Hôm nay (mồng 6 tháng Giêng): Khai hội chùa Hương

Thứ Sáu, 15/02/2013, 09:52
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL khu di tích Hương Sơn, cho biết: Sau 4 ngày mở cửa, chùa Hương đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, trong đó, riêng ngày 5 Tết là hơn 4 vạn. Dự kiến hôm nay, mồng 6 tháng Giêng, lễ khai hội chùa Hương sẽ đón hơn 5 vạn lượt khách, chính thức bắt đầu mùa lễ hội kéo dài 3 tháng.

Sáng sớm ngày 5 Tết Quý Tỵ - một ngày trước khi lễ hội chùa Hương khai mạc, chúng tôi hòa vào dòng người tấp nập từ khắp mọi miền đất nước về với “Nam thiên Đệ nhất động”. Trên bộ, từng đoàn ôtô, xe máy rầm rập trực chỉ hướng ngôi cổ tự. Dưới suối Yến, hàng ngàn con đò ngược xuôi chở khách vào ra, đánh thức bến Trò sau nhiều tháng yên tĩnh bằng tiếng người rộn rã, tiếng mái chèo khua nước mênh mang.

Trật tự an ninh sẽ được đảm bảo

Trong màn sương bàng bạc giăng mờ trên đỉnh núi, vương trên những nhành cây như một tấm khăn choàng màu sữa, hàng vạn người náo nức lên động Hương Tích, sau khi đã làm lễ ở Thiên Trù. Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng BQL khu di tích Hương Sơn, cho biết: Sau 4 ngày mở cửa, đến hết ngày 5 Tết, chùa Hương đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, trong đó, riêng ngày 5 Tết là hơn 4 vạn. Dự kiến hôm nay, mồng 6 tháng Giêng, lễ khai hội chùa Hương sẽ đón hơn 5 vạn lượt khách, chính thức bắt đầu mùa lễ hội kéo dài 3 tháng với con số ước tính hơn 1,5 triệu lượt du khách.

Với sự quan tâm đặc biệt về vấn đề đảm bảo môi trường, năm nay, Công an TP Hà Nội tăng cường thêm cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát môi trường để phát hiện và xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường, buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt, còn có cả lực lượng Cảnh sát kinh tế để chống thất thu thuế, chống hiện tượng vé giả, quay vòng vé v.v… Tuy nhiên, dù BTC đã có quy định: các trường hợp để rác không đúng nơi quy định, xả rác xuống suối Yến sẽ bị phạt từ 100.000 - 300.000 đồng, nhưng trên dòng Yến vẫn thấy nhiều chai lọ nhựa, vỏ hộp nước ngọt cùng vỏ giấy thức ăn. Do lượng người dồn về rất đông, nhiều du khách lại thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, nên tình trạng rác thải ở khu vực Thiên Trù, bến Trò vẫn diễn ra dù đội ngũ dọn vệ sinh vẫn tiến hành thường xuyên.

Lễ khai hội Chùa Hương đón hơn 5 vạn lượt khách.

Bà Nancy Mc Coll Bowen, cố vấn quản lý của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội ở Huế phàn nàn: Vẫn có quá nhiều rác ở chùa Hương mà lẽ ra cần được làm sạch. Rất đông người đến đây, nên nếu có thể, cần mở rộng đường, nhất là cần có  2 làn đường khác chiều để tránh ùn tắc, chen lấn.

Cụ bà Đoàn Thị Nhâm, 80 tuổi, quận 3, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: So với nhiều ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh, chùa Hương mang vẻ cổ kính hơn và cũng đông đúc hơn. Nhưng tiếc là môi trường ở đây không sạch, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng quá bẩn. Nét văn hóa riêng của chùa Hương là đi đò trên suối Yến, nhưng giá cả lại không theo quy định, khiến người dân bị ức chế.

Năm nay, Thông tư 30 của Bộ Y tế về quản lý thức ăn đường phố bắt đầu được thực hiện, tuy nhiên, ở đây, tình trạng bày bán thức ăn chín không có tủ kính, không được che chắn để đảm bảo vệ sinh vẫn diễn ra phổ biến từ khu vực Thiên Trù lên động Hương Tích. Trong khi đó, chúng tôi không thấy bóng dáng của cán bộ y tế làm nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Trong bối cảnh dịch bệnh luôn có nguy cơ xảy ra, thì việc buông lỏng quản lý thức ăn đường phố ngay khi Bộ Y tế ký chưa ráo mực, thì quả là điều đáng lo ngại.

Để đối phó với tình trạng trộm cắp, cướp giật, cờ bạc trong mùa lễ hội, Công an TP Hà Nội đã điều động một lực lượng khá hùng hậu thuộc nhiều đơn vị nghiệp vụ để hỗ trợ và phối hợp với Công an huyện Mỹ Đức triển khai kế hoạch bảo đảm ANTT, nhằm hạn chế tối đa hoạt động của tội phạm. Công tác gọi hỏi, quản lý đối tượng hình sự, cũng như các hoạt động nghiệp vụ để nắm bắt, phát hiện đối tượng từ các nơi khác về trà trộn, lợi dụng phạm tội được lực lượng Công an đặc biệt coi trọng. Đặc biệt, lễ hội chùa Hương năm nay mở đầu cho Năm Du lịch Quốc gia 2013 và là lễ hội trọng điểm của Hà Nội, nên lượng khách đã tăng đột biến từ ngày mồng 5 Tết, lực lượng Công an đã có kế hoạch cụ thể triển khai phân luồng, phân tuyến từ xa, cũng như tại các điểm có nguy cơ bị ách tắc, để đảm bảo an toàn và thông thoáng.

Đò trên suối Yến (ảnh chụp ngày 14/2). (Ảnh Thanh Hằng)

Tuy nhiên, ngay từ sáng mồng 5 Tết, tình trạng ùn tắc, xô đẩy ở bến cáp treo trên Hương Tích đã diễn ra, đặc biệt là buổi chiều. Điều này, khiến nhiều người lo ngại về chất lượng phục vụ của cáp treo trong khi giá không hề rẻ. Vì thế, hôm nay, ngày khai hội cũng là ngày cuối tuần, nên lượng khách sẽ tăng đột biến, nên không tránh khỏi phải chờ đợi lâu ở các nhà chờ cáp treo. Nếu không có sự cân đối giữa lượng vé bán ra với khả năng phục vụ, sẽ gây nhiều bất tiện, thậm chí là nguy hiểm cho tính mạng của du khách.

Loạn giá vé đò bến Yến chùa Hương

Ngày mùng 5 Tết, khi chúng tôi vừa đặt chân đến bến Yến (Mỹ Đức- Hà Nội), đã có hàng loạt chủ đò tranh nhau mời đi đò. Có điều, khác hoàn toàn với mức giá mà BTC đã đưa ra là 85.000đ/vé, bao gồm 50.000đ tiền tham quan và 35.000đ tiền vé, các chủ đò đều đưa ra cái giá cắt cổ: ngoài tiền vé, phải đưa thêm cho chủ đò ít nhất là gấp 3 lần số tiền theo quy định, từ 350.000 đến 600.000 đồng cho 2 người đi đò.

Quá bất ngờ trước những mức giá khác nhau của mỗi nhà đò, phóng viên Báo CAND đã khảo sát thực tế một số đò trên bến Yến lúc 11h cùng ngày và biết: Mức giá được các chủ đò đưa ra gồm 2 loại: Nếu đã mua vé thăm quan và vé đò thì thu thêm mỗi người 100.000 đồng, còn nếu chưa mua vé, chủ đò mua vé thì mỗi người sẽ mất 150.000 đồng cho thuyền 4 người đi. Đi 2 người bao vé mất từ 350.000 – 500.000 đồng. Ai khéo mặc cả thì giá giảm tùy theo sự mặc cả lên xuống, còn trung bình mỗi người sẽ phải mất gần 200.000 để vào được bến Trò.

Theo BTC lễ hội, năm nay có gần 5.000 đò đăng ký chở khách, đáp ứng đủ nhu cầu đi lễ của người dân. Đò không thiếu, giá vé thăm quan và vé đò đã được niêm yết rõ ràng, nhưng gần như không ai được đi thuyền với giá vé đã mua mà đều phải bỏ thêm gấp 3 lần. Với hàng vạn khách đi lễ mỗi ngày, đây là một con số không hề nhỏ, gây nên sự ức chế cho du khách.

Khách thập phương đến lễ chùa. (Ảnh chụp ngày 14/2).

Chúng tôi xin đưa ra khuyến cáo: Các chủ đò “chặt chém” khách một cách vô tội vạ, ai khéo mặc cả thì được giá vừa phải, ai không biết mặc cả lên thuyền thì đi 2 người chủ đò ra giá 500.000 đồng 2 lượt, đi 4 người thì 600.000 đồng. Vì thế, khách đi đò cần thận trọng trước các giá mà chủ đò đưa ra.

Chị Nguyễn Minh Tâm (Hà Nam) đi 2 người xuất phát từ bến Yến đã mua vé thăm quan và vé đò, nhưng khi lên đò, vẫn phải mất thêm 300.000 đồng nữa, tổng chi cho đi thuyền mất 470.000 đồng! Khi thắc mắc về giá đi đò quá cao, chị Tâm nhận ngay câu trả lời của chủ đò, cô đi được thì đi, hỏi đò nào cũng vậy thôi, giá chung rồi!

Anh Đinh Trí Sơn (Hà Năm) cho biết: Năm nào anh cũng đi lễ hội chùa Hương, giá đò mỗi năm một tăng, chủ đò ra giá cũng khác nhau, mình phải mặc cả, nếu không thì bị “chém” ghê lắm. Vì thế, trước khi lên thuyền phải mặc cả rõ ràng, vì mình đã mua vé bao gồm hết rồi, nhưng họ xin thêm để lấy công. Theo lý giải của những chủ đò, thì giá vé thu rồi, nhưng đi chở thì phải có công, tính đầu người để tính tiền, đi đông thì giá sẽ giảm hơn, còn đi 2 người thì ít nhất phải 350.000 – 500.000 đồng. Bà Trịnh Thị Son- một chủ đò trên bến Yến cho biết: Đò của bà đợi khách ở bến, ai đến hỏi thì bà chở, mỗi ngày cũng 3-4 chuyến, mỗi chuyến tùy lượng khách mà có giá khác nhau nhưng trung bình từ 350.000 đ/chuyến trở lên.

Thế nhưng, dọc đường từ bến Yến vào bến Trò, chúng tôi không thấy lực lượng thanh kiểm tra làm nhiệm vụ. Nhiều đò, chở rất nhiều người, cả người già, trẻ nhỏ, có cả khách nước ngoài, thế nhưng 100% các đò không có áo phao, đồ nổi bảo hộ cho khách. Với lượng khách hơn 4 vạn người về lễ chùa Hương trong ngày mùng 5 Tết, nhà đò hoạt động liên tục. Nếu có sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ ra sao? Đây quả là vấn đề đáng báo động cho an toàn của khách trong mùa lễ hội. Anh Nguyễn Danh Trung ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) phàn nàn: Ngoài giá vé niêm yết, BTC cần hướng dẫn cụ thể để khách biết khi xuống đò, chứ như hiện nay, khách mua vé vào tham quan và đi đò, rồi lại mất thêm tiền một lần nữa.

Cảnh loạn giá đò diễn ra phổ biến ngay khi lễ hội mới bắt đầu. nếu không chấn chỉnh ngay bằng những biện pháp mạnh, thì điều này sẽ góp phần nào xấu đi hình ảnh của lễ hội chùa Hương, nơi đang ấp ủ mong muốn trở thành Di sản văn hóa Thế giới, đồng thời, gây nên sự phản cảm trong suy nghĩ của bao khách hành hương về đất Phật.

Thượng tá Nguyễn Thành Long, Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức: Để đảm bảo tốt công tác giữ gìn ANTT lễ hội chùa Hương, Công an huyện Mỹ Đức đã xây dựng kế hoạch bảo vệ ANTT; các chốt, trạm chủ động xây dựng kế hoạch để duyệt với lãnh đạo Tiểu ban ANTT và hàng ngày báo cáo về trung tâm mọi diễn biến cùng với chế độ giao ban với chỉ huy các chốt, trạm, để xử lý kịp thời. Lực lượng Công an phối hợp với các ngành túc trực tại các điểm, chốt trên đường, giữ ANTT tại khu vực, chống ùn tắc giao thông, tuần lưu đảm bảo ANTT trên dòng suối Yến, ngăn chặn tình trạng đánh bạc dưới mọi hình thức trong khu vực Thiên Trù và tuyến đường từ Thiên Trù đi Giải Oan. Đặc biệt, ngăn chặn các hành vi tái vi phạm các điểm thờ tự trái phép, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp móc túi du khách tại các điểm tập trung đông người trong lễ hội. Công an huyện Mỹ Đức cũng xây dựng các tình huống, tại các điểm trọng điểm và đưa ra phương án giải quyết, để chủ động phòng ngừa.

T.Hằng - L.Hiệp
.
.
.