Hoàng Hưng: Từ VĐV bắn súng thành hoạ sỹ tài danh

Chủ Nhật, 16/04/2006, 07:49

Bàn tay ông rất dịu dàng và đam mê bên cây cọ, đã vẽ hàng trăm bức tranh đẹp, nhưng cũng từng rất mạnh mẽ khi là một VĐV bắn súng. Ông là một gương mặt ấn tượng của ngành thể thao: Họa sĩ Hoàng Hưng, nguyên Phó Giám đốc Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội.

Dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã được xem triển lãm mỹ thuật mang tên "Người và đất Tràng An" của Hoàng Hưng. Những bức tranh về Hà Nội của Hoàng Hưng cho người xem cảm nhận một tình yêu thiết tha với con người và cảnh vật trên mảnh đất ngàn năm văn hiến. Đó là những ngõ nhỏ dịu dàng đầy cỏ dại và dây leo ngay trong lòng thành phố, những thiếu nữ yếm trắng, váy đen, những gánh hàng rong bên hè phố, những nhộn nhịp cuộc đời ẩn trong một nỗi niềm tiếc nhớ...

Mỗi một bức họa về Hà Nội của ông như một kỷ niệm ấu thơ quanh quẩn trong tâm hồn. Nó bảng lảng khói sương và dạt dào cảm xúc. Nó làm người xem tranh muốn đi ngược về quá khứ để nâng niu một Hà thành đã vĩnh viễn nằm trong ký ức như một nét văn hóa sâu thẳm của người Việt.

Cảm giác khói sương ấy rất giống như khi ta nghe những bài hát đượm vẻ u hoài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sáng tác hồi đầu thế kỷ XX. Và thật ngạc nhiên khi biết rằng, người nhạc sĩ tài hoa ta vừa nghĩ tới ấy lại chính là người cậu ruột của họa sĩ Hoàng Hưng. Vậy là, cũng dễ hiểu lắm thay, khi “dòng máu văn nghệ” đã chảy mãnh liệt trong trái tim người đàn ông làm công tác thể thao suốt một đời người.

Hoạ sỹ Hoàng Hưng bên giá vẽ

Tranh của Hoàng Hưng cũng đã được triển lãm tại Paris, thu hút sự chú ý của rất nhiều người xem. Ông là người Việt Nam đầu tiên có tranh được lưu giữ tại trụ sở UNESCO (Pháp) với bức sơn dầu khổ lớn có tên "Ô Quan Chưởng", một sự tưởng nhớ bằng màu sắc về một chiếc cổng cổ xưa của thành Thăng Long từng trải qua quá nhiều binh biến. Hoàng Hưng nói: "Không có ngòi bút nào nói hết được tình yêu từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi dành cho Hà Nội. Đó là nguồn cảm hứng vô tận để tôi đến gần với hội họa. Bây giờ khi đã nghỉ hưu, không còn bận tâm quá nhiều đến thể thao, tôi sẽ cố gắng dành nhiều tâm sức hơn cho mảng đề tài này, để vài năm nữa, khi Hà Nội 1.000 năm tuổi, tôi sẽ có một triển lãm đáng kể như tôi hằng mong ước".

Khi tôi đến tìm Hoàng Hưng để viết những dòng này về ông, ông đang bận "tối mắt tối mũi" với công việc phục dựng bức tranh lớn có diện tích 80m2 về họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (người sáng lập ra Trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương) trên một bức tường của tòa nhà 19 Lê Thánh Tông - Hà Nội, nơi xưa kia là giảng đường của Đại học Đông Dương. Toàn bộ bức tranh đã biến mất cùng với mưa nắng, thời gian. Và công việc của ông là phục dựng bức tranh chỉ dựa trên một bức ảnh mà người cháu gái của họa sĩ tài năng Tardieu cung cấp.

Ông lang thang khắp Hà Nội, tìm lại những người đã từng được ngắm bức tranh hồi đầu thế kỷ XX, để nghe những ấn tượng của họ về bức tranh. Ông tìm kiếm tư liệu từ nhiều nguồn để có được sự hình dung chuẩn xác nhất cho việc tạo dựng một phiên bản mới, phục vụ kế hoạch chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương của Trường Đại học Quốc gia vào giữa tháng 5/2006.

Hoàng Hưng tâm sự, ông đến với hội họa trước khi đến với thể thao, vì trong gia đình ông có bố và anh trai đều mê vẽ. Bước chân vào ngành thể thao hết sức tình cờ, nhưng thể thao lại là "cái nghiệp" mà ông đeo đuổi, buồn vui suốt cả cuộc đời.

Năm 16 tuổi, là một học sinh Hà Nội, Hoàng Hưng tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong, trở thành công nhân làm đường, chịu đựng gian khổ, đói rét trong những ngày đất nước chiến tranh. Chàng trai Hà Nội được trời phú cho một vóc dáng đẹp, hào hoa, lại có năng khiếu đá bóng, nên được lựa chọn vào đội tuyển bóng đá Thanh niên xung phong.

Năm 1959, ngành thể thao Hà Nội tuyển người, ông được chọn về học tại trường đào tạo cán bộ thể thao, vốn là tiền thân của Trường Đại học Thể dục Thể thao bây giờ. Năm 1962, Hoàng Hưng chuyển về công tác tại Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội. Ông là vận động viên bắn súng tham dự nhiều giải vô địch bắn súng toàn quốc.--PageBreak--

Riêng về những công việc liên quan đến mảng hội họa của Sở, Hoàng Hưng đảm nhiệm toàn bộ, như vẽ bìa sách, pano, áp phích, tranh cổ động thể thao... Ông rất yêu thích công việc này và lao động bằng tất cả say mê, nhiệt huyết của mình.

Tôi hỏi, một động tác thể thao sẽ tạo cho Hoàng Hưng một cảm xúc như thế nào để ông bắt đầu một bức họa? Ông nói: "Một bức tranh thể thao đẹp và có sức sống trước tiên phải toát lên được tinh thần của nền thể thao Việt Nam, phải hiện đại nhưng lại mang được những nét thượng võ vốn là đặc trưng của dân tộc, cho dù hình thức thể hiện là trừu tượng hay hiện thực. Tôi là một người làm việc trong ngành thể thao gần một nửa thế kỷ và tôi hiểu công việc của các vận động viên hơn ai hết.

Người ta hay nghĩ thể thao là thứ gì đó rất khô cứng, thậm chí là vô cảm. Nhưng một người làm thể thao thực sự sẽ không bao giờ nghĩ như vậy. Nếu nhìn vào sâu thẳm của mỗi động tác, cử chỉ của thể thao, bạn sẽ thấy, đó là cội nguồn của sự bay bổng, của trí tưởng tượng. Khi tôi sáng tạo những tác phẩm mỹ thuật về đề tài thể thao, tôi chỉ có một mong muốn là gọi tên sự bay bổng ấy, phác họa được hình hài của sự bay bổng ấy và truyền được xúc cảm đến với người xem".

Có thể kể tên những tác phẩm mang tính tầm vóc của đất nước, sự kiện của Hoàng Hưng như: "Vinh quang ba", "Vươn tới tầm cao", "Cổ kim"... và rất nhiều bức khác (được đặt vĩnh viễn tại Cung thể thao Quần Ngựa - Hà Nội) hay bức gò đồng "Chàng thể thao Phù Đổng" có kích thước 806cm x 403cm được trưng bày tại sảnh chính của Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.

Riêng với bức tranh "Chàng thể thao Phù Đổng" là bức tranh thể thao hoành tráng nhất Việt Nam từ trước tới nay, Ông đã phải dành rất nhiều thời gian, tâm sức. Ông đã mất ngủ hàng tháng trời chỉ để suy nghĩ lựa chọn biểu tượng Thánh Gióng, một nhân vật huyền thoại với hình ảnh khỏe khoắn, bay bổng, thực hư mà vững chãi. Từ những gợi ý của người bạn Ngụy Đôn Sơn, kiến trúc sư người Trung Quốc, tác giả thiết kế sân vận động quốc gia Mỹ Đình, ông đã hoàn thiện bức tranh về chàng thể thao Thánh Gióng hoàn toàn làm hài lòng các quan khách và người hâm mộ thể thao trong buổi lễ ra mắt.

Ngay cả lúc đã về hưu, thể thao vẫn chưa "buông tha" Hoàng Hưng để ông có thể dành trọn mình cho hội họa. Ông vẫn phụ trách liên đoàn Takewondo Hà Nội, đồng thời là Trưởng ban Vận động khiêu vũ thể thao, loại hình thể thao nghệ thuật mới du nhập vào Việt Nam.

Bằng những đóng góp của mình từ hội họa, Hoàng Hưng chính là người đã mang đến cho thể thao một vẻ đẹp, một giá trị tinh thần mới. Những vẻ đẹp ấy, cùng với những thành tích thi đấu vượt trội của nhiều môn thể thao trong những năm qua, đã cho thấy một diện mạo thể thao Việt Nam: hiện đại, trẻ trung và sâu sắc

.
.
.