Giáo sư Phan Văn Trường, cố vấn của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế:

Hết lòng phục vụ, đóng góp cho cộng đồng

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:54
Từng giữ nhiều chức vụ tư vấn, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, Giáo sư Phan Văn Trường đã được nhiều người Việt biết đến và ngưỡng mộ tên tuổi từ những năm 1990. Thời điểm ấy, ông đang là cố vấn thường trực của chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Phan Văn Trường cũng là một trong số rất ít người Việt được nước Pháp hai lần phong hiệp sĩ.

Với quê hương đất nước, sau nhiều đóng góp, năm 2010, ông được Chủ tịch nước trao tặng  huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục". Chia sẻ về cuộc đời mình, Giáo sư Phan Văn Trường giản dị bảo, ông phục vụ cho xã hội, đóng góp cho xã hội nhưng cũng được nhận lại từ xã hội nhiều thứ, trong đó, quan trọng nhất là... "sự ấm tình".

Giáo sư Phan Văn Trường quê ở làng Tranh Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Ông sang Pháp từ năm 1963, tốt nghiệp Trường Cao đẳng quốc gia Cầu đường năm 1970. Tham gia giảng dạy các môn quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại Trường ĐH Paris 1 Pantheon - Sorbonne nhưng từ năm 1970 đến 2004, ông còn giữ nhiều chức vụ tư vấn, quản lý và quản trị của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực: xây dựng, điện lực, giao thông đường sắt, nước và dầu hỏa...

Theo gợi ý của một người bạn, từ năm 2006, Giáo sư Phan Văn Trường tự nguyện tham gia giảng dạy không nhận lương ở Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, sau đó là giảng dạy kỹ năng quản lý và lãnh đạo tại Viện John Von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ông cũng đồng thời tham gia rất nhiều hoạt động xã hội mang tính thiện nguyện. Mới đây nhất, Giáo sư chính thức cho ra mắt bạn đọc tập sách "Một đời thương thuyết - Đừng để Bờm và Phú Ông thất vọng".

Giáo sư Phan Văn Trường cho biết, "Một đời thương thuyết - Đừng để Bờm và Phú Ông thất vọng" là cuốn sách đầu tiên của ông. Từ sự gợi ý của một người bạn, ngẫm lại hành trình của đời mình, ông nhận ra rằng, cuộc đời này, cái gì cũng là thương thuyết, lúc nào cũng là thương thuyết: thương thuyết với lãnh đạo, với bạn bè, với đồng nghiệp, với con cháu. Khi bạn muốn ý muốn của mình thành hiện thực, thuyết phục được người đối diện, dù ý muốn ấy chính đáng hay không chính đáng thì đều cần đến nghệ thuật thương thuyết.

Những kinh nghiệm của một người "đã trầy vi tróc vẩy trong nghề nghiệp, đã đau đớn trong thất bại, đã hạnh phúc tột độ khi thắng thế...." cho ông nhận ra rằng "ngành thương thảo như một khoa học chứ không phải một kỹ năng, hay hơn thế nữa là một nghệ thuật". Chỉ có điều, sách tại Việt Nam về ngành khoa học này rất ít, đặc biệt là những vấn đề phải đặt ra khi mình ngồi trước người nước ngoài. Đó là những người mình không những không quen biết trước mà còn hoàn toàn xa lạ về văn hóa, tập quán và cũng có khi là ngôn ngữ nếu cả hai không nói chung được một thứ tiếng...

GS Phan Văn Trường trong một buổi giao lưu về nghệ thuật thương thuyết trong cuộc sống và cuốn sách "Một đời thương thuyết - Đừng để Bờm và Phú Ông thất vọng".

Xác định sự cần thiết phải viết sách về vấn đề này, nhưng với một người xa quê hương lâu năm như Giáo sư Phan Văn Trường, việc bắt đầu từ đâu cũng là một thử thách. Nhớ đến những câu thơ dân gian nổi tiếng về Thằng Bờm và Phú Ông, ông mượn tứ làm tựa đề cuốn sách. Với con mắt của một nhà thương thảo, ông nhận ra rằng đây là một bài học rất giàu ý nghĩa về nghệ thuật thương thuyết của ông cha xưa. Bờm nghèo khó, cuộc sống vật chất có một khoảng cách khác xa với Phú Ông nhưng Bờm tự tin, biết giá trị của mình và vật mình đang có nên chủ động và thắng thế. Việt Nam là đất nước nhỏ, còn nghèo, nhiều người dễ tự ti, yếm thế khi ngồi vào bàn thương thuyết. Nhưng, nếu người đứng ra thương thảo tự tin, chủ động, biết mình biết người sẽ rất khó bị đối phương "bắt nạt" trong các cuộc đàm phán dù lớn hay nhỏ. Bởi lẽ, giá trị có khi không nằm tuyệt đối ở tự thân vật chất mà được xác định bởi thời thế.

Sau lũy tre làng Việt Nam có nhiều thứ giá trị không chỉ đo đếm được bằng tiền. Đơn giản như quả chuối ở vùng trồng chuối, rẻ như cho. Khi đưa qua một số nước khác trên thế giới, quả chuối lại rất có giá. Người đi thương thảo phải hiểu biết, tự tin và nắm chắc những giá trị ấy. Chúng khác nhau như nước ở ngoài sông hồ và nước ở trên sa mạc vậy...

Giáo sư Phan Văn Trường thừa nhận, cuộc sống của một công dân quốc tế đã cho ông một vốn sống rất dày. 40 năm lăn lộn với cuộc đời, ông đi nhiều nơi, tiếp cận đủ mọi tầng lớp, kể cả những ông chủ tập đoàn lớn trên thế giới, có tiếng là... gian hùng, cho đến các nguyên thủ quốc gia. Càng đi nhiều, càng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người trên thế giới, ông càng thấy thế giới này thú vị, càng thấy cuộc đời này đáng sống.

Giáo sư  hài hước ví von, một đời trong vai trò người đi thương thuyết, kinh qua vô số các thương vụ mang tầm quốc tế, ông thấy thú vị như đi trong... "sở thú mở". Chỉ có điều, "sở thú" ấy không là sở thú thường mà là sở thú gồm toàn những "con thú văn hóa cao", không chém giết nhau. Có khi "vào hang cọp" nhưng "con cọp" ấy không gầm gừ mà còn chạy ra đón rất dịu dàng - sự dịu dàng che giấu sự khốc liệt của những trận đấu trí căng thẳng. Những trận đấu như thế, ông thật khó có thể kể hết được.

Những chuyện như thế, bạn đọc có thể tìm thấy rất nhiều trong tập sách "Một đời thương thuyết - Đừng để Bờm và Phú Ông thất vọng". Với ông, việc viết sách cũng là một cách để đóng góp cho xã hội và làm điều gì đó giúp đỡ các bạn trẻ, đặc biệt là bạn trẻ Việt Nam một cách thiết thực nhất.

Giáo sư nhận ra rằng, khi bạn làm tốt điều gì cho xã hội thì xã hội cũng cho lại bạn. Đóng góp cho xã hội cũng có nghĩa là làm giàu cho bản thân. Nhưng hơn thế, khi phục vụ xã hội, đóng góp xã hội, bạn sẽ nhận lại được sự ấm tình từ xã hội. Với ông, hiện nay, được sống trong sự ấm tình ấy của cộng đồng mới là điều quan trọng nhất. Là một công dân quốc tế, ông thấm thía một điều: "Khi sống ở nước ngoài, bạn sẽ càng cảm thấy sức hấp dẫn của quê hương"...

Hoa Nguyễn
.
.
.