Hỏi chuyện nhà văn "mắn đẻ" nhất Việt Nam

Thứ Hai, 24/09/2007, 14:38
Theo nhà văn Ngô Văn Phú, ông đã xuất bản được 220 đầu sách mà "toàn sách dày, ít nhất cũng vài ba trăm trang". "Mỗi năm, in chừng mươi cuốn" nhưng nhà văn có nhiều đầu sách nhất Việt Nam lại bộc bạch: Mình hoàn toàn viết tay, trước khi viết mình nghĩ kỹ, nên bản thảo cũng ít phải sửa...

Những tưởng từng giữ cương vị Giám đốc một nhà xuất bản tương đối năng động thời kinh tế thị trường, lại tung hoành dọc ngang trên báo chí, và có số lượng đầu sách được xuất bản nhiều nhất trong các nhà văn Việt Nam, hẳn cuộc sống của nhà văn Ngô Văn Phú ở tuổi 70 sẽ thật dư dả, sung túc. Vậy mà thật bất ngờ, tiếp tôi trong căn phòng cũ mốc, đồ đạc sơ sài, diện tích chưa đầy ba chục mét vuông và cheo leo tít mãi tận tầng 5 một khu tập thể được xây dựng từ thời... bao cấp, chốc chốc nhà văn Ngô Văn Phú lại kêu “nóng không làm việc được” vì hai chiếc quạt bàn cổ lỗ, kêu cành cạch, dù  cố “hà hít” mãi cũng không cung cấp được một lượng gió tạm đủ mát cho chủ nhân của chúng và người khách trẻ tiện đường ghé qua chơi...

- Thưa nhà văn Ngô Văn Phú, nghe nói số đầu sách được xuất bản của ông đến nay đã lên tới trên 200 cuốn. Ông có thể cho biết, ông bắt đầu “bứt phá” từ năm nào vậy?

+ Thật ra, mọi việc chỉ “đột biến” trong khoảng 20 năm nay, nghĩa là từ sau Đổi mới thôi. Tôi nhớ, đến năm 1987, năm tôi đã năm mươi tuổi, tôi mới chỉ xuất bản được 20 đầu sách. Thời bao cấp, sách được in ra khó lắm.

Tập thơ đầu tay của tôi là tập “Gió vào trận bão”, in chung với hai ông Hoài Anh và Phạm Ngọc Cảnh, mỗi người cũng chỉ được chọn có 15 bài

 Sách in ra trong thời chiến, tôi nhớ khi chờ xe chở sách về, ông Hoài Anh cứ thắc thỏm: “Nhỡ giữa đường về xe trúng bom thì thế nào?”. Đấy, làm cái anh sáng tác thời bao cấp nó “khốn khổ khốn nạn” thế đấy (cười khành khạch).

- Theo tôi biết, cách đây chừng mươi năm, kỷ lục nhà văn Việt Nam có nhiều đầu sách xuất bản nhất thuộc về cụ Tô Hoài. Phải chăng ông đã có kế hoạch để vượt bậc trưởng lão?

+ Nào tôi có kế hoạch gì đâu. Tôi cứ viết và người ta cứ in. Chính báo chí đã phát hiện ra cho tôi danh hiệu này đấy (tức danh hiệu “nhà văn Việt Nam có nhiều đầu sách xuất bản nhất”- NV). Cái năm người ta xếp tôi đứng thứ nhì sau cụ Tô Hoài cũng chỉ cách đây 7-8 năm thôi. Khi ấy, Ban Tổ chức sáng tác của Hội Nhà văn yêu cầu tôi kê khai các tác phẩm đã in. Tôi thật ngạc nhiên khi biết, hóa ra mình cũng đã cho in tới 140 tác phẩm.

- Còn con số chính xác hiện thời?

+ Bây giờ thì tới 220 cuốn rồi. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm tôi in chừng mươi cuốn. Mà toàn sách dày, ít nhất cũng vài ba trăm trang.

- Liệu cụ Tô Hoài có biết “tốc độ sản xuất” của ông?

+ Hôm tôi gặp cụ ở 19 Hàng Buồm (trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội), thấy cụ vỗ vai tôi, cười cười bảo: “Vô địch”. Không biết cụ khen “vô địch” về cái gì.

- Ông có thể cho biết cách tính đầu sách của ông? Nghe nói những sách tái bản ông cũng tính thêm là một cuốn mới?

+ Cũng có tính tái bản, nhưng không phải cuốn nào tôi cũng tính. Ví như đến nay tôi đã cho xuất bản 2 cuốn “Ngô Văn Phú - Tuyển tập thơ”. Hai quyển này có những điểm khác nhau. Cuốn sau gần như tinh tuyển, chọn theo kiểu khác nên phải tính là một quyển khác. Hay như bộ “Truyện danh nhân Việt Nam” mỗi lần tái bản tôi lại bổ sung thêm những truyện mới vào, thế thì phải tính chứ.

Bộ “Thơ Đường” tôi dịch cũng vậy. Mỗi lần tái bản, mình lại chữa xanh lẹt cả bản thảo, rồi lần xuất bản trước, họ không cho chú thích, sợ sách dày, nay mình thêm vào, mà lại là những chú thích rất hay, vậy không tính sao được? Còn nói chung thì cách tính của tôi cũng phiên phiến.

Bộ “Nhà văn Việt Nam hiện đại” mình chủ biên 20 tập, nhưng chỉ tính độ 5 tập. Nếu như người khác đã tính là 20 cuốn rồi. Bộ “Hoạn quan Trung Hoa” tôi dịch chung với Lê Bầu, có tới 10 tập, nhưng tôi cũng chỉ tính là 2, 3 cuốn. Tóm lại là cái nọ bù cái kia.

- Ông viết nhiều như thế, chắc phải rất thạo máy tính?

+ Không! Mình hoàn toàn viết tay. Trước đây cũng có thử nghiệm đánh máy chữ Olympia. Đánh lọc cọc. Sau đó vứt, chả dùng. Mình thấy viết tay thú hơn. Nói chung, trước khi viết mình nghĩ kỹ, nên bản thảo cũng ít phải sửa.

- Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của nhuận bút đối với đời sống của cá nhân ông?

+ Mình thuộc loại nhà văn có mức nhuận bút “tào lao” đủ tiêu. Kể không có nhuận bút thì cũng túng.

- Người có sức viết như ông mà còn thế, vậy người không viết được thì “túng” đến mức nào?

+ Nói vậy chứ ăn thua gì. Tiểu thuyết nếu người ta chỉ in 500 đến 700 cuốn, nhuận bút cũng chỉ được tầm 2- 3 triệu. Trong khi in thơ thì mình lại phải bỏ tiền. Mà mỗi tập thơ, nhẹ nhất cũng từ 4 đến 5 triệu. Bởi vậy mà tôi vẫn nói đùa: Cứ 2 cuốn tiểu thuyết thì đổi được một tập thơ. Từ trước tới nay, tôi đã in 23 tập thơ, hầu hết đều phải bỏ tiền túi.

Như cuốn Tuyển tập tôi tặng cậu vừa rồi, tôi phải ném vào đấy tới 10 triệu, bằng nhuận bút của 4-5 cuốn tiểu thuyết ấy chứ. Mà lạ, thơ in thì phải trả tiền ngay, trong khi có cuốn tiểu thuyết của mình in ra từ tháng 5 năm ngoái, mà đến giờ có nhà xuất bản vẫn chưa chịu thanh toán nhuận bút. Hỏi thì họ nói do đầu nậu chưa chuyển tiền.

- Ông từng làm chủ một nhà xuất bản mà cũng không được hưởng sự ngoại lệ trong việc in thơ?

+ Tính mình không thích lèm nhèm. Vả lại, in thơ là một thú riêng. Không thích thì thôi, có ai bắt mình phải in đâu.

- Nếu chỉ được phép chọn trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông 10 cuốn, ông sẽ chọn những cuốn nào?

+ Nói thế kể cũng khó. Nhưng chắc chắn tôi sẽ chọn mỗi thể loại một ít. Phần thơ thì đương nhiên tôi sẽ chọn cuốn “Tuyển tập thơ”. Về truyện ngắn, tôi chọn bộ “Truyện danh nhân Việt Nam” gồm 150 truyện. Về tiểu thuyết,  chọn bộ tiểu thuyết gia đình 4 tập “Dòng đời xuôi ngược” viết theo lối hiện đại, kể chuyện từ đời ông nội tôi đến đời tôi. ở mảng tiểu thuyết lịch sử tôi sẽ chọn cuốn viết về Trần Thủ Độ “Ngôi vua và những chuyện tình”, về Trần Hưng Đạo “Gươm thần Vạn Kiếp”, về Hồ Quý Ly và Trần Nghệ Tông (cuốn “Vương triều nắng đoái”).

- Thế còn mảng sách dịch thì sao?

+ Ấy, bộ “Thơ Đường - Tống” tớ dịch cũng kỳ công. Rồi cuốn “Tể tướng Lưu gù” dịch chung với Lê Bầu nữa, đọc rất thích. Nhưng công bằng mà nói, xem phim hay hơn truyện.

- Cùng công tác tại NXB Hội Nhà văn, song vị Giám đốc tiền nhiệm của ông - nhà văn Nguyễn Kiên - lại như trái ngược với ông ở… tốc độ viết?

+ Có một chuyện vẫn hay được anh em nhắc đến, ấy là, khi có người hỏi Nguyễn Kiên: “Dạo này ông có viết gì không?”, thì ông Kiên trả lời: “Vẫn túc tắc”. Nói chung, mỗi người có một cách làm việc. Ông Kiên tuy viết ít nhưng cũng có một vị thế riêng.

Còn mình, viết nhiều vậy song cũng có một số người không thích lắm đâu. Họ cho rằng mình viết ẩu. Thật ra, tớ thích thì viết chứ không phải túng tiền mà viết. Trong bài “Thơ vui tặng ngài đại tá” tớ có hai câu: “Dạo này mắc bệnh viêm màng túi/ Nhưng quyết không bao giờ viết nhăng”. Tính khí của tớ là vậy. Chứ nếu vì tiền thì tớ đã xoay hẳn sang viết báo. Về mặt này, tớ cũng chẳng thua ai.

- Có cảm giác nguồn mạch sáng tạo trong ông chưa có dấu hiệu vơi cạn?

+ Có người khuyên tớ nên viết tự truyện, tớ bảo, chỉ  khi nào hết vốn hư cấu tôi mới động bút vào lĩnh vực này. Quả là, khi viết truyện lịch sử, các ý tưởng sáng tạo đến với tớ khá dễ dàng. Tích cũ về Chử Đồng Tử - Tiên Dung chỉ bé bằng bàn tay, vậy mà đủ cho tớ viết thành truyện “Bãi đỏ” đấy. Lắm lúc tớ nghĩ như có yếu tố tâm linh. Đang khi bí đề tài lại vớ được tài liệu quý. Có lúc đầu đang bần thần lại hanh thông, bật ra tứ truyện. Cứ như người xưa “quẳng” cho vậy.

- Liệu nhà văn Ngô Văn Phú có nghĩ tới khả năng trong một tương lai gần, danh hiệu “nhà văn Việt Nam có nhiều đầu sách xuất bản nhất” sẽ không còn thuộc về ông nữa?

+ Thật ra khi cầm bút viết, nào mình có nghĩ tới kỷ lục kỷ liếc gì đâu, nên ai vượt tớ, tớ cũng rất hoan nghênh. Lại nhớ khi Xuân Diệu mất, mình mới in được chục quyển sách, còn ông in được tới 44 cuốn. Người ta nói ông thuộc hàng “tác phẩm đẳng thân”, tức là sách cao bằng người, nghe đã ghê rồi. Không ngờ bây giờ mình vượt lên. Thế mới biết, chỉ người chết là thiệt.

- Xin được hỏi nhà văn câu cuối cùng: Lượng sách của ông in ra rất nhiều, song tại sao ông lại buộc bó, dồn đống nó vào một góc tường, trông ngổn ngang bề bộn vậy, mà không thuê đóng hẳn bộ giá sách tử tế cho nó… đỡ bụi, vừa tiện cho khâu bảo quản, vừa để thi thoảng nhìn ngắm cho… hoành tráng, kích thích cảm hứng sáng tác?

+ (Cười) Cũng chán rồi, chẳng muốn ngắm “chúng nó” nữa. Mệt người. Vả lại, ở cái nghề này, suy cho cùng thì như các cụ vẫn nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”…

- Xin cảm ơn nhà văn.

.
.
.