Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc:

Huy động nguồn lực phát triển đất nước

Thứ Ba, 04/02/2014, 15:18
Năm mới đến rộn ràng Xuân mới/ Mong cho đời thiện-mỹ-chính-chân/ Luôn luôn Liêm-Chính-Kiệm-Cần/ Công bằng hợp lý là xuân cho đời. Câu chúc phúc đầy hứng khởi cũng là kỳ vọng của muôn dân về cuộc sống tốt tươi vào thời khắc đón Xuân Giáp Ngọ xuyên suốt cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo CAND với Giáo sư, Tiến sĩ sử học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc. Dưới góc nhìn lịch sử, điều gì khiến chúng ta tin tưởng, Giáp Ngọ 2014 là năm “Mã đáo thành công” theo cách lý giải của Giáo sư...

PV: Năm mới, xin chúc Giáo sư, Tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Ngọc cùng gia đình một năm mới có nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng. Là nhà sử học, Giáo sư có thể chia sẻ cảm xúc vào thời khắc bước sang năm mới-Xuân Giáp Ngọ 2014?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Tôi cảm thấy lâng lâng không khí Xuân sang, ấm áp lòng người hòa quyện. Đặc biệt, nhận thấy rất rõ những tín hiệu vui của một năm vận hội của mỗi người cũng như của đất nước hứa hẹn những thành công. Giáp Ngọ là năm “Mã đáo thành công”, nhìn theo hành trình lịch sử.

PV: Những dự cảm thật tốt lành. Nhưng để thuyết phục bạn đọc thì không thể bằng dự cảm mà phải có những cứ liệu thuyết phục. Giáo sư có thể dẫn ra điều này?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Theo chu kỳ 12 con giáp, năm nay Giáp Ngọ-con ngựa quay về được dân gian quan niệm là năm “Mã đáo thành công”. Trong lịch sử nhất là lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, năm Ngọ là những năm hết sức đặc biệt bởi những chiến công vang dội có tính chất bước ngoặt lớn. Những trang đầu tiên của lịch sử còn có tính huyền thoại, đó là hình ảnh Thánh Gióng-biểu tượng cao đẹp của đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, như Cao Bá Quát viết: “Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn/Đằng vân do hận cửu thiên đê”. Tạm dịch: Đánh giặc chỉ buồn nỗi 3 tuổi đã là muộn/ Bay lên trời mà vẫn còn giận 9 tầng mây; hay như năm Mậu Ngọ 1078, Lý Thường Kiệt chỉ huy đại thắng giặc Tống trên sông Như Nguyệt, khảng khái đọc bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”; năm Mậu Ngọ 1258, quân dân Đại Việt chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất; năm Nhâm Ngọ 1282, nhà Trần mở Hội nghị Bình Than, mở màn cho chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai; Năm Bính Ngọ 1786, khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi... Gần nhất là năm Canh Ngọ 1930, mùa Xuân thành lập Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Năm Giáp Ngọ 1954, với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu... Như thế, có thể nói năm Ngọ là những năm có tính chất chu kỳ gắn với vận hội lớn của dân tộc, của bao đời người. Bởi vậy, quan niệm năm Ngọ là những năm có sung lực tốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển đất nước là có cơ sở.

Giáo sư, Tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

PV: Lịch sử đất nước ta có lúc thịnh, lúc suy. Ngày Xuân trở lại với những bài học quý trong lịch sử, dõi vào bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để mạnh và hạn chế cái yếu, hội nhập mà không bị hòa tan, làm cho đất nước thái bình muôn thuở, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Mỗi người phải thấy rõ mặt mạnh, mặt hạn chế của mình để góp vào cái mạnh chung của tập thể, rộng hơn là sức mạnh của đất nước, của dân tộc. Đó là sức mạnh của đoàn kết. Đồng thời, hạn chế cái yếu, cái lạc hậu. Nguyễn Trãi đã tổng kết: Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có. Nhìn vào sự thành công trong lịch sử dân tộc, đương nhiên là có vai trò to lớn của quần chúng. Nhưng đi liền với những chiến thắng vĩ đại và sự hưng thịnh ở mỗi thời kỳ đều gắn với tên tuổi của những vị Anh hùng hào kiệt. Các vị đó là tinh hoa của đất nước, của dân tộc. Những tinh hoa ấy đã sáng suốt tìm được đường hướng cho dân tộc theo đi và phát triển. Trong đó, đường hướng quan trọng nhất là phải biết khai thác, huy động được cao độ sức mạnh nguồn lực từ nhân dân.

Tôi đọc trong bài học kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Trần Nhân Tông khi đến thăm Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo có nói một câu đại ý: Khoan thư sức dân là kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách để giữ nước. Đây là tổng kết tuyệt vời, vì ông ý thức được rằng, ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông, dân tộc ta có cội nguồn sức mạnh từ sự huy động cao độ đóng góp của nhân dân vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, và đã giành chiến thắng vang dội. Chính sách đó quán triệt một phương châm: Để cho tận thôn cùng xóm vắng, không còn tiếng hờn giận oán sầu!

PV: Nghĩa là muốn huy động được cao độ sức dân, thì chính sách đó phải vì dân?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Điều này đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Bài học từ lịch sử còn nguyên giá trị, không gì khác là chính sách phải vì sự no ấm, hạnh phúc của nhân dân. Để cho người dân thấy được vai trò của họ trong từng chủ trương, chính sách, phát huy khả năng đóng góp của họ, và cuối cùng chính họ là người được thụ hưởng thành quả của các chính sách đó. Như thế, mới huy động được sức dân một cách mạnh mẽ và đầy tinh thần tự giác. Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Công cuộc đổi mới, nhất là đổi mới cơ chế khoán trong nông nghiệp bắt đầu từ 1981 dẫn đến thành công đã chứng minh rất rõ điều đó. Công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay cũng không thể bỏ qua triết lý này.

PV: Nhưng mỗi thời mỗi khác. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hiện nay chịu tác động của yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài, cả khách quan và chủ quan, vừa hợp tác vừa đấu tranh... Vậy theo Giáo sư, cơ hội của chúng ta nằm ở đâu và thách thức chúng ta gặp phải là gì?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Cơ hội và thách thức hiện nay đặt ra không riêng gì cho Việt Nam chính là quá trình toàn cầu hóa. Đây là xu thế phát triển không thể cưỡng lại được, dù muốn hay không. Vấn đề là phải chủ động đồng hành, với tư chất riêng có của dân tộc ta, con người Việt Nam ta. Làm thế nào trong cuộc chơi đó, chúng ta huy động nguồn lực vật chất và tinh thần để thắng lợi, hòa nhập nhưng không hòa tan với thế giới. Hội nhập để phát triển, nhưng muốn phát triển thì phải hội nhập. Đây là vận hội lớn nhưng cũng là thách thức lớn. Xin ví dụ, chưa bao giờ người nông dân có thể lựa chọn cây giống, con giống, công nghệ chăm sóc... cho đến bán sản phẩm tới khắp nơi qua Internet thuận lợi như bây giờ. Tuy vậy, mặt trái của Internet cũng đã tác động không nhỏ tới thuần phong mỹ tục, tới đời sống văn hóa, đoàn kết các dân tộc, thậm chí tới an ninh quốc gia như bây giờ. Đó cũng là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta phải chủ động khai thác mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của nó tới công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Quốc nạn tham nhũng đang là vấn đề “nóng” làm suy yếu nguồn lực quốc gia đặc biệt là làm suy giảm lòng tin của người dân vào Đảng, vào chính quyền. Nhân dịp năm mới, Giáo sư có thể bày tỏ quan điểm góp phần triệt xóa loại giặc nội xâm này?

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử nước ra đã chứng minh, khi nào Nhà nước mạnh, đoàn kết dân tộc được giữ vững, pháp luật được thực thi nghiêm minh thì giặc ngoại xâm không có cơ hội xâm phạm bờ cõi, nạn tham nhũng cũng giảm. Theo quy luật đó, tôi cho rằng muốn chống tham nhũng hiệu quả, thì quan trọng hàng đầu là phải nâng cao hiệu lực pháp luật trong mọi quá trình thực thi các chính sách của Nhà nước, chủ trương của Đảng. Phải xây dựng Nhà nước pháp quyền một cách thật sự. Hiện nay, ở một số lĩnh vực người ta cho rằng “nhạy cảm” như duyệt dự án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách cán bộ... vẫn có quan niệm giải quyết việc này “có lý có tình”.

Thực chất, nếu giải quyết có lý có tình trong điều kiện trong sáng, mạch lạc thì rất hay. Nhưng ngược lại, nếu thiếu minh bạch hoặc không có cơ chế kiểm soát tốt, thì “có lý có tình” đôi khi lại là cách để một số người có điều kiện giải quyết quan hệ, lợi ích nhóm. Như thế, thì tham nhũng vẫn có điều kiện hoành hành. Bởi vậy, chống tham nhũng không chỉ cần những tiền đề như hệ thống luật pháp, mà quan trọng và có tính chất quyết định lại là đội ngũ cán bộ công chức thực thi pháp luật giữ vững lòng son là công bộc của nhân dân. Đúng như tinh thần Vua Lê Thánh Tông đã nói với các quần thần: Pháp luật là của chung thiên hạ, ta và các ngươi đều phải theo. Việc xử lý một số vụ án tham nhũng lớn ở Vinashin, Vinaline, vụ Huyền Như... là những thông điệp mạnh mẽ tuyên chiến với nạn tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư và một lần nữa chúc Giáo sư cùng gia đình một năm mới sức khỏe, tràn đầy sức sáng tạo, một năm “Mã đáo thành công”

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.