Các chương trình nghệ thuật lớn trong ngày 2/9:

Hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc

Thứ Bảy, 29/08/2015, 06:41
Vào đúng ngày 2/9, hòa chung không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm sự kiện lịch sử 70 năm Quốc khánh 2-9, sẽ có 2 chương trình nghệ thuật lớn diễn ra, do Bộ VH,TT&DL tổ chức: “Việt Nam - khát vọng hòa bình” là cuộc diễu hành nghệ thuật vào buổi sáng tại quảng trường Ba Đình và chương trình biểu diễn “Việt Nam - thời đại Hồ Chí Minh” vào buổi tối, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình.

2 chương trình nghệ thuật đã được đầu tư và dàn dựng công phu, với mong muốn công chúng được thưởng thức những “bữa tiệc” nghệ thuật đặc biệt. Cuộc diễu hành nghệ thuật “Việt Nam – khát vọng hòa bình” (tổng đạo diễn: NSND Trần Bình, kịch bản: NSND Lê Ngọc Cường) được ê kíp thực hiện dàn dựng hoành tráng, nhằm thể hiện được hành trình văn hóa Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử và tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Việt Nam.

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL, cho biết, cuộc diễu hành nghệ thuật “Việt Nam – khát vọng hòa bình” có sự tham gia của khoảng 2.500 nghệ sĩ của các đơn vị nghệ thuật trung ương, địa phương, nghệ nhân khắp cả nước, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật Hà Nội. Chương trình được thực hiện theo hình thức hành tiến bằng xe mô hình. Phần đầu sẽ là hoạt động diễu hành của 8 xe mô hình biểu tượng cho 8 thời đại thịnh trị trong lịch sử Việt Nam, từ thời nhà nước Văn Lang đến thời đại Hồ Chí Minh. Trên mỗi xe sẽ có nghệ sĩ, nghệ nhân trong trang phục các thời kỳ. Phần thứ 2 là các đoàn diễu hành gồm các nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được UNESCO công nhận, như cồng chiêng Tây Nguyên, hội Gióng, hát xoan Phú Thọ, dân ca ví dặm, dân ca quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử; tiếp đến là tôn vinh nghệ thuật truyền thống dân tộc như rối, tuồng, chèo, cải lương, xiếc, kịch...

NSND Lê Ngọc Cường cho biết, chương trình sẽ là một cuộc phô diễn những thành tựu văn hóa, những mốc son lịch sử truyền thống, là cách để thế hệ hôm nay thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và khát vọng vươn lên của dân tộc. Điểm mới và cũng là điểm nhấn ý nghĩa của cuộc diễu hành này là các di sản văn hóa được giới thiệu trên nền âm nhạc đặc trưng của từng loại hình. Trong suốt chương trình, tính nghệ thuật được coi trọng.

Để chuẩn bị cho các chương trình, cả tháng trước, các nghệ sĩ của 12 đoàn nghệ thuật Trung ương và các nghệ nhân của nhiều địa phương khắp cả nước đã tập luyện tại địa phương trước khi tập trung về Hà Nội từ ngày 20/8 và từ ngày 22/8, chính thức bước vào hợp luyện để kịp cho buổi sơ duyệt và tổng duyệt. Đại diện của các loại hình nghệ thuật đều đã hội đủ: từ chèo Thái Bình, Nam Định, hát xoan Phú Thọ rồi đờn ca tài tử Kiên Giang. Các nghệ sĩ, nghệ nhân đều cảm nhận được niềm vinh dự khi tham gia vào sự kiện này. Tại các địa phương, các nghệ nhân được cử đi đều được chính quyền và nhân dân đồng tình lựa chọn, để thay mặt dân làng mang nét văn hóa tiêu biểu về Ba Đình.

Những nét văn hóa đặc trưng sẽ xuất hiện trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm ngày 2/9.

Đã nhiều ngày, sân vận động Mỹ Đình luôn chìm trong những âm thanh rộn rã của các làn điệu của dân ca, âm nhạc truyền thống, trong sắc màu của các trang phục dân tộc khắp nơi tụ về. Thời gian tập luyện của các nghệ sĩ khá vất vả, sáng từ 4h đến 9h, buổi chiều từ 17h đến 22h, nhưng các nghệ sĩ, nghệ nhân đều rất nhiệt tình.

Hơn 3h sáng, khi Hà Nội vẫn còn chìm trong giấc ngủ say thì hàng đoàn xe đã nối nhau chở các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân đến sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội, để kịp cho việc tập luyện. Khi trời còn đang nắng nóng, họ lại tất bật ăn tạm bữa chiều để kịp 17h cùng nhau bắt đầu rèn tập. Nắng nóng, thức khuya, dậy sớm, tập luyện căng thẳng, mệt mỏi, nhưng ai cũng vui khi được vinh dự có mặt trong một chương trình nghệ thuật gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Tối 2/9/2015, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Việt Nam – Thời đại Hồ Chí Minh” với sự trình diễn của các nghệ sĩ nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đoàn Nghệ thuật Bộ đội biên phòng, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Chèo Quân đội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam…

Theo Bộ VH,TT&DL, đây là chương trình nghệ thuật bán sử thi nhằm khái quát một chặng đường đấu tranh cách mạng của dân tộc ta và nêu bật những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã đạt được. Theo NSND Lê Ngọc Cường, trọng tâm của đêm diễn là hướng tới những nhân vật, sự kiện của thời kỳ đổi mới với việc kết hợp công nghệ hiện đại trong âm thanh nhằm mang tới cho người xem một đêm nghệ thuật đích thực.

Cho đến nay, việc hợp luyện cả 2 chương trình đều đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn chờ thời gian biểu diễn chính thức. Hy vọng công chúng sẽ được mãn nhãn và thỏa lòng tự hào về những giá trị văn hóa của dân tộc.

Thanh Hằng
.
.
.