Hoài niệm chiến trường xưa

Thứ Sáu, 28/04/2006, 08:00
Thế hệ cầm súng chống Mỹ cứu nước tuổi bây giờ đã ngót nghét sáu mươi trở lên. Cuộc chiến tranh khốc liệt ấy đã chấm dứt cách đây 31 năm. Hơn 3 thập kỷ trôi qua, cỏ cây đã phủ xanh những vùng đất lở loét đạn bom nhưng dấu ấn của cuộc chiến vẫn còn in đậm trong tâm hồn người lính.

Nói đúng hơn, trong dòng chảy ào ạt của cuộc sống hôm nay vẫn lặng lẽ tồn lưu một - cuộc - chiến - tranh - trong - hoài - niệm. Những khoảng không gian, những phần thời gian máu lửa, những vùng giao tranh sinh tử mù mịt đạn bom chợt dựng dậy, chợt cuộn lên trong ký ức. Và, gương mặt đồng đội, người sống, người chết cũng hiện về trong tâm thức xa xăm, nôn nao gợi nhắc, thôi thúc những cựu chiến binh về lại chiến trường xưa.

Chiến trường xưa. Phần đời bi tráng nhất của người lính gửi lại nơi đó. Người cựu binh sinh ra ở châu thổ sông Hồng, tóc lâm thâm sương khói, lặng lẽ tìm về Quảng Trị. Đôi bờ Bến Hải đậm đặc những di tích chiến tranh, những công trình ghi ơn người chiến sỹ. Hai chiếc cầu Hiền Lương nằm song song bên cạnh nhau, trên một khúc sông lịch sử. Một chiếc cầu sắt lát ván từng mang nỗi đau cắt chia hai miền. Một chiếc cầu bê tông vĩnh cửu của thời hoà bình dựng xây đất nước. Cột cờ giới tuyến vẫn còn đây, sừng sững giữa trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị.

Không xa đây là địa đạo Vịnh Mốc, bến đò Tùng Luật và sau 2 giờ vượt biển, ta có thể đặt chân lên Cồn Cỏ anh hùng. Nam Bến Hải là Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, đường 9… Là Thành cổ Quảng Trị với những câu chuyện làm ta rơi nước mắt gắn với 81 ngày đêm rung chuyển đất trời... 328 nghìn tấn bom đạn (tương đương với sức nổ 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hirôsima) đã biến Thành cổ thành một vùng đất tan hoang "đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn".

Thành cổ, cũng là nơi ghi dấu những trận chiến đấu quả cảm của người lính cách mạng. "Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sỹ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ" - tờ báo Phố Uôn thời ấy đã từng kêu lên như thế.

Không tấc đất nào ở Thành cổ không thấm máu chiến sỹ ta. Những người lính trẻ măng, vừa học xong cấp 3, đang học dở đại học ngã xuống trên mảnh đất linh thiêng này. Sự hy sinh tự nguyện vì độc lập tự do của đất nước.

Chưa hết, nơi những chiến binh trở về còn là Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9, Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, mỗi nơi có trên 10.000 nấm mộ. Đến đó, ta được nghe kể nhiều câu chuyện huyền thoại thật xúc động về các liệt sỹ. Tiếng tập thể dục mờ tỏ của bộ đội trong những buổi sáng lãng đãng sương mù. Tiếng cô thanh niên xung phong hát trong đêm trăng thượng nguồn Bến Hải.

Cây bồ đề không do ai trồng cả, tự nhiên mọc tươi tốt sum suê tán che tượng đài Tổ Quốc ghi công. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh bộ đội Trường Sơn đã gọi cây bồ đề này là cây thiêng của Đức Phật dành cho liệt sỹ Trường Sơn… Vào Quảng Trị ta có thể lên thăm đường Hồ Chí Minh, thăm Khe Sanh, thăm làng Vây - những địa danh ác liệt ngày nào.

Không phải chỉ có những người lính cách mạng tìm về chiến trường xưa mà cả những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam hay con cháu họ cũng trở lại nơi này. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với không ít cựu chiến binh Mỹ. Họ đến nơi họ đã từng gây tội ác nhưng không hề có ở đây những đôi mắt mang hình viên đạn nữa mà thay vào đó là ánh mắt nhân từ và nụ cười cởi mở Việt Nam. Độ lượng và ấm áp biết bao.

Quá khứ đau buồn phải được khép lại để cùng hướng tới tương lai. Nhưng, không ai được phép lãng quên quá khứ bi tráng của dân tộc. Bởi vì, nó là máu xương của đồng đội, của nhân dân. Đạo lý Việt Nam là "Uống nước nhớ nguồn". Văn hóa Việt Nam là tôn thờ những người ngã xuống vì đất nước. Tại Quảng Trị, vào những dịp 30/4, 27/7 và 22/12, người hành hương về thăm lại chiến trường xưa rất đông. Cũng vào những dịp ấy, người ta thả hoa xuống sông Thạch Hãn, sông Bến Hải… Năm 2007, Quảng Trị dự kiến làm đại giỗ Cõi Trường Sơn.

Hoài niệm chiến trường là một phần tâm hồn, tâm linh người lính đã đi qua những năm tháng không thể nào quên ấy. Họ khoác lên vai chiếc ba lô con cóc năm nào để trở lại nơi đồng đội đang yên giấc ngàn thu khi kỷ niệm chiến trận thúc gọi, hoặc khi nghe một bài hát, một bài thơ của thời bom đạn dữ dội ngân lên giữa dòng đời ồn ào, sôi sủi…

Trở lại chiến trường xưa là trở lại với tuổi trẻ của mình, của đồng đội; một thế hệ đi qua chiến tranh, người chết trở thành bất tử, người sống vẫn giữ trong tim ngọn lửa yêu nước thiêng liêng không bao giờ lụi tắt

Nguyễn Hoàng Linh Giang
.
.
.