Họa sỹ Hiệp Nguyễn: Khởi nguồn từ sự cô đơn

Chủ Nhật, 13/07/2008, 21:45
Trong cuộc trò chuyện, người họa sỹ có gương mặt hiền lành nhiều lần nhấn mạnh: "Ba đứa mình có thể cùng nhau vẽ một bức tranh to như chiếc bàn uống nước. Nếu không hay, không thích thì không lấy tiền đâu". Ba người ở đây gồm có tôi, một anh bạn và họa sỹ Hiệp Nguyễn (người sáng tạo ra hội họa kết nối - cicle painting) đang được thế giới rất chú ý bởi tính nhân văn của nó.

Khơi nguồn từ sự cô đơn

Trong trang web ciclepaiting.org (một trang web của Hiệp hội Tranh tròn) có dành một trang để giới thiệu về người khởi sướng của dòng tranh này như sau: "Nguyễn Cao Hiệp sáng tác trên nhiều lĩnh vực và giảng dạy là đam mê của cả đời anh. Nguyễn Cao Hiệp tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật và có chứng chỉ sư phạm về nghệ thuật tại Đại học California State University Long Beach.

Hiện tại, Nguyễn Cao Hiệp đang dành toàn bộ thời gian và công sức cho một dự án nghệ thuật cộng đồng do chính anh khởi xướng có tên là hội họa kết nối".

Hiệp bắt đầu vẽ tranh từ lúc 5 tuổi, từng đỗ Đại học Mỹ thuật TP HCM nhưng phải bỏ dở vì không có điều kiện để theo học tiếp. Anh đặt chân lên đất Mỹ năm 1991 và bắt đầu tìm kiếm lại cơ hội để thực hiện ước mơ cầm cọ của mình bằng cách đi học và học rất say sưa. Hiệp ra trường khi đã ngoài 30 tuổi. Sau đó, anh đi dạy, vẽ tranh và lấy vợ. Mọi thứ diễn ra khá êm xuôi nhưng thầm lặng...

Sống trên đất Mỹ, đời sống trên mảnh đất có trình độ độc lập của mỗi cá thể hơi thái quá lại trở thành cô lập. Cái tôi được đặt lên trên mọi giá trị tạo ra một khoảng cách mênh mông giữa con người với nhau. Hiệp lấy ví dụ, muốn gặp một người bạn, phải làm lịch hẹn cách đó vài ngày và cũng chỉ gặp nhau được nửa tiếng đồng hồ. Ngay trong ngôi nhà nhỏ của mình, hai vợ chồng anh cũng có những lúc ngồi cạnh bên nhau mà vẫn giao tiếp qua chiếc computer vô cảm.

Là một họa sỹ, Hiệp cảm nhận rõ rệt về sự cô đơn trong cái hào nhoáng, ồn ào của nước Mỹ sôi động. Và khi cái nỗi cô đơn ấy đạt đến đỉnh điểm của nó thì chính tinh thần nghệ sỹ phải tìm cách để liên kết con người lại với nhau. Cuộc suy nghĩ ấy kéo dài mất hai năm và kết quả chính là hội họa kết nối.

Và sự chu du của hội họa kết nối

Xuất phát điểm từ đất Mỹ, cicle painting đã được phổ biến đến các trường học, các công sở và cộng đồng dân cư. Khi cùng nhau vẽ tranh tròn, người ta đã vượt qua những hiềm khích, sự đố kị lẫn nhau để quây quần trong một ý thức cộng đồng, nhân loại rõ ràng. Thời điểm sau vụ 11/9, ở Mỹ nảy sinh những hiềm khích về tôn giáo. Hiệp và đồng sự đã mời 30 người từ các tôn giáo khác nhau tới cùng trò chuyện, rồi vẽ tranh.

"Họ rất cảm động khi có cơ hội chia sẻ với nhau - Hiệp cho hay - Khi người ta ngồi lại với nhau cùng làm việc trên tinh thần cởi mở, thông hiểu vì mục tiêu chung, thì nguy cơ xảy ra những xích mích về tôn giáo, chính trị, kể cả chiến tranh cũng bớt đi". Từ những ưu điểm của thể loại hội họa này, Hiệp đã được mời đến nhiều nơi để dạy vẽ tranh.

Riêng năm 2007, Hiệp đã đến 6 nước Thái Lan, Singapore, Australia, Philippines, Campuchia và Việt Nam. Trước đó là ở Trung Quốc, Hàn Quốc và một vài nước khác. Ở đâu, Hiệp cũng được đón nhận một cách nhiệt thành. Có những Festival, những bộ trưởng, giới lãnh đạo trẻ các nước cũng quây quần với nhau để vẽ.

Những bức tranh vẽ xong, người vẽ có thể mua về treo hoặc Hiệp để dành cho triển lãm. Điều thú vị là, khi thực hiện những triển lãm như thế này, khách tham quan có thể cầm cọ để vẽ trực tiếp lên những bức tranh đó. Và sự sáng tạo không bao giờ ngừng lại.

Lần đầu tiên mang tranh tròn về nơi Hiệp sinh ra và lớn lên vào năm ngoái, Hiệp đã thực hiện được hai bức tranh. Một bức do sinh viên mỹ thuật vẽ tại cà phê Himiko. Trước đó, anh về nhà người bạn thân ở Củ Chi tính nghỉ ngơi cho yên tĩnh. Nhưng bệnh nghề nghiệp nổi lên. Kết quả, một tác phẩm 2,5x3m ra đời. Tác giả là các bác hàng xóm làm ruộng và làm mộc lần đầu tiên cầm bút vẽ.

Và năm nay, Hiệp lại về, theo lời mời của tổ chức Vòng tay bè bạn. Lần này, hoạt động vẽ cicle painting chủ yếu diễn ra ở Công viên Thống Nhất vào ngày 20/7 trong mong muốn của rất nhiều bạn trẻ của tổ chức này.

Công việc lu bù khiến cho Hiệp chưa bao giờ thử nhìn xem mình nổi tiếng đến đâu. Chỉ biết rằng, ở cả những mảnh đất xa xôi như Guatemala cũng mời anh đến để hướng dẫn cách vẽ. Liên kết mọi người trong tình yêu thương, nghệ thuật như thế cũng đủ thánh thiện rồi - Hiệp nói

Gia Vũ
.
.
.