Hy vọng người dân hiểu hơn về Cảnh sát giao thông

Thứ Hai, 27/09/2010, 14:32
"Tôi muốn sẻ chia với những áp lực vô hình trong công việc mà lực lượng CSGT đang gặp phải. Các anh còn có cả áp lực, từ những định kiến, từ sự thiếu cảm thông của người đời. Qua vở diễn của chúng tôi, người dân hiểu và thông cảm hơn với trọng trách, bổn phận của CSGT, chúng tôi sẽ hạnh phúc lắm" - thông điệp mà NSND Lan Hương gửi gắm qua vở diễn "Từ một ngã tư" do chị đạo diễn.

Trẻ đến độ khiến bất kỳ ai đối diện cũng phải "choáng" khi làm phép trừ quy ra số tuổi đời, NSND Lan Hương còn gây ấn tượng mạnh bởi sự hồn nhiên hiếm gặp ở những người đủ đầy cả thanh lẫn sắc. Hơn 5 năm qua, đảm đương cương vị Trưởng đoàn 3 của Nhà hát Tuổi trẻ, Lan Hương lọ mọ độc hành, cặm cụi đầy ải mình vào cuộc kiếm tìm lối đi riêng cho nghệ thuật sân khấu đang trong cơn trễ nải, buồn tẻ: thử nghiệm kịch hình thể. Với sự dấn thân không toan tính, tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ II, NSND Lan Hương đã mang tới tiết mục độc đáo, vở diễn đương đại "Từ một ngã tư", lấy cảm hứng ngay trong công việc thường ngày của lực lượng Cảnh sát giao thông…

- Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ II đã qua được nửa chặng đường rồi. Chị nói thật nhé, từ hôm khai mạc tới giờ, chị đi xem có đều không?

- Có chứ. Đâu phải lúc nào nghệ sỹ chúng tôi cũng có điều kiện gặp nhau, tụ lại với nhau trong một ngày hội sân khấu thế này đâu. Tôi vẫn đi xem đều các vở diễn của đồng nghiệp. Tuy nhiên, còn vì công việc, vì những bận rộn khác nữa, nên có buổi diễn, chỉ đến gặp gỡ đồng nghiệp một lúc rồi lại phải chạy về nhà hát.

- Là diễn viên đã quá nổi tiếng, giờ lại đảm đương công việc đạo diễn và thêm trọng trách quản lý một đoàn nghệ thuật, theo chị, liên hoan này đã mang lại ích lợi gì cho sân khấu nói chung?

- Nhiều chứ, quá nhiều là đằng khác. Trước mỗi dịp liên hoan, hội diễn, các nghệ sỹ bao giờ cũng suy tư nghiền ngẫm, đầu tư sức lực nhiều hơn hết để thể hiện mình, thực hiện ao ước đem lại hơi thở mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn cho sân khấu. Nguyên ý thức đó đã kích thích không khí làm nghề, khiến mỗi cá nhân đều ham muốn tự hoàn thiện. Năm nay, cũng gần đến dịp Nhà nước xét phong tặng danh hiệu nghệ sỹ, đạt được thành tích trong liên hoan, các nghệ sỹ lại tạo thêm điểm nhấn quan trọng cho mình. Theo tôi, đây cũng là dịp thu hút sự quan tâm của công chúng, rồi cả bạn nghề tới một đề tài không những hấp dẫn, mà còn chứa đựng nhiều bí ẩn cho những người sáng tạo khai phá, tìm tòi: đề tài Công an.

Cảnh trong vở diễn "Từ một ngã tư". Ảnh Trang Dũng.

- Riêng chị, duyên cớ nào khiến chị lại chọn cuộc sống, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát giao thông làm cảm hứng nghệ thuật của mình? 

- Từ nhà tôi đến cơ quan xa lắm. Ngày nào tôi cũng đi đi về về trên đoạn đường tít tắp ấy. Tôi phải đi qua rất nhiều ngã tư, những ngã tư lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhạo, xô bồ. Ở những ngã tư đó, không bao giờ vắng bóng những anh Cảnh sát trong sắc phục vàng. Có họ, sự vật lộn vào giờ cao điểm của người đi đường đỡ ức chế hẳn. Nhưng, ngược lại, tôi nhận thấy, phần việc của CSGT lại vất vả, nặng nề, vì chính người đi đường còn thiếu ý thức, ai cũng thích chen lấn, xô đẩy, người nào cũng hăm hở lao lên phía trước, chả ai nhường ai cả. Nói rộng ra cuộc sống, một xã hội mà toàn những con người như thế, những cá nhân chỉ biết nhăm nhăm giẫm đạp lên tất cả để giành lối đi cho riêng mình, thì bi kịch biết nhường nào.

Bởi thế, tôi muốn sẻ chia với những áp lực vô hình trong công việc mà lực lượng CSGT đang gặp phải. Các anh còn có cả áp lực, từ những định kiến, từ sự thiếu cảm thông của người đời. Chức năng của nghệ thuật, trong đó có sân khấu, trước hết là giáo dục. Qua vở diễn của chúng tôi, người dân hiểu và thông cảm hơn với trọng trách, bổn phận của CSGT, chúng tôi sẽ hạnh phúc lắm.

- Thông điệp mà đạo diễn - NSND Lan Hương đưa ra, có nhận được sự chia sẻ, tán thưởng từ đồng nghiệp và khán giả rộng rãi?

- Nói thật là khi hoàn thiện vở diễn này xong, tôi run lắm. Thậm chí, tôi chả dám mời ai, chỉ rón rén nhờ mỗi NSƯT Lê Chức đến xem để góp ý. Hôm tổng duyệt, cũng âm thầm, bị bao người trách vì không thông báo. Chúng tôi đã cố để vở diễn cuốn hút, cố làm cho tác phẩm của mình gắn với đời sống, gần gũi với thẩm mỹ của công chúng. Tôi bị nỗi lo, mình cứ lầm lụi một mình mình một kiểu, không làm giống ai, không đi theo những con đường đã vạch sẵn. Nhưng cũng vui, vì sau buổi diễn dự thi, tôi nhận được nhiều sự phản hồi tích cực. Tôi thấy nhẹ nhõm, thư giãn thêm nhiều.

-  Dàn dựng kịch hình thể - đương đại về đề tài Công an, đúng là trước chị, hầu như chưa có tiền lệ. Vậy sau "Từ một ngã tư", chị vẫn tiếp tục hành trình này chứ?

- Tôi muốn nói điều này. Những nhà tổ chức Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" phải có tâm với nghệ thuật, có lòng với sân khấu lắm. Năm ngoái, tôi cũng muốn dựng một vở kịch hình thể, nhưng lãnh đạo nhà hát lắc đầu, bảo: không có kinh phí. Sau đó chúng tôi nhận được 50 triệu đồng tài trợ từ Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, để làm Hamlet tham gia Liên hoan Shakespeare toàn cầu. May mắn, Hamlet đã được khán giả quốc tế ghi nhận, nhất là ở Nhật Bản, chúng tôi đã được đánh giá cao.

Năm nay, tham dự Liên hoan sân khấu về "Hình tượng người chiến sỹ CAND" lần thứ II, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ kinh phí dựng vở. Anh chị em từ các địa phương xa về Hà Nội còn được đài thọ chi phí ăn ở. Và nghe nói, giá trị giải thưởng còn cao nữa. Những điều này, không phải Ban Tổ chức liên hoan, hội diễn nào cũng làm được đâu. Sau "Từ một ngã tư", chúng tôi còn một dự định nữa, nhưng phải đợi cái gật đầu từ Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, có đồng ý tài trợ hay không đã.

- Tức là nhìn từ Liên hoan sân khấu do Bộ Công an phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức, chị có nhiều điều để gửi gắm tới những nhà quản lý văn hóa nghệ thuật?

- Quản lý nghệ thuật cũng phải có tâm, có tầm, phải thực lòng yêu nghệ thuật. Như tôi, khổ là vì phạm phải cái "tội" yêu nghề quá. Lúc nào tôi cũng hao hức, hăm hở như thuở ban đầu. Tôi hầu như không hề nhận tiền thù lao đạo diễn, vì quả thật, có đồng tiền nào là dồn hết vào lo cho vở, lo cho anh chị em diễn viên. Chúng tôi mày mò làm kịch thử nghiệm, trong khi không được đỡ đầu cả đầu ra lẫn đầu vào. Vì là đoàn mới, còn non trẻ, trứng nước, nên tôi chỉ mong nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, như hàng năm cấp cho chúng tôi một khoản kinh phí riêng từ ngân sách nhà nước.

- Còn ước muốn gần hơn, thiết thực hơn của chị ngay lúc này?

- Tôi mong sau khi Liên hoan, vở kịch đương đại "Từ một ngã tư" sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội biểu diễn. Chúng tôi mong muốn được gặp gỡ với khán giả, được trình diễn cho khán giả xem, nhất là khán giả trong lực lượng Công an. Chúng tôi đã dồn nhiều tâm sức của mình vào tác phẩm, và khao khát được đem tác phẩm ấy tới với công chúng.

- Trân trọng cảm ơn NSND Lan Hương

Hạnh Đoàn (thực hiện)
.
.
.