Hoa thơm tự cành, quả ngon tại gốc

Chủ Nhật, 17/09/2006, 08:38

Như mọi thứ trên đời, sự học rất cần đến cái tâm và sự trung thực của người học, người dạy.

Đã thu rồi. Trời bắt đầu có lạnh. Phố sớm mai mát mẻ nườm nượp người đi. Nắng vàng màu tơ chín. Đôi bên vỉa hè thôi cảnh oi ả như có gì gọn lại, sạch tươm. Người cũng vậy. Những gương mặt thảnh thơi. Những bước đi thon thả. Nụ cười như nét lại. Đôi mắt thì mới thật lạ lùng. Cái nhìn như có nước giếng trong tưới mát.

Văn vắt màu trời. Mơ mộng màu mây. Con đường nhựa trải dài, thăm thẳm màu sừng. Những hàng cây hớn hở rũ áo hè nồng nghiêng mình ngắm phố như người đẹp soi gương. Tươi nhất là những đứa trẻ đến trường, áo đồng phục trắng xanh, cổ quàng khăn đỏ, tóc nữ tết nơ. Hè phố ban mai dậy vang tiếng trẻ.

Mùa thu, mùa của tuổi đến trường. Học trò mang niềm vui vào lớp.

Trẻ con có đôi mắt chim non. Chúng ríu rít như thuở mới ra ràng gặp rừng giữa phố khi chuyển từ thân cây nọ tới thân cây kia cho tới tận sân trường. Câu hát khai tâm vào buổi đầu thu. Con chữ vàng son nặng trĩu tay cha mẹ, cô thầy dẫn con trẻ đến lớp. Bài hát tựu trường năm nào cũng vậy. Háo hức và ríu rít. Tuổi già trẻ lại và tuổi trẻ lớn lên. Ông bà dắt cháu đến trường. Bố mẹ đưa con vào lớp. Những cô cậu ngây thơ mũm mĩm như những thiên thần. Các thầy cô hiền dịu đức độ như các người tiên trong chuyện cổ tích.

Lâu nay sau lễ khai giảng năm nào cũng vậy là chuyện của người lớn lo cho người nhỏ. Sau bức tranh đại cảnh sư phạm hoành tráng là những tiểu cảnh phải gánh vác. Cái vi mô gánh cái vĩ mô. Nhà trường gánh trách nhiệm trước Nhà nước. Gia đình gánh trách nhiệm cùng nhà trường. Lo cho trường cũng là lo cho con em mình. Lo cho con em mình cũng là lo cho trường. Cài sự chuyền tay nhau trách nhiệm này từ lâu đã thành nếp quen nếu không muốn gọi là phong tục trong quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Và kết thúc bao giờ cũng là câu: Muốn con hay chữ phải nghe lời thầy.

Đây là cái lý của đương đại khiến nhiều người chính trực băn khoăn mà không dễ nói ra lời nếu ở một nơi nào đó câu “tôn sư trọng đạo” tốt đẹp bị những kẻ thực dụng kiếm cớ vụ lợi. Đây là điều lâu nay những người thợ bắc cầu Kiều qua sông không khỏi lo lắng, phiền lòng. Nào quỹ trường, quỹ lớp. Rồi quỹ phụ huynh... Nào đồng phục mùa đông, mùa hè. Mỗi nơi mỗi giá. Mỗi trường có một quy định riêng. Mà quy định nào suy ra cũng là đúng cả. Ai cũng nói vì học sinh thân yêu của mình. Phụ huynh chỉ biết gật đầu làm theo ý nhà trường. Đố dám cãi lại thầy cô giáo. Cha mẹ các em sợ hộ các em. Tức hoặc bực chỉ để trong lòng.

Thế mới có chuyện trường đắt trường rẻ, cô đắt cô rẻ, thầy máy chém thầy ki bo. Vẻ đẹp sư phạm đã bị ô nhiễm. Liệu có mát mặt khi đằng sau mái trường là những lời đàm tiếu về sự đắt rẻ của các thầy cô nơi ấy đặt ra. Xin đừng ai nói rằng, có chuyện ấy đấy, nhưng có phụ huynh học sinh nào thắc mắc đâu. Đúng là vậy nhưng đó chỉ là sự đồng tình giả tạo. Có thầy cô nào đọc hết lòng phụ huynh và học trò chưa? Tin rằng nếu chỉ nghe được 50% sự thật ấy chắc chẳng ai dám làm điều phi sư phạm nọ.

Ai cũng có một mùa trẻ thơ, mùa đi học, mùa trau dồi kiến thức, mùa rèn luyện làm người. Một mùa đẹp và trong như sắc trời thu vậy.

Bác Hồ dạy:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Mong các em không bao giờ phải già trước tuổi, phải làm người lớn khi tóc còn chưa phai mùi sữa với một khối lượng học tập quá sức theo kiểu nhồi ngan, nhồi vịt. Mong các em không phải gánh vác quá sức mình. Xin đừng biếm họa tuổi đến trường bằng chiếc cặp đựng sách nặng hơn cơ thể người mang cặp.

Mong các trường, các thầy cô làm việc với phụ huynh nên chu đáo và đúng luật, đúng đạo lý, đúng chủ trương chính sách để giữa phụ huynh và nhà trường ngoài sự bằng mặt còn có cả sự bằng lòng nữa.

Mong các vị phụ huynh học sinh đừng vì thành tích ảo của con mình mà sinh ra những toan tính góp phần làm ô nhiễm thêm môi trường trong sáng của sự học. Xin hãy cùng ngành Giáo dục của đất nước nói không với tiêu cực và bệnh thành tích. Có vậy ta mới có được hoa thơm tự cành, quả ngon tại gốc. Như mọi thứ trên đời sự học rất cần đến cái tâm và sự trung thực của người học, người dạy.

Khi bước vào tuổi học hành xin hãy cùng các em bắt đầu từ những dòng chữ cái nghiêm túc và sạch sẽ đầu tiên của thầy của cô, của trường của lớp để tự hào và tự tin hòa vào trong biển học vô bờ nhân loại…

Nhật Văn
.
.
.