Kêu mà ai thương

Thứ Tư, 14/06/2006, 08:10

Từ ngày xửa ngày xưa các cụ ta từng dặn dò con cháu: "Nói người phải ngẫm đến ta". Trong "Truyện Kiều", thi hào Nguyễn Du cũng lại nhắc: "Mình làm mình chịu kêu mà ai thương". Mặc dầu vậy, "kêu ca" vẫn là căn bệnh phổ biến của nhiều người.

Lấn đất làm nhà trái phép rồi kêu Nhà nước phải đền bù. Có lệnh dỡ bỏ thì dài mồm thách thức: "Trước đây tôi bảo vệ nước như thế nào thì bây giờ tôi kiên quyết bảo vệ nhà như thế ấy". Đến cơ quan nằm dài thì kêu lương ít, gặp người quản lý chặt thì kêu "khó chịu".

Tên sát nhân giết liền một lúc hai mạng người - cả mẹ lẫn con! Khi tòa tuyên án tử hình còn làm đơn kháng cáo, kêu ca rằng mức độ xử lý nặng quá, rằng hắn mới mắc sai phạm "lần đầu". Ôi trời, sao hắn không nghĩ được rằng, những nạn nhân kia cũng chỉ mới bị giết "lần đầu"- một lần mà là cả cuộc đời. Hơn thế, họ nào có được kêu như hắn - họ chết mà không kịp kêu lấy một tiếng!

Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng có một câu sâu sắc như thể châm ngôn: "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu". Cuộc sống đang ngày một sôi động, cũng vì thế mà thêm phần phức tạp. Người này có thể bứt lên khấm khá nhanh, trong khi người khác thì vẫn ì ạch mãi chưa vươn ra khỏi nỗi khổ nghèo. Nhưng hãy khoan, chúng ta phải bình tĩnh cùng nhau xem lại xem khúc mắc ở đoạn nào, và sự chênh lệch đời sống ấy bắt nguồn từ đâu? Vì cũng là làm giàu, có cách làm giàu bất chính nhưng cũng lại có cách làm giàu chân chính, kết hợp cả trí tuệ và tâm sức của con người làm nên. Nếu không sáng suốt và rạch ròi nhìn ra điều ấy, mà chỉ phàn nàn chửi đổng hoặc kêu ca, thì con người có khác gì một kẻ sa chân xuống đầm lầy, không chịu quan sát xem cạnh đấy có mô đất, cành cây nào mà bấu víu vào, cứ cố công gào thét và vùng vẫy, không khéo lại càng làm nhanh thêm quá trình "bùn hóa" mà thôi!

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là con người không có quyền "kêu" và không cần phải "kêu". Chúng ta đang đấu tranh cho một xã hội công bằng, văn minh. Mọi sự oan khuất, thua thiệt này nọ cần phải được cộng đồng biết tới để tìm giải pháp giúp đỡ. Và xúc động biết bao khi con người biết đồng cảm, sẻ chia với nhau, biết lên tiếng giúp nhau và thật đáng hoan nghênh nếu họ biết hướng dẫn nhau tìm đến "kêu" ở nơi nào cho đúng. Chỉ tiếc một nỗi, số người biết "giới hạn" của mình, biết mình phải dừng ở điểm nào cũng không thật nhiều. Và không phải ai cũng biết lúc nào thì cần giấu nỗi đau riêng của mình để không làm tổn hại đến cuộc vui chung của mọi người.

Thật đáng ngại vô cùng khi các cuộc họp bàn về chuyên môn, các cuộc liên hoan tổng kết cuối năm, lại là lúc lợi dụng micrô, lợi dụng diễn đàn, một số người tìm cách kêu rêu về sự thua thiệt này nọ của mình, dù sự thua thiệt ấy, nếu phân tích ra, thì chỉ bé bằng con muỗi. Người nghe thật ngao ngán khi lúc nào cũng phải nghe họ ca mãi một "điệp khúc thân quen" như thế, nhưng đành chịu vậy, biết làm thế nào, con người vốn ích kỷ mà. Như Acpagông (nhân vật trong hài kịch của Môlie) chỉ cần mất mát một chút thôi, là họ đã có thể xem thiên hạ đều ra phường trộm cướp hết.

Để xảy ra tình trạng phải kêu ca, dù là việc bất đắc dĩ, thực tế cũng chẳng hay ho gì. Chưa nói đến chuyện con người lại quá sa đà theo lối đánh động và lạm dụng lòng trắc ẩn của người khác. Tôi từng được tham dự một đại hội nọ, được chứng kiến cảnh một đại biểu khi lên nói trước micrô, đã dành toàn tâm toàn ý cho việc kêu gọi đại hội quan tâm hơn nữa đến đời sống của anh chị em trong giới, đặc biệt là cá nhân một người mà sau đó có được nhắc tên. Khi nói đến trường hợp người bạn kể trên, đại biểu nọ rút khăn tay và chỉ xem thái độ và nghe qua giọng nói, người ta biết anh đang khóc. Cả hội trường lặng đi, xúc động. Nhiều người ngồi hàng ghế đầu cũng sụt sịt. Câu chuyện đến thế là thành công, lưu được ấn tượng tốt đẹp, vì người ta thấy đại biểu nọ không hề nói một chút gì đến cá nhân mình.

Nhưng chỉ tiếc rằng sau đó, để cho "hết nhẽ", người được đại biểu nọ nhắc tới đã hấp tấp leo lên diễn đàn, xin được bổ sung thêm nỗi khổ và cả những thiếu thốn vật chất của mình. Đến đây mọi người như bừng tỉnh, như thấy đây không phải là đối tượng đáng để mình động lòng thương cảm. Thật là "nói dai, nói dài, nói dại", người đó đâu biết rằng, việc ông ta "tham lam" liệt kê hết những thiếu thốn này đến thiếu thốn khác của mình ra, thì sự trân trọng của mọi người lại giảm đi, để rồi rốt cục là họ phải đập bàn, "vỗ tay" mời ông rời khỏi diễn đàn nhanh nhanh.

Vậy nên, lại phải nói như nhà thơ Xuân Diệu "Hãy làm nhiều nhiều, hãy kêu ít ít". Và khi kêu, lý do phải thật xác đáng. Chứ kêu như nhà văn nọ tại cuộc gặp gỡ với Thành ủy Hà Nội "Thành ủy phải lãnh đạo dư luận xã hội thế nào, chứ một người như tôi, viết đến hơn sáu mươi quyển sách rồi mà tệ bạc quá, chẳng ai nhắc đến" thì biết giải quyết sao đây?

Hà Khải Hưng
.
.
.