Học lịch sử qua hội diễn sử ca tại TP HCM

Thứ Sáu, 03/12/2010, 21:35
Năm 2008, ý tưởng phổ biến kiến thức lịch sử qua hình thức học mà chơi, chơi mà học mới trở thành hiện thực bằng cuộc vận động tổ chức hội diễn sử ca đầu tiên của trường Tiểu học Lê Ngọc Hân. Nếu được nhân rộng, chắc chắn đây sẽ là hình thức chơi mà học hiệu quả cho học sinh hiện nay.

Những cô bé, cậu bé xúng xính trong từng bộ phục trang sặc sỡ, đủ sắc màu, đại diện cho đủ các tầng lớp, từ vua quan, anh hùng dân tộc, thị nữ, lính tráng thời cổ, cận đại đến hiện đại trên sân khấu Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP HCM ngày 2/12.

Dưới khu vực khán giả, hàng ngàn "cổ động viên nhí" cũng hồi hộp dõi theo những người bạn đang biểu diễn, vừa háo hức chờ từng câu hỏi của thầy, cô giáo kiêm MC sau từng tiết mục. Sân chơi chính là hội diễn sử ca "Tự hào truyền thống cha ông" của thầy trò Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP HCM.

Khi phụ huynh chung sức cùng nhà trường

Cô Diễm Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân nhớ lại: Hội diễn sử ca được xây dựng sau những lần "giật mình" của nhà trường và xã hội về kiến thức lịch sử của học sinh cùng những câu chuyện "cười ra nước mắt" về kết quả bài thi của thí sinh sau mỗi kỳ thi đại học, cao đẳng vài năm trở lại đây. Câu hỏi làm thế nào để các em yêu thích, đến với môn học lịch sử một cách tự nguyện khiến nhiều thầy cô trăn trở.

Năm 2008, ý tưởng phổ biến kiến thức lịch sử qua hình thức học mà chơi, chơi mà học mới trở thành hiện thực bằng cuộc vận động tổ chức hội diễn sử ca đầu tiên của trường. Không đủ lực để mỗi lớp tổ chức dàn dựng một tiết mục nên nhiều giáo viên lên kế hoạch liên kết theo khối lớp. 14 tiết mục, hầu như đều là "cây nhà lá vườn".

Việc tổ chức cũng theo kiểu "ai có gì đóng góp nấy". Rất may, sáng kiến này nhận được sự ủng hộ của khá nhiều phụ huynh học sinh và nhiều cơ quan, đơn vị khác. Sau hai năm tổ chức, đến nay, hội diễn sử ca đã mở rộng quy mô lên đến 25 tiết mục được dàn dựng khá kỹ lưỡng, có sức hấp dẫn nhất định với học sinh.

Tại khu vực hậu trường, dù đã gần trưa, cô, trò lớp 3.4 vẫn nhẫn nại, hồi hộp chờ đến giờ lên sân khấu. Giáo viên chủ nhiệm của lớp cho biết, tất cả 39 học sinh của lớp đều tham gia biểu diễn lần này. Mất 3 tuần ròng rã vừa lo tìm tài liệu, tập luyện, phục trang những tiết mục "Hào khí Tây Sơn" cũng chỉ kéo dài khoảng chục phút trên sân khấu. Đổi lại, cả cô và trò "được" khá nhiều, từ kiến thức về nhà Tây Sơn, vua Quang Trung, Nguyễn Huệ, công chúa Ngọc Hân. Đơn giản vì muốn tranh tài, ngoài dàn dựng, diễn xuất, các em học sinh buộc phải hiểu về nhân vật mình đóng vai.

Nhiều phụ huynh học sinh cũng nhập cuộc rất nhiệt tình: tìm kiếm tư liệu, sách vở cho con, may phục trang cho vai diễn, kèm cặp, nhẫn nại cổ vũ cho con, thậm chí lo luôn về mặt chuyên môn. Ngay tiết mục dự thi năm nay cũng do một phụ huynh vốn là đạo diễn tình nguyện đảm nhận. Về phía giáo viên càng phải trang bị thêm nhiều kiến thức, nếu không, khó có thể trở tay kịp trước vô số câu hỏi không dễ nhưng rất "cắc cớ" kiểu con trẻ…

Tiết mục biểu diễn của học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, TP HCM.

Sân chơi hấp dẫn cần được khuyến khích

Thực tế, tại ngày diễn ra hội diễn sử ca 2010, mặc dù hoạt động kéo dài từ sáng sớm đến đầu giờ chiều nhưng hàng ngàn thầy, trò, phụ huynh học sinh Trường Lê Ngọc Hân vẫn miệt mài, sôi nổi "tranh tài". 25 tiết mục là 25 câu chuyện sinh động về các sự kiện, nhân vật lịch sử từ thời Vua Hùng cho đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau mỗi kịch mục là hàng loạt những câu hỏi xoay quanh các nhân vật, nội dung câu chuyện.

Chỉ là những câu hỏi đơn giản: Hồ Hoàn Kiếm nghĩa là gì? Trước khi là hoàng hậu, nhiếp chính Ỷ Lan làm nghề gì?... Cũng không ít câu hỏi, cả phụ huynh lẫn thầy cô "mướt mồ hôi" vì lo giữ các khán giả nhí và cũng vì nội dung câu trả lời toàn "trật lất", thời gian có hạn mà cả "rừng" cánh tay nhỏ bé vẫn không ngừng giơ lên.

Chị Kim Châu, phụ huynh của bé Khánh Nguyên, học sinh lớp 2.3 chia sẻ rằng, dù đã tìm hiểu ít nhiều về hội diễn qua những ngày cho con đi tập luyện nhưng không nghĩ hoạt động này lại sôi động và hấp dẫn đến như thế. Được biết, ngoài các tiết mục của học trò, ngay phụ huynh cũng dàn dựng tiết mục riêng để tham gia biểu diễn. Tất nhiên chỉ mang tính cổ vũ là chính nhưng cũng phải đầu tư công sức, thời gian nên "con học mà mẹ cũng học"…

Hội diễn dành cho học sinh tiểu học nhưng các kịch mục đều khá chuyên nghiệp là nhận xét của hầu hết những người có mặt tại Nhà thi đấu Nguyễn Du ngày 2/12. Đại diện Ban giám hiệu nhà trường, cô giáo Diễm Linh cũng cho biết, đó là chủ ý của nhà trường vì muốn thu hút các em chương trình cần phải hấp dẫn. Hơn thế, ngoài việc trang bị kiến thức lịch sử, thông qua chương trình, nhà trường còn muốn rèn luyện, nâng cao kiến thức thẩm mỹ về văn hóa, nghệ thuật cho các em.

Bên cạnh kết quả trực tiếp là kiến thức lịch sử cho học sinh sau mỗi học kỳ, mỗi năm học thì kiến thức về lâu dài cũng như việc hình thành nhân cách tốt đẹp, nhen lên tình yêu cái đẹp, cái chân, thiện cho các em mới là mục đích cuối cùng. Vì vậy, trong các năm tiếp theo, nhà trường sẽ cố gắng duy trì và phát huy. Nếu được nhân rộng, chắc chắn đây sẽ là hình thức chơi mà học hiệu quả cho học sinh hiện nay

Ngọc Nguyễn
.
.
.