Khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú

Thứ Hai, 27/09/2010, 09:58
Lá Cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trên nền trời xanh thẳm ở nơi biên cương, thuộc đỉnh núi Rồng, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là biểu tượng thiêng liêng đối với mọi người dân đất Việt. Ngày 25/9, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lô Lô, Dáy, Mông, Kinh... thuộc tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức lễ khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú, ngọn cờ thiêng liêng càng thêm uy nghi.

Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là đỉnh "chóp nón" nơi cực Bắc Tổ quốc. Cùng với mũi Cà Mau, Lũng Cú là địa danh mà trong tim mỗi người Việt Nam đều nhớ, đều yêu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn. Thế nên, dẫu vượt qua những trập trùng núi đá, những cơn xóc "long ruột" mỗi khi "bác tài" vào cua, vậy mà ai cũng mong lên Lũng Cú. Và khi đặt chân lên đỉnh núi Rồng, ngắm nhìn lá Cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió tôi càng thêm tự hào khi là một người con đất Việt.

Cột cờ Lũng Cú gắn liền với truyền thuyết được lưu truyền ở miền núi đá Đồng Văn rằng, sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Thanh, Hoàng đế Quang Trung cho đặt một cái trống rất to tại nơi biên ải thuộc địa bàn xã Lũng Cú, nơi hiện nay là Đồn Biên phòng Lũng Cú. Cứ một canh giờ, 3 tiếng trống lại vang lên đĩnh đạc, khẳng định chủ quyền biên giới. Tiếp bước truyền thống cha anh, trên đỉnh núi Rồng, đồng bào các dân tộc sống tại miền biên ải này đã dựng cột cờ.

Ban đầu, cột cờ làm bằng tre, gỗ, sắt. Năm 2002, nó chính thức được xây dựng bằng xi măng, cốt thép, có hình dáng giống cột cờ Hà Nội với chiều cao gần 20m; chân, bệ có 6 mặt với các bức phù điêu mang hình trống đồng Đông Sơn; cán cờ cao 9m; cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em...

Sáng 25/9, hòa cùng sắc váy áo sặc sỡ của các cô gái Lô Lô, Mông, Dao..., tôi háo hức leo lên đỉnh núi Rồng để tham dự lễ cắt băng khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú. Với số tiền 20 tỷ đồng từ ngân sách và sự tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Vietinbank (15 tỷ), Công ty cổ phần Xây dựng...

Cột cờ Lũng Cú được trùng tu, xây dựng tại vị trí cũ nhưng với quy mô lớn hơn. Cột cờ cao 33,15m, trong đó phần thân cột cao 20,5m, cán cờ dài 12,9m, trong thân cột có 135 bậc lên đỉnh cột cờ; chân cột hình bát giác với 8 bức phù điêu bằng đá xanh, minh họa cho các giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc trưng của 54 dân tộc anh em cũng như đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang và tạc 8 mặt trống đồng Đông Sơn. Ngoài ra, còn có các hạng mục như nhà lưu niệm; đường lên xuống (425 bậc); đường từ nhà lưu niệm lên chân cột cờ (279 bậc).

Lễ khánh thành trùng tu cột cờ Lũng Cú ngày 25/9.

Đứng trên đỉnh núi Rồng, dưới chân cột cờ Lũng Cú phóng mắt nhìn ra bốn phía mới thấy cảnh sắc nơi đây thật hùng vĩ. Trong trập trùng núi thấp thoáng những con đường uốn quanh; những bản làng và các nương lúa, nương ngô. Người Lô Lô, người Mông... sống trên mảnh đất này đã tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng cho dân tộc mình. Các cô gái Lô Lô với váy áo sặc sỡ sắc màu, với mũ quấn 5 tầng và cặp lông mày tỉa mỏng như lá lúa tạo nên ấn tượng đặc biệt...

Trên đỉnh cột cờ, tôi gặp hai đồng chí Bộ đội Biên phòng tay bồng súng thật hiên ngang. Các anh thuộc Trạm công tác Biên phòng Lũng Cú, được vinh dự nhận nhiệm vụ bảo vệ và duy trì sự tung bay của lá cờ bất kể nắng mưa, giông bão. Trong ngày 25-9, ngày trọng đại khánh thành trùng tu cột cờ, cũng như bao người dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, các anh cũng háo hức, hồi hộp lắm. Đồng chí Nguyễn Hữu Nam, quê ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, anh rất tự hào khi làm nhiệm vụ ở nơi có cột cờ quốc gia. Mỗi ngày, khi phóng tầm mắt ra bốn bên, anh càng thêm yêu đất nước mình.

Hoà trong dòng người lên đỉnh núi Rồng, tôi gặp ông Hùng Đình Quý, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, người được coi là tác giả của cột cờ huyền thoại này. Ông Quý là người dân tộc Mông, quê gốc ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Năm 1978, sau khi hoàn thành con đường từ Đồng Văn lên Lũng Cú, ông nảy ra ý tưởng làm một cột cờ cao với lá cờ xứng tầm tại vị trí cao nhất trên đỉnh núi Rồng, nơi đang cắm lá cờ Tổ quốc... Và rồi lá cờ có diện tích 54m2, chiều dài 9m, chiều rộng 6m ra đời. Lá cờ ấy được kéo lên trên đỉnh cột cờ làm bằng cây thông cao 12m đủ để mọi người dân ở dưới các thung lũng nhìn thấy mỗi ngày.

Hôm nay, khi cột cờ Lũng Cú được xây dựng bề thế hơn, to đẹp và vẫn giữ nguyên diện tích 54m2 khiến ông rất xúc động. Mặc dù đã 74 tuổi nhưng đôi chân ông vẫn dẻo dai vượt qua hàng trăm bậc thang lên đỉnh cột cờ. Ông bảo: "Tôi rất vui khi thấy đời sống của bà con các dân tộc tỉnh Hà Giang ngày một khá hơn. Tôi hãnh diện khi được ngắm ngọn Cờ Tổ quốc đang tung bay trên nền trời hoà bình tại nơi mà trước đây mình đã cùng những người dân bản địa vượt bao khó khăn khi nối tiếp các thế hệ cha anh cắm ngọn cờ thể hiện chủ quyền lãnh thổ".

Tạm biệt Lũng Cú, chúng tôi lại đi xuyên qua "công viên địa chất Đồng Văn". Khung cảnh núi đá đen thật hùng vỹ, sắc đỏ của hoa rền, sắc vàng của hoa dại và thấp thoáng sắc hồng của hoa mua tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tôi được đặt chân lên cột cờ Lũng Cú, được ngắm nhìn cảnh sắc ở cao nguyên đá Đồng Văn, được nghe câu hát dân ca của người Lô Lô, được ngấm men say của rượu ngô... và được yêu thêm, yêu thật nhiều Tổ quốc mình

Cao Hồng
.
.
.