Hậu Tổ tuồng Đào Tấn - 170 năm nghĩa khí lưu truyền

Thứ Sáu, 21/08/2015, 10:22
Ngày 20/8, tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Định, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kỷ niệm 170 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn” (1845 – 2015).

Đồng chủ trì hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; đồng chí Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng chí Ngô Đông Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.

Hội thảo đã nghe gần 20 tham luận và ý kiến về Hậu Tổ nghệ thuật tuồng (hát bội) Đào Tấn do các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, văn nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật tuồng trình bày.

GS Hoàng Chương nhận định trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, Đào Tấn là hiện tượng đặc biệt, một ông quan lớn đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn nhất ở thế kỷ XIX. Ông để lại hậu thế di sản đồ sộ với gần 40 vở tuồng bất hủ và hơn 1.000 bài thơ và từ. Ông còn là nhà lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam với công trình “Hý trường tùy bút”.

Sinh ra ở mảnh đất võ Bình Định, cái nôi của nghệ thuật tuồng, tài năng Đào Tấn sớm bộc lộ từ tuổi thiếu niên. “Trong suốt cuộc đời làm quan, ông vẫn không rời cây bút và trường hát. Ông là người đầu tiên mở Học bộ đình, trường đào tạo diễn viên chính quy ở Nghệ An, Bình Định… tạo thành một hệ thống, một phong cách nghệ thuật hoàn chỉnh và độc đáo, đưa nhân vật người thiểu số, võ thuật dân tộc vào nghệ thuật tuồng. Nghệ thuật sáng tác cũng như kỹ thuật biểu diễn tuồng của Đào Tấn đã trở thành cổ điển, mẫu mực từ chân hia, mũi giáo, vũ đạo, võ thuật đến hát Nam, hát Khách…” – GS Hoàng Chương nói.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: “Giã từ đề tài quân quốc, Đào Tấn đã tiếp cận những đề tài đời thường bằng bút pháp hiện thực. Ông phá vỡ khuôn mẫu giáo huấn một chiều trong đề tài quân quốc với lối kết cấu chương hồi “vua băng nịnh tiếm, tử chiến phò vua, tướng xua quân lùng, giết nịnh định đô” để mang lại tính sinh động cho vở diễn, phá vỡ “tam cương, ngũ thường”, đặt lại chữ “Trung” của người quân tử “Chim khôn chọn cành cao mà đậu/ Người khôn tìm chúa sáng mà thờ”. Ông đã dùng nghệ thuật tuồng như một vũ khí chiến đấu, tỏ rõ dũng khí đứng về lẽ phải...”. NSƯT Nguyễn Gia Thiện, Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn cho hay, Nhà hát đã và đang tiến hành công tác bảo tồn, phục dựng nhiều vở tuồng Đào Tấn, đồng thời phát huy những di sản nghệ thuật của ông như thơ, từ, câu đối… Tuy nhiên, để di sản ấy lan tỏa và đến với bạn bè quốc tế  là một trách nhiệm và công việc dài lâu, nặng nề cần sự phối hợp của các cơ quan hữu trách và sự góp sức của xã hội.

Đánh giá tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, các tham luận đều nêu bật được cuộc đời thanh bạch, đức độ và sự nghiệp vĩ đại, tài năng uyên bác của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Nhiều đại biểu đề xuất nên đưa di sản quý báu của Đào Tấn vào nhà trường để thế hệ trẻ không chỉ hiểu về tuồng, mà còn tiếp thu cái nghĩa khí trong tác phẩm và con người ông. Muốn thế giới đánh giá, tôn vinh Đào Tấn thì trong nước phải có nhiều hoạt động thiết thực như Liên hoan Sân khấu tuồng Đào Tấn nên tổ chức định kỳ; đưa Giải thưởng Đào Tấn lên tầm cỡ quốc gia; đầu tư cho Nhà hát tuồng Đào Tấn có phòng nghiên cứu... 

Cũng nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh Đào Tấn, UBND tỉnh Bình Định làm lễ khởi công xây dựng đền thờ ông tại quê hương - làng Vinh Thạnh. Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên trách thống nhất với đề xuất lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới trong thời gian tới.

Quỳnh Nga
.
.
.