Vụ Google vi phạm bản quyền của các nhà văn Việt Nam:

"Hoàn toàn có thể kiểm tra được các tác phẩm Google đã số hóa"

Thứ Tư, 29/07/2009, 23:12
Trước sự quan tâm của dư luận về việc Google muốn dàn xếp việc số hóa các tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam, sáng 29/7, Trung tâm bản quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã tổ chức tọa đàm về vấn đề này. Tính chất nóng hổi của vụ việc đã thu hút khá đông các các nhà văn, NXB và báo giới đến dự.

Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc VLCC thì, từ 2004, Google đã vi phạm bản quyền bằng việc số hóa các cuốn sách của nhiều quốc gia, trong đó, có hơn 4.000 cuốn sách của các tác giả Việt Nam và hàng chục ngàn cuốn khác đang được chuẩn bị số hóa. Lo sợ những hậu quả pháp lý xảy ra sau khi bị các tác giả và NXB ở Mỹ phản ứng và tiến hành vụ kiện tập thể, Google đã chủ động liên hệ với các tổ chức đại diện quyền tác giả ở nhiều nước để dàn xếp, trong đó có VLCC.

Như vậy, không phải VLCC dựa vào Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể về quyền sao chép (IFRRO) để phát hiện được việc vi phạm bản quyền của các nhà văn Việt Nam như thông tin ban đầu VLCC đưa ra.

Luật sư Đỗ Khắc Chiến, một chuyên gia về bản quyền, đã nói rõ hơn với các tác giả về những “được – mất” trong vụ thương thảo này. Đây là điều lâu nay, các tác giả Việt Nam rất quan tâm và đã có những phản ứng nhiều chiều, do khi gửi văn bản mời ủy quyền, VLCC đã không nói rõ. Đó là việc Google trả 60USD cho 1 tác phẩm, chỉ là tiền Google đã số hóa mà không xin phép các tác giả, còn sau này, khi đưa vào khai thác, các tác giả tiếp tục được nhận 63% tổng lượt truy cập tác phẩm. Ngoài ra, mỗi bộ phận (đã hoàn thiện) của cuốn sách được trả 15 USD và trích đoạn là 5 USD. Sau khi đã nhận số tiền 60 USD cho một tác phẩm, các tác giả vẫn có quyền không cho Google khai thác. Hạn cuối cùng cho thỏa thuận này là ngày 5/4/1011.

Điều mà nhiều tác giả lo lắng cũng đã được giải đáp rõ trong buổi tọa đàm: Trong trường hợp không đồng ý để Google khai thác tiếp, các tác giả cũng không lo bị Google gỡ bỏ các tác phẩm trên thư viện khổng lồ này, vì Google không có chủ trương làm thế, cũng như không có khả năng làm được. Các website ở Việt Nam cũng vẫn có quyền sử dụng các tác phẩm của các tác giả đã đồng ý cho Google khai thác.

Một số tác giả băn khoăn về tính hiệu quả của việc tham gia đòi tiền bản quyền từ Google và điều này đã được luật sư Đỗ Khắc Chiến cho biết: Đây là vụ án lớn, được nhiều nước trên thế giới quan tâm, nên được Google xử lý hết sức cẩn thận. Google phải chi khoảng 130 triệu USD cho vụ thu xếp bản quyền này, trong đó, riêng tiền dành cho luật sư khoảng 50 triệu USD. Vì thế, các tác giả hoàn toàn yên tâm vì không thể có chuyện Google sẽ “lừa” hay một sự việc tương tự.

Vấn đề đặt ra tại cuộc tọa đàm là tham gia như thế nào vào vụ kiện này? Ông Chiến cho rằng, các tác giả Việt Nam nên có hành động tập thể vì sẽ nhanh chóng và ít tốn kém hơn mà lại hiệu quả vì tạo được sức mạnh. Nhưng điều cần thống nhất là tổ chức nào sẽ đứng ra đại diện cho các tác giả Việt Nam và chi phí thế nào.

Nhiều tác giả bày tỏ quan điểm là Nhà nước, mà đại diện là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch hay Bộ Ngoại giao, nên tham gia vào vụ kiện để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các tác giả. Vì tới đây, ngày 7/9/2009, Liên minh châu Âu sẽ có một buổi họp của lãnh đạo các bộ để thảo luận các vấn đề xung quanh vụ Google vi phạm bản quyền, nhằm đưa ra các giải pháp tiếp theo nếu cuộc dàn xếp với Google thất bại, cũng như phân tích các lợi thế của Google trong sự cạnh tranh với các đối thủ khác về số hóa tác phẩm.

Một thông tin rất đáng chú ý đã được luật sư Đỗ Khắc Chiến cho biết: hoàn toàn có thể tra được số các tác phẩm mà Google đã số hóa. Điều này không giống như thông tin ban đầu mà VLCC đưa ra là: rất khó xác định thế nào là tác phẩm số hóa cũng như khó kiểm tra được các tác phẩm đã được Google số hoá!

Luật sư Đỗ Khắc Chiến cũng khẳng định: Với vụ dàn xếp này, Việt Nam cũng chỉ có quyền tham gia hay không, chứ không phải là đàm phán. Hạn cuối cùng công bố danh mục kê khai các tác phẩm để đòi quyền lợi từ Google là 5/1/2010, còn hạn chót mà Việt Nam phải trả lời về việc có tham gia vụ dàn xếp với Google hay không là 4/9/2009. Nếu không trả lời, tức là coi như chấp nhận tham gia dàn xếp

Dạ Miên
.
.
.