Bộ đồ nghề săn voi của hậu duệ “vua voi” A Ma Kông tặng Bảo tàng dân tộc học:

Kể chuyện săn bắt voi bằng hiện vật

Thứ Bảy, 15/03/2014, 12:16
Ngày 14/3, tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội) diễn ra buổi lễ long trọng đón nhận bộ đồ nghề săn voi do ông Khăm Phết Lào - Người thừa kế của “vua voi” A Ma Kông trao tặng. Bộ đồ nghề gồm 20 hiện vật, được chế tác bằng chất liệu tự nhiên có tuổi đời từ vài chục năm đến 200 năm. Đây là bộ đồ nghề săn voi gắn với dòng họ Khun Ju Nốp lẫy lừng ở vùng đất Tây Nguyên.

Tháng 11 năm 2012, “vua voi” A Ma Kông qua đời ở tuổi 103 là sự kiện gây chú ý đặc biệt của dư luận. Cả cuộc đời cụ A Ma Kông gắn với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng; gắn với bài thuốc bí truyền chữa đau nhức xương cốt, bổ thận tráng dương và gắn với những cuộc tình đậm chất núi rừng (4 người vợ, 21 người con). Sự ra đi của “vua voi” A Ma Kông khiến người ta tiếc nuối bởi từ đấy, không ai còn được diện kiến cụ - Chứng nhân của núi rừng Tây Nguyên trong việc chinh phục voi dữ, thuần dưỡng thành voi nhà; người dân tộc ít người tiêu biểu tham gia vào kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; nghệ nhân kể chuyện Tây Nguyên qua chiếc tù và.

Trong sự tiếc nuối ấy, có người thầm nghĩ, cùng với thời gian và lệnh cấm của Nhà nước, nghề săn bắt voi đã mai một và mất hẳn. Khi “vua voi” đã về với đại ngàn, những câu chuyện về nó rồi sẽ tuột dần, tuột dần…Thế rồi, mọi người cùng vỡ oà khi y sỹ Khăm Phết Lào, con trai thứ 11 của cụ A Ma Kông tuyên bố - Tặng bộ đồ nghề săn voi của gia tộc mình cho Bảo tàng Dân tộc học.

Người thân quen bất ngờ trước quyết định này của ông Khăm Phết Lào vì họ biết, ông yêu quý, nâng niu bộ đồ nghề săn voi này vô cùng. Với ông, chẳng tiền bạc nào có thể mua được dù chỉ là một đoạn trong cuộn dây làm bằng da trâu rừng. Với ông, cái ống tre hay chiếc Sreh Muk đều là những hiện vật vô giá. Chiếc Sreh Muk (cái túi) là của “vua voi” Y Thu Khun Ju Nốp, bố vợ “vua voi” A Ma Kông, ông nội Khăm Phết Lào (người Lào, Mnông, Ê đê … theo chế độ mẫu hệ).

“Vua voi” A Ma Kông lúc sinh thời và y sỹ Khăm Phết Lào.

Nhắc đến “vua voi” Y Thu Khun Ju Nốp, không thể không nhắc đến kỷ lục săn gần 500 con voi của ông. Danh hiệu “vua voi” Y Thu Khun Ju Nốp là do nhà vua Thái Lan phong. "Vua voi" Y Thu Khun Ju Nốp có 2 người con gái. Cảm mến chàng trai Y Prung Êban ("vua voi" A Ma Kông), Y Thu Khun Ju Nốp đã gả cô gái đầu cho anh. Nối nghiệp cha, Y Prung Êban tiếp tục phát huy tài săn bắt voi của mình. Một lần, khi chàng "chiến binh” của núi rừng đang mải miết chinh phục những chú voi trong rừng sâu thì nhận được tin dữ, vợ anh qua đời. Theo tục nối dây, chàng lại kết hôn với người em vợ. Hiện nay, người vợ này vẫn còn sống tại Bản Đôn (bà cũng là người sinh ra y sỹ Khăm Phết Lào).

Trở lại với chiếc Sreh Muk cổ để thấy rằng, chiếc túi đã đi theo “vua voi” Y Thu Khun Ju Nốp cả cuộc đời. Nó gần như là vật bất ly thân của người thợ săn voi mỗi khi đi rừng. Việc gia tộc Khun Ju Nốp lưu giữ được nó cho thấy, chiếc Sreh Muk cổ có giá trị không thể đong đếm đối với họ. Thế nhưng, khi tặng Bảo tàng Dân tộc học bộ đồ nghề săn voi, y sỹ Khăm Phết Lào không thể quên nó. Ông quan niệm, đã tặng phải tặng trọn bộ. Bởi mục đích của ông là, qua bộ đồ nghề này, nghề săn voi sẽ được lưu truyền. Mỗi hiện vật đều có giá trị riêng, từng thứ, từng thứ một sẽ kết nối thành một câu chuyện - Chuyện về nghề săn voi của người Bản Đôn. Nếu thiếu đi một thứ sẽ làm cho người xem không hiểu đúng, hiểu đủ về nghề đã làm nên tên tuổi lừng lẫy cho cha ông mình.

Tại sao y sỹ Khăm Phết Lào lại chọn Bảo tàng Dân tộc học để gửi gắm “gia sản” của mình? Tôi tin chắc rằng, những ai đã từng đến thăm bảo tàng này có chung suy nghĩ với tôi – Đây là địa chỉ lựa chọn số 1. Nếu ông Khăm Phết Lào trưng bày ở nhà, chỉ có những người dân trong vùng, những du khách đến Tây Nguyên mới được diện kiến. Nhưng khi trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học, khách tham quan từ em học sinh tiểu học ở Thủ đô, đến bạn bè quốc tế… đều được tận mắt nhìn. Không chỉ được nhiều người xem, ông còn tin tưởng những người làm công tác bảo tàng ở đây là cách họ sưu tầm, trưng bày và "làm sống” hiện vật. Mỗi hiện vật trưng bày tại đây, cho dù chỉ là một cái giỏ tre có giá trị vật chất không nhiều hay một tấm kinh Koran cổ trị giá cả nghìn đô la đều được nâng niu, gìn giữ và trân trọng như nhau. Đứng trước mỗi hiện vật, khách tham quan không chỉ được nhìn mà còn được nghe, được sống trong không gian đủ để người ta cảm nhận được sự sống của nó. Và một điều đặc biệt hơn cả, bộ đồ nghề săn voi của cha ông Khăm Phết Lào - Những đại diện của dân tộc Lào, Mnông được trưng bày trong không gian sống đầy sinh động của 54 dân tộc anh em trên toàn cõi Việt Nam ta là chính đáng.

Vợ chồng y sỹ Khăm Phết Lào và cuộn dây thừng làm bằng da trâu rừng.

Nghề săn bắt voi sẽ được kể lại một cách sinh động qua các hiện vật như: tấm phản làm bằng da trâu rừng mà người thợ mang theo khi đi săn; cuộn dây thừng dùng để cột voi khi mới bắt được và để thuần dưỡng voi; tấm đệm để đặt lên bành voi làm từ vỏ cây rừng; cái roi làm từ củ mây để người nài voi điều khiển voi… Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, sau khi tiếp nhận bộ sưu tập, cán bộ bảo tàng sẽ có những thuyết minh, thuyết trình, làm phim để giới thiệu cùng các hiện vật. Các hiện vật không chỉ được bày ra, được gọi tên mà các chuyên gia sẽ tiếp tục hành trình "làm sống” lại nghề săn voi bằng cách để hiện vật kể chuyện. Qua đó, cuộc sống của người thợ săn voi cũng như văn hoá của vùng Tây Nguyên sẽ được thể hiện một cách sinh động.

Năm 1992, quy định cấm săn bắt voi chính thức được Nhà nước ban hành. Nghề săn bắt voi của bà con Tây Nguyên khai tử. Gần đây, cùng với sự giảm sút về số lượng của voi rừng, lẫn voi nhà, việc bảo tồn loài voi đang được các ngành chức năng triển khai. Mặc dù, nghề săn bắt voi không còn tồn tại là phù hợp với các quy định của pháp luật nhưng việc lưu truyền rất cần thiết. Bởi, chinh phục tự nhiên, trong đó có voi rừng trong quá khứ từng là niềm tự hào của bà con Tây Nguyên. Theo PGS-TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, việc làm của hậu duệ “vua voi” A Ma Kông rất đáng trân trọng. Từ việc làm của ông, việc sưu tầm các hiện vật của bà con các dân tộc sẽ được hưởng ứng và thuận lợi hơn

Cao Hồng
.
.
.