Họa sĩ làm tranh độc đáo của núi rừng Trường Sơn

Thứ Bảy, 13/03/2010, 13:01
Gác lại tuổi học trò đầy mộng mơ tuổi mười tám, Phan Văn Đắc xung phong lên núi rừng Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Từ những buổi hành quân qua núi, chứng kiến sự tan hoang của núi đồi sau những trận mưa bom của địch… Văn Đắc đã dùng bẹ chuối khô làm thành những bức tranh ghép nổi tiếng dọc đường Trường Sơn.

Tranh của anh động viên thanh niên xung phong, bộ đội bất chấp lửa đạn sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Đã 35 năm, sau ngày đất nước thống nhất, Văn Đắc vẫn là người duy nhất ở Việt Nam làm tranh bằng bẹ chuối. Hiện anh đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh độc đáo nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đẹp nhất đời lính

Căn nhà của họa sĩ Văn Đắc ở phường Hải Đình, TP Đồng Hới nêm chật đầy tranh của anh. "Có những bức làm xong để bán, có những bức phải giữ suốt cuộc đời", Văn Đắc bảo vậy. Năm 1965, đang theo học phổ thông, Văn Đắc giã từ mái trường thân yêu và bờ sông Nhật Lệ, viết đơn vào thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn đánh Mỹ.

Sang những năm 1970, nhờ viết chữ đẹp lại nhanh nhẹn, Văn Đắc được chuyển công tác vào làm ở phòng tuyên truyền chính trị và văn nghệ của Binh trạm 16 thuộc Binh đoàn 559. Hằng ngày anh được phân công khắc mộ chí, lập hồ sơ, lưu giữ lý lịch cho đồng đội hy sinh. Nước mắt của Văn Đắc đã chảy tràn trên mộ chí nhiều đồng đội.

Một buổi trưa mắc võng nằm nhìn những cây chuối chết khô vì bom đạn, bẹ chuối nổi lên nhiều gam màu là lạ, Văn Đắc nghĩ: Sao không ghép lại thành tranh? Nghĩ là làm, Đắc tỷ mẩn rọ từng bẹ chuối đem ngâm vào khe suối rồi phơi khô để làm tranh. Những bức tranh ghép ký họa núi rừng Trường Sơn, ký họa các chiến sĩ gan dạ, anh dũng, những cuộc hành quân… bằng bẹ chuối khô của Văn Đắc ra đời và được treo trên vách nhiều lán trại, hay theo chân bộ đội dọc đường Trường Sơn.

Tranh của anh đã góp phần động viên bộ đội, thanh niên xung phong sẵn sàng đắp đổi bản thân mình vì đất Việt thân yêu. Từ bẹ chuối và mủ cây rừng, Văn Đắc đã làm ra nhiều bức tranh với các gam màu tối, sáng rất độc đáo. Có thể nói tranh của anh là loại tranh độc nhất của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Sau chiến tranh, Văn Đắc về công tác ở Ty Văn hóa Bình Trị Thiên, rồi Phòng Văn hoá Đồng Hới, Quảng Bình. Văn Đắc đã bước qua những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời, và khi hỏi về năm tháng đáng nhớ đời mình, anh trầm ngâm nhìn xa xăm nói: "Tuổi đời đẹp nhất là đời lính. Đất nước đã giải phóng 35 năm, nhưng chúng tôi, những người lính vẫn đi tìm nhau, vẫn hướng về nhau, hoài niệm về nhau đó mới là điều tuyệt vời nhất, đó là điều đáng yêu, đáng quý nhất của dân tộc ta".

Thổi hồn vào bẹ chuối để thành tranh

Trong căn nhà nhỏ của Văn Đắc luôn ngổn ngang những đống bẹ chuối mà anh và vợ gom góp được từ nhiều mảnh vườn quê. Giúp anh làm tranh, hằng ngày vợ anh - chị Trần Thị Lài lại phơi phóng, lựa chọn, tẩm ép từng bẹ chuối để chồng làm tranh.

Văn Đắc đang hoàn thiện những bức tranh cuối cùng để triển lãm.

Cái khó của làm tranh ghép bằng bẹ chuối là chọn được bẹ đã khô tự nhiên trong vài mùa nắng, có những gam màu thích hợp, bẹ có độ dày mỏng, dài ngắn đúng cho ý tưởng của tranh. Màu đặc trưng của tranh bẹ chuối là thấy... không khác gì tranh sơn dầu. Bẹ chuối được cắt xén, ghép đạt độ hài hoà một cách tài tình trên tấm bìa gỗ ép có rắc cát mịn, phết keo mềm.

 Từng sợi thớ dọc, ngang của bẹ chuối nhìn không khác gì vân gỗ. Đứng cách tranh khá gần nhưng không thể nhận biết đó là một bức tranh ghép bằng bẹ cây chuối. Độ bền của tranh rất tốt, có những bức được anh làm từ năm 1970 như bức "Trên công trường" đến nay vẫn giữ nguyên nét màu trong điều kiện cất giữ bình thường.

Theo họa sỹ Văn Đắc: "Chọn bẹ chuối cũng phải chọn cái nào cho có hồn, cho ý tưởng của mình, chọn vị trí nào thích hợp để tạo hồn cho tranh. Nếu không chỉ là những bức tranh cắt, ghép thủ công nhạt nhẽo và vô vị. Màu của bẹ chuối thể hiện tốt nhất những cảnh tượng dữ dội, sôi động".

Bức "Đường mòn trên biển" của Văn Đắc thể hiện khung cảnh khốc liệt một cuộc chiến đấu sinh tử trên biển giữa máy bay Mỹ với tàu vận tải không số của Đoàn Hải quân 125. Bức tranh cho thấy cả khung trời thăm thẳm đầy mưa bom, bão đạn, song các chiến sĩ của ta vẫn hiên ngang vững vàng trước ụ súng. Bức tranh đã được tặng giải cao nhất trong triển lãm mỹ thuật "Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 2001-2002" tại Đà Nẵng.

Nhiều bức tranh hoài niệm về chiến trường và đồng đội của Văn Đắc ám ảnh người xem như: "Hành trang ra trận"; "Điểm chốt", "Trên công trường"… Hàng chục năm qua, Văn Đắc thường làm tranh theo 3 chủ đề: Tranh về đề tài chiến tranh, tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh đồng quê. Về mảng tranh phong cảnh đồng quê, Văn Đắc đã có nhiều bức được giới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao, như: "Chú mèo và cánh hoa rơi", "Ven biển Nhật Lệ", "Biển chuyển mùa", "Lối xưa".

Hàng trăm bức tranh bằng bẹ chuối của Văn Đắc đã đi tới khắp mọi miền trong và ngoài đất nước. Nhiều năm qua, UBND tỉnh Quảng Bình vẫn thường đặt anh làm tranh bẹ chuối tặng cho các đoàn khách quốc tế, coi như "của độc". Người ta quý tranh bẹ chuối của anh không chỉ vì tranh của anh là... bẹ chuối, mà còn quý tranh bởi tình cảm của anh với quá khứ chiến tranh, với quê hương qua những gì anh đem vào tranh.

Xem tranh của Văn Đắc, một thương nhân người Đài Loan đã mua tranh của anh với giá 300-400 USD một bức, người này còn đề nghị anh liên kết mở phòng tranh ở Đài Loan, nhưng Văn Đắc đang cân nhắc. "Tôi đang chuẩn bị mở một cuộc triển lãm tranh nhân dịp đón chào 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên việc đưa tranh xuất ngoại cứ tạm gác lại đã", Văn Đắc bảo vậy

Dương Sông Lam
.
.
.