"Hoa thép" - tôn vinh người nữ chiến sĩ Công an

Thứ Tư, 04/08/2010, 10:48
Những vở diễn nói về người nữ Công an, đặc biệt là nữ Cảnh sát hình sự, đang còn quá hiếm hoi. Vì thế, bao nhọc nhằn ở cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ còn rất ít người biết tới. "Hoa thép" có sự hấp dẫn của một cấu trúc kịch bản chặt chẽ, ít tính khiên cưỡng như thường thấy trong nhiều vở diễn...

Câu chuyện đầy kịch tính ngay từ phút mở màn vì những phút đối đầu căng thẳng giữa lực lượng Công an với tên bắt cóc con tin trong một gia đình người nước ngoài. Khi mọi việc tưởng đã bế tắc thì nữ Trung tá Cảnh sát Kim Sen xuất hiện. Không chỉ là sự dũng cảm khi sẵn sàng bỏ súng, để làm con tin thay em bé, mà chính lòng nhân ái của chị từ trước đó với đứa con kẻ phạm tội, đã giúp hóa giải được mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm. Rồi hàng loạt vụ trọng án, nhờ có sự mưu trí, tận tụy của chị, đã được làm rõ. Nhưng ở con người tưởng như chỉ có sự thành công này lại phải đối mặt với bi kịch gia đình.

Do đặc thù công việc, Kim Sen không có nhiều thời gian dành cho gia đình, đến mức, một bữa cơm đủ mặt mọi người cũng là niềm khao khát của chồng chị. Không thấu hiểu, không sẻ chia được với công việc của vợ, chồng chị đã trở nên bê tha, rượu chè, còn con trai duy nhất cũng đua đòi, lêu lổng với bọn xấu. Tất cả làm trái tim chị nặng trĩu. Nhưng chưa hết. Bọn tội phạm ma túy đã biến chồng, con chị thành con tin, để buộc chị phải đánh đổi tang vật của một vụ án mà lượng ma túy tương đương với 10 án tử hình.

Chị phải lựa chọn giữa một bên là chồng, con và cả tiền bạc, còn một bên là cái chết. Đau đớn, giằng xé, nhưng cuối cùng, nữ sĩ quan Cảnh sát đã khẳng định khí phách của mình. Chị một mình vào hang ổ của bọn ma túy, thay vì làm theo lời chúng là mang túi ma túy tang vật, chị đã mang theo khẩu súng, quyết sống chết với chúng. Sự hy sinh cao cả của chị không uổng, khi góp phần cùng đồng đội tiêu diệt bọn tội phạm. Nhưng quan trọng hơn, điều đó đã cứu con trai chị thoát khỏi con đường lầm lỗi, còn chồng chị đã thấu hiểu hơn công việc của vợ.

Những vở diễn nói về người nữ Công an, đặc biệt là nữ Cảnh sát hình sự, đang còn quá hiếm hoi. Vì thế, bao nhọc nhằn ở cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ còn rất ít người biết tới. Nhưng để nói về họ một cách thấu đáo là điều không dễ. Đại tá Phan Gia Liên đã có lợi thế: không chỉ là cây bút nữ duy nhất của lực lượng Công an viết kịch bản sân khấu về ngành, bà còn có cả cuộc đời gắn bó với những chiến công và cả sự hy sinh thầm lặng của các nữ chiến sĩ Cảnh sát, nên bà đã viết, bằng sự thấu hiểu và cảm thông, để vở diễn như một cánh cửa mở ra nhiều điều còn chưa nhiều người biết đến: các nữ chiến sĩ Công an không chỉ dũng cảm và cứng rắn trước tội phạm, họ cũng là người rất mềm yếu và giàu tình cảm. Vở diễn là sự tôn vinh người phụ nữ một cách nhẹ nhàng, xứng đáng mà hấp dẫn.

Cảnh trong vở Hoa thép.

Có thể nói tác giả đã khai thác tốt tâm lý nhân vật, từ cách ứng xử với người thân, đồng đội và với phạm nhân, đều rất thực, rất đời. "Túi măng của tôi đâu nhỉ?" - câu hỏi chị thốt ra ngay sau thắng lợi của một vụ trọng án, khiến người xem bật cười, mà nước mắt chợt rơi. Để rồi, chồng chị đay nghiến: "Vợ tôi phá được vụ án lớn, được Chính phủ tặng Bằng khen, mà mẹ, chồng, con ở nhà phải ăn măng đắng!". Câu chuyện không đao to búa lớn, mà gần gũi với những tình tiết mà có thể, ai cũng từng bắt gặp. Các vụ án ở đây chỉ làm nền cho những mâu thuẫn, những chiến công và để nhân vật bộc lộ tính cách rõ nét, chứ không mang tính "câu khách".

Xin nhường lời đánh giá về vở diễn cho NSND Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: "Hoa thép" có sự hấp dẫn của một cấu trúc kịch bản chặt chẽ, ít tính khiên cưỡng như thường thấy trong nhiều vở diễn. Ở cả tác giả, đạo diễn và diễn viên đều thành công, tạo nên hiệu quả cho "Hoa thép". Đây là điều rất quí trong bối cảnh sân khấu hiện nay. Tôi đánh giá cao tư tưởng của vở diễn: Tấm gương hy sinh của người chiến sĩ Công an là vì sự nghiệp bảo vệ an ninh xã hội, hạnh phúc của nhân dân, đặc biệt là vì thế hệ trẻ, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, lớp trẻ nhận thức đầy đủ hơn về việc cần thiết phải bảo vệ chế độ tốt đẹp. Vở kịch đã tạo được những tình huống hợp lý, không đi vào các chi tiết vụn vặt, hay các vụ án hình sự, mà chọn được các chi tiết điển hình khá đắt. Cách trang trí cũng không cầu kỳ, góp phần đưa ý tưởng của kịch bản đến với người xem. Các diễn viên khai thác tâm lý tốt, bám sát đường dây lớp diễn chặt chẽ.

Diễn viên Thúy Hiền đã diễn xuất rất thành công chiều sâu tâm lý của nhân vật và đã tạo được nhiều ấn tượng với người xem, đặc biệt là khi chồng Kim Sen phải nghe lời trùm ma túy đến khống chế vợ, Thúy Hiền đã lột tả được tâm trạng mâu thuẫn cực điểm giữa vai trò một người mẹ, người vợ với vai trò một chiến sĩ Công an. Diễn xuất của diễn viên Nguyễn Hải cũng không có gì phải chê

Thanh Hằng
.
.
.