Khai thác di sản, phục vụ khách du lịch

Thứ Bảy, 02/07/2011, 10:56
Việc Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng của Việt Nam. Những giá trị độc nhất vô nhị của khu thành cổ đã được quốc tế khẳng định, vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy các giá trị to lớn, xứng danh vị của một di sản mang tầm nhân loại.

Đó là điều đang được rất nhiều người quan tâm. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, Cục Di sản văn hóa và Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ về vấn đề này.

Ông Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Nâng cao hiểu biết cho người dân về tầm quan trọng của Di sản

PV: Thưa ông, vừa trở về từ Paris với niềm vui tràn đầy khi Thành nhà Hồ được vinh danh là Di sản nhân loại, ông có thể cho biết, tới đây, ứng xử của địa phương với Thành nhà Hồ như thế nào để Di sản phát huy xứng tầm?

Ông Vương Văn Việt: Sau khi Thành nhà Hồ trở thành Di sản Văn hóa thế giới, vấn đề tiếp nối của tỉnh Thanh Hóa là ứng xử theo đúng những tiêu chí đã được quốc tế ghi danh. Tỉnh cũng sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức để nhân dân hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của Di sản, từ đó, có trách nhiệm hơn và cùng các cơ quan chức năng bảo vệ Di sản. Tỉnh cũng sẽ tăng cường triển khai kế hoạch quản lý Thành nhà Hồ như hồ sơ đã được Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt. Tiếp theo là sẽ tiến hành kiểm kê toàn bộ di tích trong khu vực Thành nhà Hồ để có kế hoạch quản lý và bảo tồn tốt hơn.

Kế hoạch về khảo cổ học ở Di sản sẽ được tiếp tục xây dựng bên cạnh dự án tu bổ, tôn tạo một số hạng mục ở đây. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng Công ước của UNESCO trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ. Một nhiệm vụ quan trọng được Thanh Hóa quan tâm tới đây là tập trung phát triển du lịch, để Thành nhà Hồ trở thành điểm nhấn trong những địa danh quan trọng ở tỉnh. Việc chăm lo đời sống dân sinh để đồng bào có trách nhiệm và quyền lợi trong chăm lo bảo vệ Di sản cũng được coi trọng.

PV: Xin ông nói rõ hơn về kế hoạch cụ thể cho phát triển du lịch ở Di sản thế giới này?

Ông Vương Văn Việt: Thanh Hóa sẽ có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho Di tích cả về kinh phí lẫn đổi mới công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đó là tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế.Hiện đã có nhiều tour, tuyến du lịch đến Di sản Thành nhà Hồ, nhưng tới đây, Thanh Hóa sẽ tổ chức thêm nhiều tour du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế mới với điểm đến là Thành nhà Hồ.

Để Di sản ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu về di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận trên nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, khảo cổ, cảnh quan...

PV: Việc trùng tu, bảo tồn Thành nhà Hồ sẽ được tiến hành theo tiêu chí nguyên trạng hay có phục dựng? 

Ông Vương Văn Việt: Việc trùng tu, bảo tồn Di sản sẽ căn cứ vào kết quả điều tra về khảo cổ học và tuân thủ theo Luật Di sản của Việt Nam và Công ước quốc tế về bảo vệ di sản.

Các đoàn ngoại giao quốc tế tham quan Giếng Vua trong Di tích Thành nhà Hồ.

Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản - Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ.
Ông Nguyễn Xuân Toán, Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản - Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ: Di sản phải được sống trong lòng cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ

PV: Thưa ông! Sự kiện Thành nhà Hồ được vinh danh, là niềm vui của nhân dân Thanh Hóa cũng như cả nước. Vì thế, nhiều người đang quan tâm về kế hoạch tới đây của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, để phát huy được những giá trị nổi bật của Di sản?

Ông Nguyễn Xuân Toán: Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc nổi bật của Thành nhà Hồ tới bạn bè trong nước và quốc tế. Một nội dung quan trọng là hướng tới việc cả cộng đồng cùng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị của di sản với việc phối hợp giữa chính quyền địa phương và nhân dân sở tại, để di sản thực sự sống trong lòng cộng đồng và có tác động tích cực trở lại tới đời sống người dân, để chính họ sẽ là người bảo vệ di sản.

Chúng tôi tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như tính hấp dẫn của di sản Thành nhà Hồ, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản.

PV: Trung tâm đã chuẩn bị gì để Di sản tác động tích cực tới đời sống người dân địa phương?

Ông Nguyễn Xuân Toán: Thời gian tới, Sở VH-TT&DL sẽ sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể và chi tiết cho di tích để UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai các dự án về du lịch, khách sạn xung quanh Di sản. Những năm qua, tỉnh đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, nên giao thông đến Thành nhà Hồ khá tốt, đã có các tuyến xe buýt từ thành phố Thanh Hóa và Sầm Sơn đến đây, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Trong 5 năm trước mắt, Trung tâm tạo điều kiện để người dân tham gia các dịch vụ xung quanh Di sản, dựa trên các quy định và quy hoạch của tỉnh và của Trung tâm. Chúng tôi chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương phục vụ du khách, như chè lam, sâm báo Vĩnh Hùng v.v… Trên thực tế, địa bàn huyện Vĩnh Lộc đã có khoảng chục khách sạn, nhà nghỉ của tư nhân chỉ cách Thành nhà Hồ 1-2km, đảm bảo phục vụ du khách nghỉ qua đêm

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.