được biết đến với cái biệt danh "Hải lơ" thốt lên câu ấy. Thế nhưng, cách nói và cách sống của ông thì tự nó đã chứng tỏ điều ấy rồi. Ông Hải "phiêu" lắm, phiêu từ thời còn làm cầu thủ của Tổng cục Đường sắt cho đến khi làm HLV.

Mà ở vai trò của một "thầy giáo bóng đá", ông Hải đã đi qua không biết bao nhiêu mảnh đất khác nhau: Từ bóng đá nữ sang bóng đá nam, từ bóng đá phong trào sang bóng đá đỉnh cao. Cái này thì ông Hải rất giống với ông Vương Tiến Dũng. Sau một quá trình dài cầm Thể Công, đến năm 1998, ông Dũng rời Thể Công vào Cần Thơ, sau đó thì ông kinh qua Bình Dương, Hòa Phát, Hải Phòng, để rồi bây giờ, sau đúng một vòng quay 10 năm ông lại trở về với Thể Công.

Ông "Hải lơ" và ông "Dũng béo" là hai mặt tính cách của cùng một số phận. Trong khi ông Hải đã không nói thì thôi nhưng cứ hễ nói là lại nói "văng miệng" thì ông Dũng trầm tính, nói ít và nói chắc.

Trong khi ông Hải sẵn sàng đốp chát với cấp trên bằng tất cả những mảng miếng của một tay anh chị thì ông Dũng lại một điều "anh", hai điều "tôi" nhưng là cái "anh - tôi" của một người quyết bảo vệ chân lý đến cùng. Trong khi ông Hải mỗi khi bực dọc hay thất bại là lại "xả" bằng những câu nói như vỗ vào mặt đối phương thì ông Dũng lại thu mình trong chén rượu, tự giải thoát mình bằng cái triết lý "Dục phá thành sầu duy hữu tửu" của người xưa.

Vẻ bề ngoài khác nhau là thế, những lời nói, hành động tương phản nhau là thế, nhưng cả hai đều gặp nhau ở cái "khát vọng xê dịch". Ở trong thứ khát vọng đó, một giá trị vĩnh cửu được cả hai bảo vệ tới cùng, ấy là lòng tự trọng bản thân. Với bất cứ đội bóng nào, mỗi khi lòng tự trọng bị đụng chạm là cả hai đều nhất tề phủi tay đi. Họ bảo vệ lòng tự trọng ấy giống như một thứ báu vật cuộc đời. Một thứ báu vật mà tưởng như không có nó thì với họ, con tim ngừng đập và trái đất ngừng quay.

Và HLV Lê Thụy Hải (trái) cũng "xê dịch" nhiều như ông Dũng.

Cảm giác như số phận đã sắp đặt họ gặp nhau. Sau biết bao nhiêu xê dịch, rốt cuộc ông Dũng bây giờ ngồi vào ghế thuyền trưởng Thể Công, ông Hải bây giờ cũng trở thành trợ lý kỹ thuật ở Thể Công. Rất nhiều người hy vọng rằng "Hải lơ" và "Dũng béo" sẽ hình thành nên một "bộ đôi huyền thoại" chưa từng có trong bóng đá Việt Nam.

Điệp vụ trước mắt

Nếu như tương lai của Thể Công, và tương lai của cặp bài "Hải - Dũng" còn là một cái gì đó rất xa thì ngay bây giờ, cuối tuần này, cả hai sẽ cùng đối mặt với một thực tại rất gần và rất trớ trêu. Cuối tuần này, Thể Công sẽ gặp Bình Dương, cái đội bóng mà ở đó "Dũng béo" đã có lần khóc hận, còn "Hải lơ" sau giây phút ca khúc khải hoàn cũng lại là một sự ra đi lặng lẽ.

Ở Bình Dương, năm 2005 ông Dũng đã để lại quá nhiều dấu ấn. Ông dẫn đội đi một mạch đến ngôi vô địch lượt đi V.League. Nhưng đau đớn ở chỗ, khi lượt về diễn ra, ai cũng nghĩ Bình Dương vô địch thì rốt cuộc Bình Dương lại… chết chìm. Ông Dũng đã lầm lũi ra đi. Ông buồn không phải vì thua trận, mà vì lúc đó mới vỡ lẽ ra có kẻ đứng đằng sau cố tình "đá" vào ông. 

Với ông Lê Thụy Hải thì Bình Dương lại chính là cái đỉnh chói lọi nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông. Ông đến Bình Dương cuối mùa 2006, thời điểm mà đội bóng bết bát ở vị trí 13, nhưng kết giải lại ở vị trí thứ 3. Sang năm 2007, rồi 2008 ông Hải ngạo nghễ đưa Bình Dương lên ngôi vua V.League. Nhưng sau khi Bình Dương vô địch rồi thì ông cũng lầm lũi đi.

Cuối tuần này, ông Dũng - ông Hải sẽ cùng Thể Công tiếp Bình Dương. Cuối tuần này, ông Dũng sẽ trực tiếp cầm quân, còn ông Hải sẽ ngồi trên khán đài vừa tính toán vừa nhìn đại cuộc. Cuối tuần này, cả ông Dũng lẫn ông Hải chắc chắn đều khát thắng. Bởi nếu không thắng được đội bóng cũ của mình, cái đội bóng mà mình vốn hiểu như lòng bàn tay thì cả hai ông hẳn sẽ muối mặt với dư luận và với chính lòng mình.

Chờ một trận đấu - một ván bạc của hai ông thầy được liệt vào dạng lão làng nhất của bóng đá Việt Nam.  Và sau một trận đấu thì lại chờ cái kết cục của hai con người phiêu linh, những người mà từ lâu đã lấy "khát vọng xê dịch" làm lẽ sống

Trịnh Phan Phan
.
.
.