Hòn Phụ Tử gẫy đổ, lo cho vịnh Hạ Long

Thứ Năm, 17/08/2006, 13:38

“Ở vịnh Hạ Long, mỗi khi thủy triều xuống, có thể thấy rõ độ chênh vênh của những đảo đẹp như: hòn Trống Mái, hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, hòn Đũa… do nước biển bào mòn chân đảo. Nếu không đầu tư, gia cố, khó có thể lường hết được chuyện gì sẽ xảy ra...”, ông Ngô Hùng, Trưởng BQL Vịnh Hạ Long nói

Sau sự kiện hòn Phụ Tử (Kiên Giang) bị đổ sụp mới đây, vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới với trên 700 đảo lớn nhỏ, hàng chục hang động kỳ thú, huyền ảo cũng đang phải đối mặt trước nguy cơ tàn phá dữ dội của thời gian và của cả con người. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Trưởng BQL vịnh Hạ Long - ông Ngô Hùng xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, với tư cách Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, trước hết, xin ông đánh giá hiện trạng các di tích - danh thắng trên vịnh cho tới thời điểm này.

- Từng 2 lần được xếp hạng là Di sản thiên nhiên thế giới, ngoài các giá trị đặc biệt đã được công nhận về khoa học địa chất, địa mạo; sinh học; lịch sử, khảo cổ học; vịnh Hạ Long nổi tiếng là một trong những kỳ quan hiếm có của nhân loại. Thật khó có nơi nào được ẩn chứa trong mình một hệ thống đảo, hang (trên đảo) kỳ thú và quyến rũ như ở Hạ Long.

Trong tổng số trên 700 đảo lớn nhỏ nằm trong vịnh, có rất nhiều hòn đảo đẹp, huyền ảo, thậm chí đã hóa thân vào đời sống tâm linh, là biểu tượng của những ước vọng, tình cảm bao đời của người dân đất Việt... Đó là các đảo đá thiên tạo có tên: hòn Trống Mái, hòn Đỉnh Hương, hòn Đũa, hòn Bút... Cho tới thời điểm này, về cơ bản, hệ thống các di tích - danh thắng trên vịnh vẫn còn gần như nguyên vẹn. Xin nhắc lại, chỉ là ... "gần như".

- Tại sao vậy? Đã có trường hợp tương tự xảy ra như hòn Phụ Tử, nàng Tô Thị?... Ông có thể "điểm danh" một số danh thắng trên vịnh đang trong tình trạng báo động?

- Nói "gần như" là chính xác bởi những tác động của môi trường, gió, mưa, nước biển với các danh thắng diễn ra không ngừng, chưa nói tới những tác động tiêu cực của con người mà ta chưa thể kiểm soát hết được. Cũng xin xác nhận rằng, đổ sụp cả một danh thắng thì chưa nhưng chuyện trượt những tảng đá trên các đảo xuống biển là có và cũng chưa có cách nào khắc phục được.

Về một số danh thắng nằm trong danh sách cần phải theo dõi chặt chẽ, theo tôi là một số đảo đẹp như: hòn Trống Mái, hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, hòn Đũa, hòn Con Cóc... Bằng mắt thường, mỗi khi thủy triều xuống, có thể thấy rõ độ chênh vênh của những đảo này do nước biển bào mòn chân đảo sâu và hơi nhiều. Nếu không đầu tư, gia cố, trong vòng khoảng từ 2-3 thập kỷ nữa, khó có thể lường hết được chuyện gì sẽ xảy ra...

Riêng tại một số hang, động, điều đáng lo ngại là hiện tượng du khách lén đập, lấy trộm các nhũ đá, đốt hương... cũng như việc đầu tư để thu hút khách du lịch tại một số điểm chưa hài hòa với thiên nhiên đã ít nhiều làm biến dạng cảnh quan.

- Vậy, BQL vịnh nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung đã có những giải pháp gì khi còn chưa muộn?

- Vâng, quả là... khủng khiếp nếu vịnh Hạ Long bỗng chốc biến mất hòn Trống Mái, hang Bồ Nâu... Tuy nhiên, việc tuy rất khẩn trương nhưng cũng phải tuần tự. Hiện BQL vịnh đã phối hợp với Trường Đại học KHTN đã xây dựng xong một dự án nghiên cứu, xử lý về địa chất của vịnh Hạ Long làm cơ sở cho công tác bảo tồn các danh thắng. Ngoài ra, BQL vịnh đang đề nghị tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án quan trắc môi trường vịnh, trong đó có cơ quan trắc địa chất, địa mạo; cùng với Trường Đại học Mỏ - Địa chất tổ chức quan trắc biến động trong các hang, động, đặc biệt trong những hang, động tổ chức du lịch... Tất cả các dự án trên đều được triển khai vào cuối năm nay. Nói tóm lại, Quảng Ninh chúng tôi sẽ làm tất cả để bảo tồn những di sản thiên nhiên quý giá trên vịnh Hạ Long.

- Dường như vẫn còn có những vướng mắc, bất cập trong bảo vệ, khai thác quần thể di tích - danh thắng vịnh Hạ Long, thưa ông?

- Ngoài yếu tố tự nhiên, công tác bảo tồn di tích - danh thắng còn phụ thuộc rất lớn vào hoạt động của con người. Vịnh Hạ Long giờ đang phải gánh sức nặng của sự gia tăng, sức ép về du lịch; sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa. Lo ngại nhất vẫn là ô nhiễm môi trường nước từ chất thải của ngành Than; nhiên liệu, dầu tại các cảng; sự suy thoái hệ sinh thái dưới nước do phát triển cơ sở hạ tầng du lịch không phù hợp... Một vấn đề nữa là cơ chế. Hiện có quá nhiều ngành, lực lượng cùng hoạt động trên vịnh Hạ Long dẫn đến chồng chéo. BQL vịnh tới nay vẫn chưa thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm. Đã tới lúc cần quy vào một đầu mối do BQL vịnh chịu trách nhiệm chính.

- Xin cảm ơn ông!

Sông Cấm
.
.
.