Khát vọng đổi mới cho sân khấu nước nhà

Thứ Tư, 09/12/2009, 12:09
Tại Đại hội Hội nghệ sĩ sân khấu nhiệm kỳ VII (2009 - 2014), các nghệ sĩ đưa ra những kiến nghị: Cần có Ngày sân khấu Việt Nam hàng năm vào 12/8 âm lịch. BCH khóa mới cần phối hợp với Bộ VH,TT&DL đặt ra tiêu chí đánh giá một kịch bản, một vở diễn hay để làm cơ sở cho các sáng tạo vươn tới.

Nhìn lại hoạt động của HNSSK Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, NSND Trọng Khôi - Chủ tịch Hội khẳng định: Các nghệ sĩ đã cố gắng vượt qua khó khăn của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, để sáng tạo và cống hiến, khẳng định vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống.

Tuy nhiên, dường như nhiều nghệ sĩ còn chưa chuyển dịch được theo biến động của mô hình kinh tế thị trường, nên chưa có sự dấn thân, hoặc nhập cuộc nhưng chưa quyết liệt. 5 năm qua, cả nước có gần 150 tác giả sân khấu, chủ yếu là tác giả kịch nói, nhưng chất lượng kịch bản chưa cao.

Vì thế, rất hiếm có được một vở diễn hay có tính nhất quán giữa ý tưởng và chất liệu. Sân chơi dường như chỉ dành cho các đạo diễn thành danh. Cuộc thi tài năng đạo diễn trẻ sân khấu và Liên hoan sân khấu thử nghiệm (LHSKTN) đã xuất hiện một số gương mặt, song chưa nhiều.

Nghệ sĩ biểu diễn phải làm nhiều việc khác chuyên môn chính, để đảm bảo cuộc sống, do đó, ảnh hưởng đến chất lượng của chính nghệ sĩ. Sân khấu của lực lượng vũ trang tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, làm nên những thành công mới.

Tại Đại hội, các nghệ sĩ cũng đã thẳng thắn: 5 năm qua, còn thiếu những tác phẩm sân khấu hay, tư duy sáng tác còn cũ mòn, thiếu phát hiện, nên gần như không có một hiện tượng sân khấu đột biến, tạo được dư luận; chưa có các biện pháp tập hợp, thiếu khích lệ động viên, chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ biểu diễn còn thấp, nên một bộ phận không nhỏ phải bươn chải đề kiếm sống là chính, từ đó hẫng hụt khát khao làm nghề và sáng tạo, thậm chí phải bỏ nghề.

Tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT không phù hợp với thực tế hiện nay, khiến nhiều nghệ sĩ, nhất là khu vực tự do, bị thiệt thòi. Công tác lý luận, phê bình sân khấu còn yếu, không thúc đẩy cho sân khấu phát triển. Hội cần hoạt động mạnh dạn, chủ động và hiệu quả hơn, để bảo vệ được quyền lợi tinh thần và vật chất cho nghệ sĩ…

Các nghệ sĩ đưa ra những kiến nghị: Cần có Ngày sân khấu Việt Nam hàng năm vào 12/8 âm lịch. BCH khóa mới cần phối hợp với Bộ VH,TT&DL đặt ra tiêu chí đánh giá một kịch bản, một vở diễn hay để làm cơ sở cho các sáng tạo vươn tới.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Tô Huy Rứa đánh giá cao nỗ lực của các nghệ sĩ sân khấu trong 5 năm qua, khi đã gắn bó với thực tiễn đổi mới, với số phận nhân dân, phản ánh trung thực cuộc sống bằng những hình tượng nghệ thuật sáng tạo và tìm tòi. Sân khấu đã bước đầu xã hội hóa thành công, ngày càng có nhiều vở diễn có giá trị tư tưởng và nghệ thuật.

Đồng chí nhấn mạnh: "Điều đáng suy nghĩ là cuộc chiến đấu kiên cường bảo vệ lý tưởng mà nhân dân ta đã chọn lựa, bảo vệ chủ quyền và sự nghiệp xây dựng đất nước; những biến động và biến đổi sâu sắc có ý nghĩa lịch sử trong đời sống đất nước và trong số phận từng cá nhân lại rất vắng vẻ trên sàn diễn. Phải chăng hiện thực đời sống trên sân khấu hôm nay quá thiên về những khắc khoải, dằn vặt, tăm tối, lý tưởng xã hội - thẩm mỹ không rõ nét; ý nghĩa xã hội của một số vở diễn trở nên hạn hẹp. Một số tác giả, đạo diễn khai thác các đề tài quá khứ, lịch sử nhưng thiếu sức sống, không trả lời được những câu hỏi của hôm nay. Một số vở chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận người xem, hạ thấp vai trò giáo dục tư tưởng, thẩm mỹ của sân khấu. Cần nhanh chóng khắc phục sự hụt hẫng về đội ngũ để có nguồn kịch bản hay, đội ngũ đạo diễn giỏi và diễn viên tài năng cho hôm nay và cho tương lai."

Các đại biểu mong đợi điều gì từ Đại hội này?

Các đại biểu đã rất tâm huyết khi tạm rời bỏ công việc bộn bề để từ các vùng miền trong cả nước về dự Đại hội. NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng bỏ Liên hoan phim đang tưng bừng để được cầm lá phiếu bầu cho người mình mong đợi. Vô cùng bận rộn, nhưng NSƯT Hồng Vân, Phước Sang, Đức Thịnh… cũng bay ra Hà Nội để thực hiện quyền hội viên của mình, rồi lại bay ngay về phương Nam khi Đại hội chưa kịp bế mạc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với họ:

NSND Thế Anh: Không thể để sự già cỗi, thiếu sáng tạo lặp lại trong thời gian tới. Thực trạng sân khấu hiện nay được phản ánh qua 2 hội diễn sân khấu chuyên nghiệp và sân khấu cải lương vừa qua mà báo chí đã đưa: buồn tẻ lại nhiều huy chương. Không khí đại hội rất sôi nổi, vì ai cũng mong đợi một BCH mới có tài, có đức, có học vấn và nhất là có tâm. Nghệ thuật là sự sáng tạo khôn cùng nên BCH mới cần chuyên nghiệp hóa, đủ trình độ thẩm định các tác phẩm để định hướng cho sân khấu phát triển.

Đạo diễn Đức Thịnh.

Đạo diễn Đức Thịnh (Kịch Idicaf): Làm gì cũng cần phải vì thế hệ trẻ, nếu không, sân khấu sẽ không phát triển được. Sau thế hệ này ai sẽ tiếp nối, là câu hỏi cần phải trả lời. Các nghệ sĩ sẽ được đào tạo thế nào để 10 năm nữa đủ sức nắm vận mệnh sân khấu nước nhà? Thế nhưng, tại đại hội này ít thấy có các kế hoạch dành cho nghệ sĩ trẻ, trong đó, đạo diễn có vai trò quan trọng.

Tôi đã 34 tuổi nhưng vẫn là đạo diễn trẻ nhất ở phía Nam dự Đại hội, rõ ràng là có bước hẫng hụt về sự tiếp nối. Chúng tôi đều chờ đợi sự thay đổi, nhưng không có nghĩa là thay những người lớn tuổi, mà người trẻ nhưng thiếu năng động và tư duy sáng tạo, cũng cần phải nhường chỗ cho người có tư duy mới.

NSND Hoàng Dũng (Nhà hát Kịch Hà Nội): Các nghệ sĩ đều chờ đợi sự thay đổi mạnh mẽ từ đại hội này với mong muốn, những người được bầu vào BCH mới phải làm việc tâm huyết, nhiệt tình hơn và nhất là phải có tâm với sân khấu. Sự công tâm là điều càng cần ở những người "cầm cân nảy mực". Những điều này, dù chưa phải là năng lực, nhưng chỉ cần thế đã đủ làm thay đổi diện mạo sân khấu hiện nay.

NSƯT Xuân Hinh.

NSƯT Xuân Hinh: Người trong BCH mới đòi hỏi phải có tâm, có tầm và năng lực. Những người không đủ khả năng, kể cả những người có tì vết mà báo chí đã nêu, sẽ không đủ uy tín với các nghệ sĩ, do đó, không nên ngồi đó, nhất là khi thấy mọi người nói về chuyên môn thì không hiểu gì. Tôi cũng mong chờ sân khấu sẽ phát triển mạnh theo hướng xã hội hóa từ lâu vì đó là hướng đi đúng, là đòn bẩy cho sân khấu phát triển.

Dạ Miên

Thanh Hằng
.
.
.