Khánh thành tượng đài Hoàng Hoa Thám

Chủ Nhật, 16/03/2014, 11:54

Chiều 15/3, dòng người từ nhiều vùng miền hối hả tụ về Yên Thế (tỉnh Bắc Giang). Buổi lễ khánh thành tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng đồng và chương trình lễ hội lớn nhân Kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế đã trở thành lễ hội lớn của nhân dân Bắc Giang.

Đại bản doanh của người Anh hùng Hoàng Hoa Thám năm xưa nhộn nhịp chiêng trống tế lễ, sôi nổi trò chơi dân gian. Bản hùng ca Yên Thế - khát vọng tự do của những người dân lao động đang hòa trong cuộc sống hiện đại, kết nối và lan toả truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm.

Đúng 15h ngày 15/3, lễ khánh thành Tượng đài Hoàng Hoa Thám bằng đồng được diễn ra trang trọng phía trước đền Thề, Khu Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám. Bức tượng bằng đồng được xây dựng từ tấm lòng của những người con Bắc Giang, của nhân dân khắp nơi trên cả nước, tri ân công lao và sự đóng góp của người Anh hùng Hoàng Hoa Thám trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

Cuộc khởi nghĩa nông dân cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã trở thành biểu trưng rực rỡ của tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta trước khi có Đảng, cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, thời gian kéo dài nhất và oanh liệt nhất.

Các đại biểu cắt băng khánh thành tượng đài.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Đề Nắm, Hoàng Hoa Thám và các nghĩa sỹ của ông, cùng với các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của cuộc khởi nghĩa để lại, năm 2012, những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội Yên Thế được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Lễ hội năm 2014, nhân kỷ niệm 130 năm khởi nghĩa Yên Thế được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống theo quy mô lễ hội cấp tỉnh, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân ta, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế năm xưa. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17 tháng 2 âm lịch với lễ cắt băng khánh thành, lễ tế và dâng hương truyền thống, lễ dâng hương tại Đền Thề - nơi nghĩa quân cắt máu ăn thề làm lễ xuất quân đánh Pháp.

Khu di tích lịch sử những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã đón hàng nghìn lượt khách về dự hội. Những cái tên: Đồn Phồn Xương, Đền Thề, Đồn Hố Chuối, Đình Dĩnh Thép, Đồn Hom…trong tổng số 23 di tích và cụm di tích của Hệ thống di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế tiếp tục chuyển tải tới người dân hôm nay một cách sinh động về quá trình xây dựng lực lượng, tổ chức chiến đấu của nghĩa quân trong cuộc chiến đấu kiên cường. Giá trị tinh thần đặc biệt, truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc sẽ tiếp tục được lưu truyền, phát huy 

Việt Hà – Cao Hồng
.
.
.