Hiểm hoạ “nhạc chế”

Thứ Năm, 17/03/2005, 07:13

Không còn bị hấp dẫn bởi những ca khúc nhạc trẻ có phần nhạt nhẽo, một bộ phận giới trẻ hiện nay lại tỏ ra thích thú với một loại nhạc tuy không phải là mới nhưng có nội dung ngày càng thô tục và bậy bạ. Đó chính là "nhạc chế", một thứ  nhạc vô văn hóa gây nguy hại cho định hướng thẩm mỹ của giới trẻ.  

Bước vào một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi, tôi chợt nghe thấy những âm thanh chướng tai của một giọng khàn khàn dở Nam, dở Bắc: “Từ ngày mẹ sinh con ra, tính tình kỳ cục, đàn ông tính thì đàn bà, trai chẳng ra trai, gái nào phải gái, đồng tính hay luyến ái, mà sao nó khoái con trai...”. Đám thanh niên đang ngồi ở các bàn quanh đó vừa tập trung lên tivi chăm chú theo dõi màn múa may của mấy cô người mẫu “hai mảnh”, vừa cười khoái chá trước những ca từ hết sức tục tĩu: “Tôi ngậm đắng nuốt cay, tôi lấy cái kim này, tôi đổ mực ra pha, tôi xăm vào mông ba chữ “hận đàn bà”. “Rồi khi nhớ khi buồn em khóc, nước mắt nào nặng nợ sẽ phai, em buồn em khóc em đi theo trai, em... về luôn, em buồn em khóc em đi mua xăng em đốt nhà anh”. Tôi ngạc nhiên quay sang hỏi thì anh bạn ngồi bàn bên cạnh (chắc là một dân nghiện nhạc chế) liền hào hứng giải thích: “Xẩm chế” mới đấy anh ạ, bài này là bình thường,  mấy bài sau nghe còn đã đời hơn nhiều, anh chờ một lúc nữa là đến đấy!”.

“Nhạc chế” lên đời

Quả thực như lời anh bạn kia giới thiệu, những “ca khúc” tiếp sau đó càng nhảm nhí, bậy bạ. Nhưng các “khán thính giả” ở xung quanh đều tỏ thái độ tán thưởng một cách rất nhiệt tình, đặc biệt khi đến bài “Ma nữ đa tình”. Bài hát mở đầu với một giọng nữ lơ lớ giới thiệu về “câu chuyện tình thật hấp dẫn ly kỳ rùng rợn, nhưng cũng không kém phần dễ thương và lãng mạn!”. Tiếp sau đó là giọng ca nam khàn khàn quen thuộc nhại theo một làn điệu dân ca miêu tả “ma nữ” khá rùng rợn: “... Và con ma này, là ma cái, đôi mắt như đèn pha, lưỡi hay thè ra, khuôn mặt trắng xóa, tóc tai lòa xòa, răng nó lòi ra, giống đà-củ-là, nó bay trong nhà...”. Nhưng đến cuối bài “nam ca sĩ” lại chuyển ngay từ dân ca sang nhạc rap với những ca từ đậm tính dục.

Nhìn chung, những bài “nhạc chế” có nội dung tục tĩu nhảm nhí và sexy tương tự như vậy là rất phổ biến, nhiều bài thậm chí còn mang tính chất kích thích khêu gợi với người nghe mà chúng tôi không tiện kể ra đây.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một bộ phận trong giới trẻ hiện nay lại đang tỏ ra rất “khoái” với thể loại nhạc tuy không mới nhưng càng ngày càng bậy bạ này. HPH, chủ một cửa hàng kinh doanh băng đĩa trên đường LTV, đồng thời cũng là một trong số những người thích nghe “nhạc chế”, cho rằng: “Nhạc chế có nhiều bài rất “mất dạy” nhưng một số người vẫn... thích, bởi tâm lý của họ là luôn thích những cái gì hơi nghịch nghịch!”.

Cũng theo như anh H. thì chuyển từ nhạc trẻ sang nghe “nhạc chế” đang là mốt mới trong một bộ phận giới trẻ. Các loại băng đĩa “nhạc chế” hiện đang là mặt hàng bán rất chạy. Trung bình mỗi ngày cửa hàng của anh bán được 15 - 20 đĩa CD, VCD, MP3 “nhạc chế” các loại, trong đó khách mua đa phần là sinh viên, học sinh!

HA, sinh viên ĐHBK, cũng khẳng định với tôi về trào lưu nghe “nhạc chế” trong chính lớp học của mình. Theo cậu thì phần đông các bạn cùng lớp đều có chung sở thích nghe “nhạc chế”. Thậm chí, một số người trong lớp học còn tự sáng tác thêm lời mới nhại lại những bài hát "nổi tiếng" để hát với nhau. Bản thân HA cũng là một “fan nhạc chế” rất cuồng nhiệt.

Lên mạng tìm nhạc chế

Không chỉ được sao chép thành các đĩa CD, VCD bày bán một cách công khai, “nhạc chế” còn đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng tại các trang web nghe nhạc trực tuyến. Đây chính là những “kho nhạc chế” với rất nhiều bài “độc” (nhất là về mức độ bậy bạ!). Đồng thời các trang web cũng là nơi mà các “fans nhạc chế” tụ họp để trao đổi, “tặng quà” cho nhau bằng các bài hát mới. Theo chỉ dẫn của một người bạn, tôi tìm vào một trong những trang nghe nhạc trực tuyến khá nổi tiếng. Trong danh mục các loại nhạc liệt kê ở đây, thì phần “nhạc chế” được đóng khung màu một cách đặc biệt nổi bật hơn các phần khác. Tôi thử kích chuột vào khung chữ màu, ngay lập tức một cửa sổ mới hiện ra với một danh sách dài dằng dặc.

Tại các trang web này, người truy cập không những được nghe trực tuyến các bài “nhạc chế” có nội dung bậy bạ, mà còn có thể download miễn phí hoặc gửi tặng cho người khác. Chính vậy mà những nhạc phẩm độc hại có điều kiện “phát tán” một cách rộng rãi hơn. Thêm vào đó, các admin (quản trị trang web) còn lập ra cả những forum (diễn đàn) cho các thành viên trao đổi với nhau những bài hát sưu tầm được, thậm chí post các lời mới do các fans tự sáng tác xuyên tạc những bài hát nổi tiếng. Một trong những bài “nhạc chế” kiểu này là bài “Hôm qua em đi nhà thương” (nhại lại ca khúc “Em đi chùa Hương”) với những ca từ hết sức nhảm nhí người nghe hết sức khó chịu.

Có thể nói rằng “nhạc chế” đang ngày một phát tán rộng hơn, và thật khó mà lường trước được hết những ảnh hưởng nguy hại của nó đến tâm lý, tình cảm của giới trẻ. Bản thân tôi cũng đã phải giật mình khi có lần tình cờ nghe thấy một chú bé chỉ chừng 11, 12 tuổi đang nghêu ngao hát một đoạn “nhạc chế” hết sức bậy bạ.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt và hiệu quả để ngăn chặn và loại trừ loại nọc độc nguy hiểm từ thứ sản phẩm vô văn hóa - "nhạc chế” này. Mong rằng nhà trường, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến sinh hoạt tinh thần của học sinh, con em mình để kịp thời uốn nắn thẩm mỹ âm nhạc của các em, đừng để đến khi quá muộn!

Mai Nam
.
.
.