Kế hoạch bảo vệ Thế vận hội mùa đông 2006 của Italia

Thứ Năm, 26/01/2006, 07:55

Tháng 2/2006, hàng nghìn vận động viên và quan chức từ khắp nơi trên thế giới sẽ hội tụ tại thành phố Turin của Italia trong khuôn khổ Thế vận hội mùa đông lần thứ 20. Song song với việc gấp rút chuẩn bị về cơ sở vật chất cho ngày hội thể thao này, Chính phủ Italia đã lên kế hoạch cẩn thận cho công tác bảo vệ an ninh trước những nguy cơ khủng bố.

Thế vận hội mùa đông 2006 sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 26/2 tại Turin, một thành phố miền Bắc nước Cộng hòa Italia. Với 7 môn thi tại 8 địa điểm khác nhau, Thế vận hội lần này dự kiến sẽ thu hút sự tham dự của 2.500 VĐV, 2.500 quan chức của 85 Ủy ban Olympic quốc gia, 650 trọng tài, 10.000 phóng viên và 1 triệu cổ động viên.

Các VĐV và quan chức thuộc 85 Ủy ban Olympic quốc gia sẽ được bố trí ở tại 3 làng Olympic là Torino, Bardonecchia và Sestriere. Các VĐV sẽ tranh tài ở 7 môn thể thao là Biathlon, Bobsleigh, Curling, Ice Hockey, Luge, Skating, Skiing tranh 84 bộ huy chương diễn ra trong 17 ngày thi đấu.

Kế hoạch bảo đảm an ninh

Khủng bố vẫn là mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà tổ chức. Chính vì thế, Chính phủ Italia đã quyết định huy động tối đa lực lượng để bảo đảm an ninh cho ngày hội thể thao lớn này. Theo thông báo mới đây nhất của Ủy ban Tổ chức Thế vận hội, Chính phủ Italia sẽ huy động khoảng 9.000 nhân viên an ninh và sẽ thiết lập một hệ thống chia sẻ thông tin tình báo trên khắp cả nước nhằm bảo vệ Thế vận hội.

Các quan chức chính phủ cho biết, họ sẽ áp dụng kế hoạch bảo đảm an ninh tương tự như chiến dịch bảo đảm an ninh tốn kém đã từng thực hiện trong lễ tang Giáo hoàng John Paul II hồi tháng 4/2005. Trong sự kiện đó, hàng nghìn cảnh sát đã được bố trí khắp thành Rome, những tay súng bắn tỉa được bố trí trên nóc các tòa nhà cao tầng. Máy bay, tàu chiến của NATO liên tục tuần tra trên bầu trời và dưới các dòng sông, bờ biển. Tất cả những biện pháp trên đã bảo đảm được an ninh cho hàng trăm quan chức chính phủ và hơn 1 triệu tín đồ tới tiễn biệt Giáo hoàng.

Turin đã sẵn sàng cho Thế vận hội mùa đông.

Ngoài ra, Italia còn tiến hành hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol. Ngày 20/12/2005, Cảnh sát trưởng Turin, ông Goffredo Sottile đã tới thăm trụ sở Interpol tại Lyon, Pháp, để bàn kế hoạch hợp tác bảo vệ an ninh cho Thế vận hội. Theo kế hoạch phối hợp này, một lực lượng cảnh sát quốc tế đông đảo sẽ được phái đến Turin để phối hợp với Cảnh sát Italia. Interpol cũng sẽ hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên môn cho Italia chống khủng bố. Văn phòng liên lạc của Interpol tại Turin sẽ được phép truy cập trực tiếp vào cơ sở dữ liệu của Interpol, bao gồm cả hồ sơ về hàng triệu hộ chiếu bị mất cắp thông qua đường liên lạc I-24/7 và sẽ dành ưu tiên cao nhất cho các yêu cầu từ Turin.

Nâng cấp cảnh báo chống khủng bố

Cuối tháng 12/2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Giuseppe Pisanu đã phát biểu trước Quốc hội Italia rằng, xét đến nguy cơ khủng bố rất cao, các lực lượng an ninh sẽ được tăng cường để bảo vệ cho Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra vào tháng 2/2006. Italia luôn cảnh giác trước những vụ tấn công khủng bố.

Bộ trưởng Pisanu cho biết, đến thời điểm này, các cơ quan an ninh vẫn chưa phát hiện thấy một âm mưu nào nhằm phá hoại an ninh của Olympic. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn đang triển khai một kế hoạch chi tiết, quy mô lớn để bảo đảm an ninh và trật tự trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội và hiện đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Theo kế hoạch này, 9.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai ở nhiều nơi diễn ra các nội dung thi đấu và một hệ thống điều phối 21 trung tâm chỉ huy với sự hợp tác của các cơ quan cảnh sát và tình báo từ các nước khác.

Nỗi lo từ người biểu tình

Bên cạnh nguy cơ khủng bố, các nhà chức trách còn lo ngại những cuộc biểu tình bạo lực bởi những nhà hoạt động chống toàn cầu hóa và những kẻ vô chính phủ đã từng làm hỏng nhiều sự kiện quốc tế được tổ chức tại Italia. Mới đây nhất, ngày 2/12/2005, hàng chục nghìn người dân đã tiến hành biểu tình và xô xát với cảnh sát tại khu vực thung lũng Alpine Susa nhằm cản trở việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Italia và Pháp phục vụ cho Thế vận hội. Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Valentino Castellani đã phải kêu gọi một thỏa thuận giữa chính phủ và những người biểu tình để kế hoạch xây dựng phục vụ cho Thế vận hội không bị ảnh hưởng.

Turin là một thành phố nằm ở phía Bắc Italia và cũng là nơi cộng đồng người Hồi giáo di cư tập trung đông nhất, trong số này có một số nhóm cực đoan và cảnh sát cho rằng đã từng ủng hộ các vụ tấn công ở Iraq và nhiều nơi khác trên thế giới. Mới đây, cảnh sát đã phải trục xuất một người được cho là thủ lĩnh của phong trào Hồi giáo cực đoan.

An ninh cũng chính là mối lo ngại lớn nhất đối với các nhà tổ chức Thế vận hội mùa hè tại Athens năm 2004. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia an ninh châu Âu thì trình độ của các cơ quan an ninh Italia được đánh giá cao hơn nhiều so với các cơ quan an ninh của Hy Lạp nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong hợp tác với khối NATO, tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình và các lực lượng đa quốc gia khác. Lực lượng an ninh Italia cũng được đánh giá là hoạt động có hiệu quả trong việc nghe trộm điện thoại để theo dõi các nhóm khủng bố và vũ trang bất hợp pháp.

Tuy nhiên, Italia là quốc gia có rất nhiều các cơ quan bảo đảm an ninh. Chính vì thế thường bất đồng ý kiến khiến công việc chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Mới đây, Chính phủ Italia cũng đã thừa nhận họ đang thiếu rất nhiều ngân sách dành cho việc thực hiện các kế hoạch bảo đảm an ninh cho Thế vận hội.

Trong khi đó các nhà tổ chức tìm cách làm lắng dịu mối lo sợ khủng bố trong dân chúng. Valentino Castellani, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Thế vận hội Turin 2006 tuyên bố với báo giới rằng: “Mục đích của những kẻ khủng bố là làm cho chúng ta sợ hãi, chính vì thế chúng ta không nên sợ hãi. Tỏ ra bình thản chính là sự phản ứng tốt nhất trước những lời đe dọa khủng bố”

Thanh Huyền (tổng hợp)
.
.
.