Học cách… thua

Thứ Hai, 13/11/2006, 08:33

Trước ngày đội tuyển Olympic xuất quân tại Bách Việt Cup (BV Cup), nhiều người cảm thấy sốc trước phát biểu của "tướng" A.Riedl: "Chúng ta có thể thua trắng cả ba trận ở giải…".

Sốc là phải, bởi cái tuyên bố nhuốm màu "ảm đạm" đó không nên và không xứng tầm là tuyên bố của một "đoàn quân" trước giờ bước vào trận đánh.

Sốc là phải, bởi tiếng súng "khai chiến" chưa vang lên mà "tướng" cầm quân đã nghĩ tới chuyện bại trận. Vậy thì đá để làm gì?

Và sốc là phải, bởi tuyên bố kiểu đó khác nào thầy trò ông A.Reidl "chạy trốn" áp lực thành tích ngay từ khi chưa bước vào vạch xuất phát.

BV Cup là cái gì ghê gớm mà ông Riedl "sợ" đến thế? Đơn giản đây chỉ là một giải giao hữu quốc tế với những vị khách mời Indonesia quen thuộc, và các cầu thủ trẻ đến từ Phần Lan và Cameroon. Kinh nghiệm từ những lần "vỡ mộng" về chất lượng khách mời ở các giải giao hữu kiểu này đủ khiến giới hâm mộ nhìn về phía đoàn quân của Riedl mà hỏi: Có vô địch hay không? Chứ mấy ai nghĩ tới chuyện thua và thua trắng tay.

Vậy thì tại sao ông Riedl lại thiếu tự tin đến mức như thế? Bởi trong tay ông không có những quân bài tốt nhất? Bởi khoảng cách chênh lệch giữa những cầu thủ chính thức và dự bị? Bởi những gương mặt mà ông Riedl đặt nhiều niềm tin lại cho thấy dấu hiệu sa sút phong độ hoặc đang phải gánh chịu ám ảnh chấn thương? Bởi lối chơi của một đội hình "giao thời" vẫn chưa được nhuyễn khi mà hai lớp cầu thủ cũ và mới vẫn chưa tìm được tiếng nói thật đồng điệu?

Tất nhiên, đó là những vấn đề chuyên môn khiến A.Riedl đã, đang và sẽ phải bận tâm lo lắng, nhưng có lẽ nó chưa đến mức buộc nhà cầm quân người Áo phải dọn sẵn đường cho thất bại ngay từ lúc chưa đấu. Bởi lẽ, nếu để ý sẽ thấy, đội hình tốt nhất mà Riedl sẽ tung vào "trận đánh" BV Cup tới đây có sự kế thừa khá nhiều cái đội hình tuyển QG vừa thi đấu tại Agribank Cup. Ngoại trừ vị trí của Minh Chuyên ở hàng tiền vệ, thì đa phần các cầu thủ còn lại đều đã từng "thử lửa" tại Agribank Cup 2006. Và ở giải đấu đó, sự thể hiện của những tuyển thủ này còn lâu mới tới cái gọi là hoàn hảo, nhưng nó cũng không đến nỗi quá tệ hại. 

Thế thì sự thiếu tự tin của ông thầy người Áo là do đâu? Các nhà tâm lý học thường nói sự thiếu tự tin bắt nguồn từ cảm giác thất bại thường xuyên. Qua đó, họ khuyên mọi người cần phải có cái nhìn thực tế và đặt ra những mục tiêu thực tế, đừng chọn cho mình hoặc chấp nhận những "nhiệm vụ bất khả thi". Hoặc giả như các cụ vẫn thường khuyên con cháu: "Cao nghệ thì hẵng to gan". Phải chăng điều đó đúng với Riedl ở BV Cup? Không, nếu điểm lại từ đầu năm tới đây, người ta sẽ thấy "đoàn quân" của Riedl chưa thua bất kỳ một trận đấu nào. Từ VTV-T&T Cup rồi Cup Thủ đô đến Agribank Cup, thầy trò Riedl có thắng, có hoà, nhưng chưa một lần nếm mùi thất bại.

Thế nên khi Riedl tuyên bố "chúng ta có thể thua…", chưa hẳn là ông thiếu tự tin nên "giã từ vũ khí" ngay từ khi chưa vào trận. Biết đâu chừng, ông Riedl nói thế vì ông… muốn thế. Có thể lắm chứ, dẫu rằng điều đó thật sốc! Riedl… "cầu bại" trước hết là muốn giảm áp lực thành tích không đáng có trên vai các học trò ở một giải tập huấn, sau là muốn tập cho mọi người "làm quen" với thất bại sau một chuỗi dài những trận bất bại.

Không phải vì "đoàn quân" của ông quá mạnh nên cảm thấy "cô đơn" mà bởi ngay sau "thao trường" BV Cup là "chiến trường" ASIAD 15, một sân chơi quá tầm và gần như chắc chắn Olympic Việt Nam không tránh khỏi những trận thua trước các đối thủ mạnh. Do đó, hãy học cách thua, học cách nhìn đội tuyển bằng con mắt gần gũi với thực tế ngay từ bây giờ.

Một lần thua ở BV Cup biết đâu chừng lại mang ý nghĩa tích cực hơn là bay bổng với những thành tích "ảo" ở các giải giao hữu để rồi "chết đứng" trước những thất bại nặng nề khi ra "biển lớn" ASIAD, kéo theo đó là sự đổ vỡ niềm tin dây chuyền vì cái tội "không biết mình là ai"…

Bảo Quyên
.
.
.