Hồn tranh tình người

Thứ Sáu, 11/09/2009, 10:08
Có thể nói: rất nhiều đồng nghiệp của tôi, nhất là các nhà báo viết về khối Nội chính cũng như làng sưu tập tranh Sài Gòn đều biết Thượng tá Trương Văn Thuận, hiện đang công tác tại Văn phòng Bộ Công an ở phía Nam là một người say mê sưu tập tranh.

Sáng nay tôi chủ động hẹn giờ gặp, nhưng Trương Văn Thuận lại phải ngồi chờ tôi tới năm, bảy phút. Tôi thật ái ngại, vì biết Thuận vừa hoàn thành chuyến tháp tùng công tác một đồng chí lãnh đạo Bộ Công an cả tuần lễ, vừa về đến thành phố, nghe tôi nhờ thẩm định một bức tranh sơn mài, anh sốt sắng, vui vẻ nhận lời.

Thấy anh bạn cùng đi với tôi định xé tờ báo để lau bức tranh, Thuận khẽ giật mình nhưng giọng vẫn nhẹ nhàng: "Đừng anh! Lau bụi tranh sơn mài này, phải là vải thật là mềm, nếu không mặt tranh sẽ bị xước anh ạ!".

Rồi mắt Thuận sáng lên, lặng ngắm bức tranh... và vui vẻ, nhìn thẳng tôi: "Đây đúng là tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt. Hình họa, bố cục được lắm... mà hình như có vài mảng nhỏ hơi bị... tối!". Tôi vội cắt ngang lời Thuận, nhưng không mấy tự tin. Thuận nhỏ nhẹ: "Một ít bạc trong chất liệu màu qua nhiều năm bị ôxy hóa nên những mảng đó bị xỉn màu so với xử lý ban đầu của họa sĩ...".

"Đúng là Thuận - cố - vấn!" - Tôi thầm nghĩ và gật gù tâm đắc với giải thích của Thuận.

Tôi bỗng nhớ cách đây hơn hai chục năm: Vốn là dân học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp, tuy ngành cho học khóa bổ túc Sỹ quan Công an nhưng loạt bài phóng sự điều tra về "Bắt giam giữ" mà tôi và cố nhà báo Nguyễn Năm cùng thực hiện kéo dài hơn một năm trời, không ít vụ đã được "tham mưu" của Thuận (khi Thuận là Đội trưởng Tham mưu, Phòng CSĐT (PC16) Công an TP Hồ Chí Minh). Nhờ vậy chúng tôi có thêm kiến thức; bài viết được thực hiện nhanh nhạy hơn, chuẩn xác, mạnh mẽ hơn, có tác dụng tốt trong ngành Công an và hàng triệu quần chúng bạn đọc.

Thượng tá Trương Văn Thuận, người đam mê sưu tập tranh.

Từ đó suốt thời gian được bổ nhiệm làm Phó Công an quận 7, Phó Công an huyện Bình Chánh rồi Phó Chánh văn phòng Công an TP HCM đến nay, Trương Văn Thuận càng gắn bó với chúng tôi và nhiều phóng viên viết về khối Nội chính khác.

Và chính chúng tôi cũng không ngờ: Từ một sĩ quan Công an tốt nghiệp khóa D6 Trường Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân), đảm trách, hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng Trương Văn Thuận vẫn theo học nhiều ngành khác nhau để tự khẳng định mình (anh là thạc sĩ luật học, cử nhân kinh tế... từ rất sớm) và vẫn dành thời gian, lòng đam mê cho việc sưu tầm tranh.

Nhiều người trong giới đều nhìn nhận Thuận là một trong những người chơi tranh khá sớm trong làng sưu tập tranh TP HCM. Hiện anh có một "gia sản" là bộ sưu tập với hàng trăm bức tranh quý hiếm của nhiều danh họa nổi tiếng của Việt Nam ta từ thời "Đông Dương", "Gia Định" đến các họa sĩ đương thời.

Vốn là một sĩ quan Công an nên tôi rất nể phục đồng nghiệp Thu Ngân, một nhà báo "ngoài ngành", đã có những nhìn nhận khá đầy đủ, thuyết phục, cảm động về "nhà sưu tập tranh Trương Văn Thuận".

Chính đồng nghiệp Thu Ngân đã khiến Trương Văn Thuận - một người điềm đạm, ít nói, nhất là nói về mình - đã chân thành bộc bạch rằng: Việc chơi tranh, sưu tập tranh của Thuận là một cơ duyên.

Cơ duyên trước tiên đến với Thuận là gia đình anh vốn rất thân với gia đình danh họa Nguyễn Gia Trí (mà lúc sinh thời cũng như cho đến nay vẫn được đánh giá là họa sĩ hàng đầu về tranh sơn mài của Việt Nam, và tranh của ông đứng vào hàng "tài sản quốc gia"). Từ việc được nghe các cuộc đàm đạo của các họa sĩ "bậc thầy" với nhau, hoặc trực tiếp được nghe giải của các danh họa, cộng với tố chất yêu nghệ thuật, văn chương, Thuận đã lĩnh hội được nhiều kiến thức về hội họa nói chung cũng như tranh sơn mài nói riêng, loại hình mà ngay từ rất sớm Thuận đã là "tín đồ" số một của nghệ thuật này.

Thuận tâm sự: Ban đầu anh đến với tranh như một thú giải trí nhưng sau đó là niềm đam mê. Nhưng anh rất ít nói về quá trình, cố gắng tìm hiểu, học hỏi bằng nhiều cách, nhiều nguồn như thế nào để có được những gì hôm nay. Rõ ràng có nhiều điều chúng tôi cần anh như một "cố vấn" từ nghiệp vụ ngành Công an... đến hội họa.

Nhưng với phong cách, tâm thế và ngữ điệu, Thuận trao đổi với chúng tôi thật thoải mái, dễ hiểu cứ như chúng tôi cùng đọc một cuốn sách, phía chúng tôi mới đọc được mấy chương, còn anh thì đã đọc xong, giờ anh nói cho chúng tôi biết phần kết của nó vậy.

Gạn hỏi mãi Thuận mới "bật mí" về điểm quý, hiếm trong bộ sưu tập của anh. Đó là những bức phác thảo của họa sĩ Nguyễn Gia Trí để thực hiện sơn mài và nhiều "ký họa" của các danh họa bậc thầy khác.

Một điều đáng trân trọng nữa ở Trương Văn Thuận là: Tuy anh đang sở hữu bộ sưu tập khá phong phú "độc nhất vô nhị" của nhiều họa sỹ nổi tiếng nhưng anh vẫn không ít lần chủ động tìm đến đặt mua tranh của một số họa sĩ trẻ mà Thuận quý, tin tưởng tương lai gần họ sẽ có đóng góp cho nền hội họa nước nhà.

Chính một họa sĩ đã cảm kích nói với tôi: "Thời em còn khó khăn, anh Thuận đã giúp đặt mua tranh của em nên em mới có điều kiện mua các vật dụng, chất liệu để sáng tác những tác phẩm mang tính khẳng định khả năng của mình".

Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác càng đồng cảm, chia sẻ, trân trọng hơn niềm đam mê sưu tập tranh trong cuộc sống đời thường của Thuận.

Song, là người đã gần hai phần ba cuộc đời gắn bó với ngành Công an, qua Thuận, tôi còn có thêm niềm vui, tin yêu vào cuộc sống ở một khía cạnh khác: Thuận và hàng ngàn, hàng vạn đồng đội đã và đang tiếp bước cha anh, bổ sung ngày một hùng mạnh cho đội ngũ trí thức và những cán bộ, chiến sỹ trí thức cho ngành Công an.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần tôi được may mắn diện kiến Đại tướng: Cùng với hình tượng "Anh Bộ đội Cụ Hồ", hình tượng "Người Chiến sĩ Công an nhân dân", nhất là từ sau khi Đảng tiến hành công cuộc Đổi mới, ngày càng được Đảng tin yêu, nhân dân cảm mến, đùm bọc, hỗ trợ.

Bên cạnh sự đào tạo bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước, nhiều cá nhân, đơn vị Công an trong cả nước đã tự giác học hỏi, nắm bắt nhanh, tốt tri thức tiên tiến của nhân loại trên nhiều lĩnh vực.

Nhờ vậy, các đồng chí Công an vừa hoàn thành nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa làm đẹp thêm hình ảnh người Chiến sĩ Công an nhân dân tinh thông nghiệp vụ, giàu tri thức k hoa học, kể cả trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, xã hội từ thiện; ngày càng xứng đáng với sáu điều Bác Hồ dạy đối với lực lượng Công an nhân dân

Chí Thiện
.
.
.