Hoa gạo cuối trời

Thứ Tư, 19/04/2006, 08:28

Suốt tuổi thơ tôi đã đi học qua cánh đồng hoa gạo nở. Tôi đã ngồi nghỉ dưới gốc cây gạo ấy. Và có lần, bằng trái tim nhạy cảm của một đứa trẻ hay buồn bã, tôi đã khóc thầm khi nhìn những bông hoa gạo rụng đầy cái hố vôi, sau một trận mưa rào đầu mùa tháng ba âm lịch.

Năm ấy mẹ sinh em, mùa đói
Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi.

Đó là những câu thơ được viết năm tôi 16 tuổi, khi bắt đầu rời nhà ra thành phố. Dường như trong ký ức của tôi về ngôi làng bé nhỏ của mình chỉ ám ảnh hai thứ màu tương phản của một bức tranh, sắc đỏ nhói lên của bông gạo cuối mùa trên cây hoa gạo cổ thụ đứng bơ vơ giữa cánh đồng ngút ngàn xanh, và màu trắng đến bạc lòng của hố vôi người ta đã lấy gần hết về để xây nhà.

Tháng ba ở quê tôi thường mang một vẻ đẹp rất buồn. Đó là thời điểm nhà nào cũng hết thóc gạo. Mà lúa ngoài cánh đồng thì mới đương thì con gái. Mùa gặt còn lâu mới đến. Các gia đình nghèo khó trong làng bắt đầu phải đi vay gạo ở những nhà giàu có hơn.

Đôi khi gia đình chúng tôi phải đi vay chịu lãi. Chúng tôi thường phải ăn cơm độn khoai sắn. Và mẹ tôi, bao giờ cũng ăn cuối cùng, khi tất cả chúng tôi đều đã cảm thấy no bụng.

Mẹ sinh tôi ra cũng vào một ngày tháng ba, mưa phùn rét mướt. Trong nỗi đau hân hoan hạnh phúc ấy, khi bố đưa mẹ qua cánh đồng để đến trạm xá, mẹ vẫn nhìn lên cây hoa gạo và bà cảm giác ngày hôm đó tất cả những bông hoa gạo dường như đều bừng nở. Nhìn từ xa, cây hoa gạo giống như một ngọn đuốc khổng lồ vừa được ai thắp lên.

Tôi mang theo hình ảnh bông hoa gạo và khát vọng của mẹ trong trái tim mình, là tôi phải sống một cuộc đời khác với cuộc đời của mẹ. Ngày tôi chào mẹ để đi về phía thành phố, mẹ đứng vẫy tay nhìn tôi không nói điều gì. Khi chiếc xe chở đầy hành khách đã đi rất xa rồi, ngoái lại, tôi vẫn nhìn thấy bóng mẹ nhỏ nhắn và im lặng như một bông hoa gạo cuối trời. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận rất rõ sự chia ly và mất mát trong cuộc đời.

Những giấc mơ thị thành đầu tiên của tôi không phải là phố phường, màu sắc. Giấc mơ về cây hoa gạo một ngày nở đầy hoa, và trên mỗi bông hoa bước ra một nàng tiên mang theo một túi gạo xuống trần thế, như câu chuyện cổ tích mà những người già trong làng tôi thường tưởng tượng để kể cho bọn trẻ con trong những ngày tháng ba đói ơi là đói. Và rét ơi là rét.

Một cách nào đó, tôi, giờ đây, đã đi quá xa ngôi làng của mình. Tôi cũng đã đi quá xa mẹ của tôi. Và mất mát lớn nhất của tôi, là có những khi, đã không còn biết buồn trước một cánh hoa tàn, một ngày sắp tắt. Tôi là một dòng sông, có lúc vô tình trôi đi mải miết, có lúc giật mình nhìn lại, không biết đâu là bến bờ.

Nhưng tôi biết mình may mắn khi còn mẹ, còn một vùng thơ ấu ngời lên những bông hoa gạo cuối mùa để trở về. Tôi làm thơ như tạ lỗi: "Ký ức em dột ướt một mái nhà/ Thời gian phủ nỗi niềm lên màu rạ/ Mẹ khâu vá một đời bên bức vách/ Ngọn đèn chong chưa lụi tắt bao giờ".

Cây hoa gạo giữa cánh đồng làng tôi bây giờ không còn nữa. Người ta đã chặt nó đi. Làng đã được đô thị hoá. Cánh đồng đã nhỏ lại vì người ta lấy đất để xây nhà. Những hố vôi cũng đã mất dần trong trí nhớ của bọn trẻ con. Tháng ba, không còn mấy nhà đi vay gạo.

Một ngày đầu tháng tư, trên đường phố ngập tràn hoa loa kèn nở. Những bông hoa trắng muốt, kiêu kỳ vươn lên sau chiếc xe đạp cà tàng của một chị phụ nữ đội khăn che kín gương mặt, chỉ lộ ra một đôi mắt đen như hạt nhãn. Mua một đoá hoa loa kèn mà lòng lại nhớ về hoa gạo. Một cảm giác buồn ngậm ngùi trào dâng trong tôi.

Ngồi ngắm hoa loa kèn bên cửa sổ mà quặn lòng nhớ mẹ ở quê nhà. Vẫn còn hai câu thơ ngân lên trong trái tim nhiều bất ổn: "Cây gạo ấy bây giờ con vẫn nhớ/ Năm tháng đi phai sắc đỏ mỗi mùa..."

.
.
.