Họa sĩ chiến trường đầu tiên của lực lượng Công an

Thứ Hai, 09/06/2014, 14:52
Hơn 400 tác phẩm ký họa chân dung và tranh phong cảnh, tranh cổ động, được sáng tác trong chiến tranh vô cùng quý giá của Đại tá Lương Mạnh Tâm, nguyên cán bộ An ninh TW Cục Miền Nam lần đầu ra mắt công chúng, đã khiến giới chuyên môn coi như một phát hiện của mỹ thuật Việt Nam trong năm 2014.

Họa sĩ “ẩn danh”

Những bức họa được phát hiện và tôn vinh khi tác giả đã ở tuổi 74 và chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng gần 40 năm, khiến họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, không giấu được ngạc nhiên: Tôi đã nghe nhiều về các họa sĩ chiến trường trong Quân đội, nhưng đây là lần đầu tiên biết đến một họa sĩ CAND. Hơn 400 bức họa của họa sĩ Lương Mạnh Tâm không chỉ rất ý nghĩa, mà nhiều bức còn cho thấy tài năng của người cầm cọ với tay nghề vững vàng, như các ký họa sinh hoạt, ký họa chân dung, hay những bức tranh thuốc nước được vẽ phóng khoáng bằng bút sắt, thuốc nước, mực nho, bút chì...

Ông Lương Mạnh Tâm, 77 tuổi, tại Thủy Nguyên, Hải Phòng, trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, nhưng ông lại đam mê hội họa từ nhỏ. Những năm tháng công tác trong lực lượng Công an, ông may mắn được gặp họa sỹ tài hoa Vũ Văn Thu và được truyền dạy kỹ năng vẽ tranh, đặc biệt là tranh ký họa. Đây là bước ngoặt lớn nhất giúp ông dần định hình phong cách của riêng mình. “Đó là khoảng thời gian vô cùng hạnh phúc với tôi, vì được cầm bút và thăng hoa trí tưởng tượng trên những trang giấy, để niềm yêu thích vẽ tranh càng ngấm sâu vào trong tôi hơn”, ông chia sẻ.

Đại tá Lương Mạnh Tâm trao bộ tranh ở chiến trường cho Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Trưởng BTC Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền Kỷ vật lịch sử CAND”.

Những năm tháng ở chiến trường miền Nam, giữa đạn bom hy sinh, gian khổ, ông vẫn say sưa trải niềm đam mê trong từng nét vẽ. Ông tranh thủ bất cứ phút nào nghỉ ngơi, thậm chí, những khi rung cảm bất chợt ùa về, ông cũng tạm dừng công việc để truyền cảm hứng vào tranh. Từng bức họa được vẽ lên từ mồ hôi, tâm sức của ông là hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong thời chiến, mang cho người xem hiểu thêm về những sự kiện, nhân chứng hào hùng của một thời, dưới góc nhìn của một cán bộ CAND.

Đại tá Lương Mạnh Tâm kể: ông thích nhất được vẽ chân dung đồng đội - những người luôn lạc quan, dũng cảm và nhiều chiến công. Vì thế, trong các tác phẩm của ông có các dũng sĩ diệt Mỹ như Hồng Thanh, Sơn “cụt”, Anh hùng LLVTND Mười Thương, chị cấp dưỡng Kim Sa, hay các chị trinh sát, điệp viên trong nội thành ra, như nhà báo Nhã Nam. Kể về những đứa con tinh thần của mình, ông Lương Mạnh Tâm vẫn vẹn nguyên niềm xúc động, bởi đó là những tác phẩm chân thực minh chứng cho một thời trận mạc máu lửa, oai hùng của thế hệ ông: Hai bức tranh chân dung ký họa đầu tiên ông vẽ vào năm 1967, khi ông bước chân vào chiến trường B và công tác tại Ban An ninh TW Cục miền Nam. Sau một trận đánh ác liệt, chị Hồng Thanh và anh Sơn “Cụt” – cùng đơn vị với ông được phong danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”. Chứng kiến giây phút đồng đội được nhận danh hiệu cao quý ấy, ông nôn nao xúc động và muốn ghi lại ngay hình ảnh ấy bằng sự rung động của hội họa.

80 tuổi mới biết mình là… họa sĩ

Chiến tranh kết thúc, gia tài của ông chỉ là chiếc ba lô cũ, với chiếc giá vẽ và những tác phẩm hội họa mang về từ chiến trường... Ông gói lại những ký ức xưa vào một góc, để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ ở Cục Cảnh sát Quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Gần 40 năm qua, những tác phẩm mỹ thuật này đã nằm trong im lặng. Chính Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền Kỷ vật lịch sử CAND” đã “đánh thức” bộ tranh mà chính tác giả cũng không biết được những giá trị lịch sử vô giá của nó. Lúc đầu, Đại tá Lương Mạnh Tâm chỉ định ủng hộ một số bức ảnh ông chụp ở chiến trường, nhưng khi các nhân viên Bảo tàng CAND đến nhà tiếp nhận, phát hiện ra chiếc giá vẽ ông mang từ chiến trường ra, thì người họa sĩ già cũng đồng ý hiến tặng. Lúc này, ông mới chợt nhớ ra những bức tranh cũ và đem hiến tặng.

Một số bức ký họa của họa sĩ Lương Mạnh Tâm.

Khi Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng (người đồng ý tưởng về Cuộc vận động) mang những bức tranh này cho họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam xem, người đứng đầu Hội mỹ thuật đã rất ngạc nhiên: Đây không chỉ là những bức tranh với vô vàn cung bậc cảm xúc, mà còn lắng đọng cả phần đời tuổi trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết của thế hệ những cán bộ Công an tăng cường cho chiến trường miền Nam. Dù không được học hành bài bản, nhưng những nét vẽ của Lương Mạnh Tâm lại khá sắc sảo. Đặc biệt là ở mảng tranh ký họa chân dung, ông đã phác thảo nên những gương mặt rất sinh động, có hồn, gợi cảm và mềm mại. Nhìn qua bức vẽ chì ấy, tưởng như nó đơn giản nhưng cần sự quan sát tỉ mỉ và say nghề. Những bức tranh vẽ bằng chì này có sự ma mị đầy huyền bí kì lạ, đã khẳng định cái tài, cái nghiệp trong con người họa sĩ - chiến sĩ Lương Mạnh Tâm. Đó thật sự là những tài sản tinh thần vô giá đáng trân trọng, ngưỡng mộ, cần được lưu giữ và bảo tồn

Thanh Hằng
.
.
.