Hội chứng biến của riêng thành của… chung trong làng xuất bản

Thứ Ba, 25/07/2006, 10:06

Sở dĩ tôi không gọi đó là hiện tượng "biến của riêng thành của riêng" là vì trong làng xuất bản những năm qua, nó xảy ra nhiều khôn xiết, nhất là với những "tác rởm" của các loại truyện vui cười, truyện cổ tích, ngụ ngôn. Thậm chí, có người một năm tung ra thị trường hàng chục cuốn, cùng ở một nhà xuất bản.

Theo tôi, cái sự "đạo" này quá rõ, quá trắng trợn, nó gần như là một thứ "cướp ngày". Lỗi là ở các nhà xuất bản - mặc dù đã được dư luận cảnh báo nhiều - song vẫn dung túng, tiếp tay cho những đối tượng đó làm bậy. Ở bài viết này, tôi chỉ xin đề cập tới một khía cạnh đáng báo động khác. Ấy là trường hợp những "tác giả", với nhãn mác "sưu tầm, biên soạn" in ngoài bìa sách và những lời phi lộ khá lịch sự in ở "Lời nói đầu", họ cho ta một cảm giác việc họ bệ nguyên bài viết của người khác vào cuốn sách "sưu tầm, biên soạn" của mình là một việc làm đường đường chính chính, rằng những tác phẩm mà họ "sưu tầm, biên soạn" ấy là tài sản công cộng. Chỉ cần ở đầu sách, họ viết đôi lời cảm ơn chung chung, thế là có thể "yên tâm" về việc chép nhặt của mình, không sợ phải chia danh, chia lợi. Còn sau đấy, phản ứng của các "tác thật" ra sao, họ không cần đếm xỉa.

Rõ ràng, nếu chúng ta không có ý kiến nghiêm khắc về hiện tượng "làm giả ăn thật" này, hẳn sẽ làm nản lòng các "tác thật", nhất là khi họ được "cảm ơn" nhưng không được nhắc tên, không được chia phần nhuận bút, và chưa biết chừng sau này khi tái bản sách của mình, họ còn phải gánh tiếng là "đạo văn" của chính người đang "sưu tầm, biên soạn" tác phẩm của họ hôm nay. 

Xin nêu một số ví dụ: Cuốn "Giai thoại văn học" do N.H.Đ sưu tầm, tuyển chọn được NXB Hà Nội ấn hành quý I-2005. Trong "Lời giới thiệu", người làm sách cho biết, cuốn sách được ông "tập hợp một số trang tiểu sử, những giai thoại của các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trích giảng trong ngữ văn lớp 6, lớp 7…". Đọc cuốn sách, ta bắt gặp các bài viết của nhiều tác giả, đặc biệt là nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi (như các bài "Xuân Diệu với thơ Tết", "Nhà thơ không bao giờ có tuổi", "Xuân Diệu bị lừa", "Mình đã thuộc về nhân loại", "Hay nhất là thơ Bút Tre", "Đất rừng phương Nam đã ra đời như thế nào?"…). Tuy nhiên, chỉ một số rất ít tác giả là được N.H.Đ ghi tên ở cuối bài.

Riêng trường hợp nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thì ngoài những bài ông N.H.Đ không cho biết là của ai, còn lại thì ngay phần mở bài, ông chêm vào một dòng "Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi kể". Chỉ thế thôi, ông N.H.Đ đã hóa ra người chấp bút cho nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, trong khi thực tế, những câu chuyện này, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi đã viết và cho in thành sách, cũng như cho công bố rộng rãi trên báo chí từ nhiều năm trước.

Điều lạ là, trong cuốn sách dày tới 400 trang này, ông N.H.Đ còn dùng rất nhiều bài (chiếm dung lượng già nửa) của cuốn "Giai thoại văn học" do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2000 nhưng cũng không cho biết tác giả của sách (hoặc của từng bài trong đó). Ấy vậy mà ở phần "Lời giới thiệu", ông N.H.Đ còn lấy làm tiếc khi thấy mình "vẫn chưa thể kể hết kho tàng giai thoại văn học phong phú hiện có". Đọc những dòng này, hẳn những tác giả của những giai thoại chưa bị ông N.H.Đ rờ tới khó mà có thể "ăn ngon ngủ yên".

Cuốn "Kho tàng báu truyền câu đố dân gian" do Đ.V sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành quý I-2005 cũng là cuốn sách mà ngay ở phần "Lời nói đầu", soạn giả tỏ ra rất tự tin: "Quyển sách này không giống như tất cả các quyển sách về câu đố dân gian, tuy rằng đều có tham khảo đối chiếu so sánh với chúng…". Tiếc là nói thì "mạnh", song đọc suốt lượt cuốn sách dày tới 464 trang này, ta ngỡ soạn giả đang cho ta chơi trò "bịt mắt bắt dê" khi không hề hé răng cho biết những cuốn mà mình "tham khảo đối chiếu so sánh" ấy tên là gì, nội dung thế nào, và của ai.

Cuốn "Tiếu lâm kim cổ" do H.M sưu tầm, biên soạn, NXB Khoa học Xã hội ấn hành quý I-2005, mặc dầu chỉ dày có 160 trang thôi, song lại được tác giả cho biết: "Đây là những mẩu chuyện tiếu lâm được sưu tầm công phu từ khắp mọi miền của đất nước", và tác giả "xin chân thành cảm ơn các nhà sáng tác dân gian đã góp phần làm cho cuộc sống phong phú hơn về mặt văn học", trong khi đọc cuốn sách, ta bắt gặp nhiều truyện rõ ràng là văn viết, không phải văn kể, từng xuất hiện đây đó trên báo chí chứ không phải ẩn khuất trong dân gian. Đúng ra soạn giả nên cảm ơn các tác giả hữu danh này hơn là các nhà sáng tác… vô danh kia.

Cuốn "Truyện tiếu lâm Việt Nam" do V.N.K sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành tháng 5/2006, thoạt nghe có vẻ được làm công phu, nghiêm túc khi ở đầu sách, người biên soạn cho biết: "Soạn tập sách này, chúng tôi đã gửi thư xin phép các soạn giả trước cho ghi lại đa số những mẩu đã được kể (nếu vị nào không nhận được thư thì những dòng này xin được xem là bổ khuyết)". Nói vậy song trong hơn 400 trang sách, soạn giả cũng không ghi cụ thể tên tác giả của từng phần tài liệu mà mình "xin phép" được "ghi lại"

.
.
.