Hội nghị những người viết văn trẻ lần VII

Thứ Bảy, 22/04/2006, 13:47

Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VII dự kiến sẽ diễn ra tại Hội An (Quảng Nam) từ ngày 11 đến 14/5. Lần này, Hội Nhà văn không mời tất cả các cây bút trẻ trên toàn quốc như những lần trước mà sẽ mời 50 gương mặt trẻ đại diện cho các vùng miền, được tổ chức như một chuyến đi thực tế sáng tác.

Nhìn lại chặng đường 5 năm kể từ Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VI (tháng 8/2001), có thể thấy những người viết trẻ đã tự tìm những lối đi riêng cho mình, tạo nên những giọng điệu riêng của thế hệ mới...

Có rất nhiều cây bút đã bỏ cuộc hoặc im lặng sau Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ VI. Vì mưu sinh, vì đã tìm được niềm đam mê mới và vì những lo toan riêng của cá nhân mỗi người. Những gương mặt trẻ có thể đã... không còn trẻ nữa, một số người thành hội viên Hội Nhà văn. Một số cây bút mới lớn đã kịp nhận ra sự nghiệt ngã của nghề văn, đã thấy văn chương thực sự không đơn giản và dừng lại, suy nghĩ, ưu tư về việc chia tay hay tiếp tục con đường ban đầu đã chọn... Tất cả những điều đó tạo nên một không khí văn học có phần trầm lắng hơn so với những phong trào sáng tác 10 năm trước.

Nếu như trước đây, ở bất cứ trường đại học nào cũng có thể xuất hiện những nhóm bút sinh hoạt khá đều đặn, các ấn phẩm báo chí hàng tuần đều đăng tải các sáng tác trẻ thì nay gần như phong trào này đã bị lãng quên.

Giải thích cho điều này, đã có rất nhiều bài viết, những ý kiến của cả những người trong cuộc và bình phẩm của bạn đọc. Tuy nhiên, một nguyên nhân được cho là khách quan nhất là đã qua rồi cái thời sáng tác theo phong trào. Văn học trẻ đang cần những tiếng nói riêng. Và những tiếng nói riêng không thể xuất hiện theo một phong trào và nhà văn vốn không bao giờ mang tính bầy đoàn. Không thể mãi là những cái tôi mòn vẹt trong những giấc mơ nhỏ và những khuôn sáo cũ kỹ của câu chữ.

Văn học trẻ, sau 5 năm, vẫn có những gương mặt bền bỉ. Như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Vũ Đình Giang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Đỗ Bích Thúy... Họ đã có những bước tiến so với chính mình và họ đã tạo nên những tiếng nói không lẫn vào nhau. Tuy nhiên, đây là những tiếng nói tự thân, những người trẻ này bước vào văn chương hồn nhiên và gắn bó với văn chương không vội vàng, không son phấn, không vồ vập nhưng cũng không hờ hững. Văn chương của họ đã thoát ra được vòng quay của sự nhợt nhạt, họ dám xông vào những mảng đề tài nóng bỏng của cuộc sống và hiện thực trong sáng tác của họ đã vạm vỡ hơn rất nhiều.

Sự xuất hiện của một số cây bút trẻ thời gian gần đây cho thấy, đã có sự nỗ lực của những người đến sau. Dù có thể chưa thành công, có không ít sốc nổi và phản cảm, nhưng nhu cầu đến với sự cách tân, mới mẻ là có thật và trào lưu làm mới đã và đang đến, ít và nhiều trong những người viết trẻ. Đặc biệt, mong muốn phá bỏ mọi quy ước cũ xuất phát mạnh mẽ ở những cây bút nữ. Tuy nhiên, sự xuất hiện vội vã, với cách thể hiện chưa thực sự phù hợp (thậm chí còn có sự vọng ngoại trong ý tưởng) và mong muốn sớm nổi tiếng, sớm bước vào giới thượng lưu đã khiến họ bị gục ngã trước ngưỡng cửa của sự thành công.

Văn học trẻ đã bắt đầu có những lối đi riêng của mình mà không nhất thiết phải xuất hiện bằng một cách duy nhất là gửi đến các tòa soạn báo. Đã có rất nhiều cuốn sách được thai nghén từ môi trường Internet và chọn Internet là nhà xuất bản. Điển hình là Nguyễn Thế Hoàng Linh với "Chuyện của thiên tài" và Trần Thu Trang với "Phải lấy người như anh"... Với những bạn trẻ này, dường như không quan trọng là xuất hiện ở đâu, xuất hiện như thế nào mà chỉ cần được viết, được chia sẻ với những người bạn ảo. Dòng văn học blog là một từ đã được bàn tới, đó chính là một cách đi riêng của những trang bản thảo dưới dạng nhật ký điện tử được chia sẻ với cả thế giới.

5 năm là một chặng đường không dài, nhưng nhìn lại một con đường mà những nhà văn trẻ đang đi đã thấy vợi những gương mặt cũ. Lý do thì như đã nói, nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng, đó không bao giờ là điều đáng buồn. Bởi văn chương cũng sẽ chỉ là một chuyên ngành nghệ thuật hẹp, nó sẽ có sự sàng lọc tự nhiên với người viết và người đọc. Hơn thế, nếu nhìn vào một đội ngũ của những gương mặt gần giống nhau thì cũng là điều hết sức đáng buồn. Nếu mỗi thế hệ có vài gương mặt còn lại với mai sau, đó cũng đã là một sự mừng vui với văn học Việt Nam.

Hội nghị lần thứ VII những người viết văn trẻ Việt Nam sẽ có 50 người. Nhưng 5 năm nữa, có thể chỉ có một nửa trong số họ còn cầm bút viết văn. Số còn lại sẽ có những níu kéo từ những ngả khác của cuộc sống. Đó cũng là cách để thanh lọc, nhưng cũng là sự tự trọng cần thiết của những người cầm bút

Bảo Bình
.
.
.