Hiệu ứng cánh bướm cho những điều tử tế

Thứ Hai, 23/03/2009, 09:21
Chỉ cần một tờ báo còn một chút tâm cho đăng những bài báo tình nghĩa tri ân thôi là một gia đình có bốn người con liệt sỹ có thể tìm được mộ của ba người để có thể đến thắp hương dọn cỏ trong ngày tảo mộ và thấy ấm áp hơn trước hơi ấm của cuộc đời.

Một cánh bướm đập khẽ ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc ở bang Texas. Nhà toán học, khí tượng học Edward Lorenz đã nói về hiệu ứng cánh bướm như vậy khi ông nghiên cứu về các quá trình khí hậu.

Một lời nói của người lính Mỹ Fred: "Đừng đốt, trong đó đã có lửa" giữa rừng xanh hoang vắng hơn ba mươi năm trước có khác gì một cánh buớm mong manh. Ấy vậy mà đến nay nó đã trở thành cơn lốc văn hóa trên phạm vi thế giới với hiện tượng Nhật ký Đặng Thùy Trâm, giúp người đọc giác ngộ về tâm hồn Việt trong chiến trận. Chúng ta phải làm gì để có những hiệu ứng cánh bướm từ những điều tử tế mong manh trong xã hội hôm nay?

Khi cái Tâm kết hợp với công nghệ hiện đại

Khi các thần thánh được K.Marx tập hợp lại trong tiêu đề Gia đình thần thánh, ta có thể cảm nhận được một nụ cười hài hước triết học của ông. Nhưng khi các liệt sỹ được nối kết với nhau trong một gia đình thì chẳng những ta không thể hài hước, mà niềm thương cảm còn được nhân lên. Vì khi được đặt vào không gian gia đình, họ không còn mang những áo giáp anh hùng, những hào quang thần thánh, họ trở thành những người con, người chồng, người vợ, người anh em với bao nhiêu dấu hiệu làm ta xót xa. Đó là cảm nghĩ của tôi khi đọc cuốn Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ của Hoàng Liêm (NXB Thanh niên xuất bản năm 2009).

Bốn người con, bốn số phận khác nhau, bốn cách lên đường và bốn cách hy sinh chẳng giống gì nhau, nhưng họ đều là những liệt sỹ không địa chỉ trong suốt mấy chục  năm qua. Toàn thắng đã ba mươi năm mà gia đình vẫn không biết các con mình đang nằm lại ở đâu. Hằng ngày, bà mẹ đi ra đường, cứ thấy bóng dáng anh bộ đội nào lại níu lấy để hỏi "Có gặp con tôi không, bao giờ nó về?", đến nỗi có lần mẹ ngất xỉu đi, một chiến sỹ qua đường phải dìu mẹ về nhà, đến lúc ấy gia  đình mới biết và không cho mẹ tiếp tục ra đường tìm con như thế nữa.

Một hình ảnh khác đầy tính điện ảnh ám ảnh mãi trong tâm trí người đọc là hình ảnh một người mẹ tiễn con lên đường ra trận. Khi đoàn tàu quân sự dần tăng tốc, mang theo những chàng trai trẻ tiến về Nam, một bà mẹ đã vượt lên phía trước chạy theo đoàn tàu chới với trong chiều mưa mà không hề biết đến gạch đá dưới chân mình.

Chuyện kể về một gia đình liệt sĩ của Hoàng Liêm là cuốn sách đầu tiên viết về một gia đình anh hùng - một gia đình của nhiều liệt sỹ với cách kể chuyện rất giàu tính văn học và điện ảnh. Hoàng Liêm dẫn dắt người đọc đi từ một bài báo của chính anh đăng trên báo điện tử Đảng CSVN được gia đình liệt sỹ biết đến khi tìm kiếm thông tin về các liệt sỹ trên Google hồi âm và tìm gặp tác giả, từ đó dẫn đến các tư liệu khác đan xen với quá trình tìm mộ.

Theo lời kể của anh Bùi Khắc Thành, em của các liệt sỹ trong gia đình, sau khi tìm được mộ anh Tường, gia đình có thêm quyết tâm để tìm mộ anh Khới, anh Kiêm. Thông qua cuốn nhật ký còn lại của anh Khới, gia đình đã tìm đến những miền quê anh đã qua, đã huấn luyện và chiến đấu, gặp những người anh đã từng gắn bó để nắm bắt thông tin. Được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị và của cộng đồng, gia đình đã tìm được nơi yên nghỉ của anh Khới tại nghĩa trang LS Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa và tìm thấy phần mộ của anh Kiêm ở nghĩa trang LS huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Chỉ cần một tờ báo còn một chút tâm cho đăng những bài báo tình nghĩa tri ân như bài của Hoàng Liêm thôi là một gia đình có bốn người con liệt sỹ có thể tìm được mộ của ba người để có thể đến thắp hương dọn cỏ trong ngày tảo mộ và thấy ấm áp hơn  trước hơi ấm của cuộc đời.

Cái Tâm của một con người không thể ăn ngon ngủ yên trước số phận đồng đội gửi gắm qua một bài báo nhỏ có thể được nhân lên bởi những hiệu ứng cánh bướm trong một nền văn hóa giàu tính nhân văn. Nhưng nếu không có mạng Internet với Google thì gia đình liệt sỹ cũng không thể tìm đến tác giả bài báo để bắt đầu hành trình tìm lại ba ngôi mộ người thân. Như vậy cái Tâm kết hợp với công nghệ hiện đại sẽ tạo ra hiệu ứng cánh bướm cho những điều tử tế…

Thấm thía thân phận con người

Cỗ máy truyền thông tư bản thời chiến tranh lạnh đã nhồi vào đầu không ít người ngoại quốc cái ấn tượng về những chiến binh-người máy thực hiện những nhiệm vụ của hệ tư tưởng. Họ quên người lính của chúng ta cũng là một con người biết yêu ghét, giận hờn và có những khát vọng hết sức đời thường.

Vì thế, khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, các độc giả nước ngoài  xúc động vì họ được nhìn thấu tận tâm can người bác sỹ-chiến sỹ, chia sẻ những yêu thương lớn thôi thúc chị ra trận, lắng nghe từng xao xuyến của tâm hồn người thiếu nữ tuổi yêu. Ngọn lửa mà Fred nói đến khi  anh nói "Đừng đốt, trong ấy đã có lửa" chính là ngọn lửa yêu thương con người hòa quyện cùng ngọn lửa lý tưởng của thế hệ thanh niên hồi ấy.

Cuốn hồi ký “Có một thời như thế” của Võ Minh, NXB văn học xuất bản năm 2008 kể về những ngày thường khốc liệt và rời rạc của người lính ở rừng trong thời gian giữa hai trận đánh. Cách tiếp cận mới của Võ Minh đã giúp cho người đọc hiểu thêm về những người lính. Họ không phải chỉ luôn luôn ra trận với khí thế của con người đi vào ngày hội lớn, mà là những người trai trẻ phơi phới tuổi yêu sống vất vưởng trong rừng để cho chiến tranh cứa vào da thịt từng giờ từng ngày bằng một lưỡi dao cùn vẹt. Tác giả đưa ra rất nhiều chi tiết thực giúp cho người đọc nhìn những người lính làm nên kỳ tích của dân tộc như những con người bằng xương bằng thịt.

Những cảm niệm nhiều khi chưa thành ý nghĩ, những cảm xúc ngổn ngang chưa rạch ròi yêu ghét, những khát vọng nhiều khi cũng chẳng mấy cao siêu… ấy vậy mà tất cả những cái đó trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm và trong các hồi ký khác đã có sức mạnh của những tia lade bắn phá những cục sạn định kiến về chiến binh-người máy trong đầu hàng triệu con người trên thế giới. Vì thế, có thể nói rằng ngay cả khi đã nằm xuống để linh hồn bơ vơ không địa chỉ, các liệt sỹ vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội thời đổi mới, làm cho những con người trên trái đất này hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, thoát khỏi những mô hình tư duy đầy thiên kiến.

Họ đã đem những tâm tư tình cảm thật tận đáy thẳm tâm hồn để thức tỉnh những người nghĩ sai hay vô cảm về cuộc chiến tranh của chúng ta, thức dậy những tình cảm nhân văn cao đẹp vốn  rất khó trỗi dậy trước những tấm pano áp phích.

Vượt qua tính thực dụng về văn hóa

Những cuốn sách như Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Có một thời như thế và Chuyện kể về một gia đình liệt sỹ v.v..., có chung một điểm là cho phép người đọc nhìn các anh hùng liệt sỹ qua lăng kính nhân văn để bừng ngộ về số phận con người của họ… Ngày nay chúng ta bắt đầu có thêm điều kiện để thực hiện cách trình bày con người và giáo dục cộng đồng theo tinh thần của chủ nghĩa nhân văn. Chúng ta hầu như không còn dùng biện pháp treo gương, mà đã biết tận dụng hiệu ứng cánh bướm để cho con người nối mạng với nhau từ những giá trị nhân văn nhân bản nhỏ nhoi, kết nối lại trong mạng xã hội và lan tỏa đi khắp hoàn cầu bằng hiệu ứng cánh bướm trong  hội nhập và giao lưu văn hóa.

Nhưng không phải dễ dàng tạo được hiệu ứng cánh bướm cho những điều tử tế. Chính Lorenz cũng cho biết, nếu một cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn lốc, thì một cái đập cánh khác cũng có thể dập tắt nó, và bên cạnh cái đập cánh của con bướm thì còn có vô vàn hoạt động khác có động năng đáng kể hơn rất nhiều có thể ảnh hưởng tới thời tiết.

Được biết trước khi bài báo Giờ này anh ở đâu? tưởng nhớ liệt sỹ Bùi Khắc Tường ra mặt độc giả trên báo điện tử, Hoàng Liêm cũng đã nhờ gửi đăng báo in, nhưng bị từ chối. Có lẽ vì trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay, một số cơ quan báo chí cần đất để đăng các bài giật gân câu khách về các minh tinh màn bạc nước ngoài, các chuyện đời tư của nghệ sỹ, nên đôi lúc có vẻ như vô tâm với cả những người liệt sỹ đang bơ vơ nơi góc bể chân trời không gặp được người thân.

Nếu ai đó bị nhiễm một thứ văn hóa vô cảm, mặc cảm và vọng ngoại, thì dẫu trong cuộc sống xã hội thời hội nhập có hàng ngàn hàng vạn cánh bướm cùng đập mạnh cũng chẳng mấy khi gây ra được những cơn lốc văn hóa như trường hợp Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Vì thế, muốn tạo ra hiệu ứng cánh bướm cho những điều tử tế thường khá mong manh, chúng ta phải vượt qua sự hỗn loạn thực dụng về văn hóa trong xã hội hôm nay

Đỗ Minh Tuấn
.
.
.