Đêm nhạc 'Tình khúc Vương Long': Hát từ ký ức

Chủ Nhật, 01/02/2015, 16:55
Và trong cái lạnh rất ngọt của Hà Nội ngày gió mùa trở lại, tôi lặng người trong tiếng hát, những giọt âm thanh trong vắt rơi từng tiếng thánh thót và thanh tân như vẻ đẹp thuần khiết của âm nhạc, để thấy lòng mình sao ấm lạ. Tôi bỗng hiểu vì sao Vương Long muốn sống chậm.

Cậu bé Vương Long 8 tuổi với cây đàn mandolin đã gảy giai điệu bài hát Tiến quân ca để cả trường tiểu học hát chào cờ. Niềm đam mê âm nhạc đã ở trong trái tim của chàng trai có giọng ca rất đẹp và một gương mặt rất đẹp từ trước cả khi anh biết viết những chữ cái đầu tiên.

Hơn 20 năm sau, câu chuyện âm nhạc của Vương Long đã được kể bằng những giai điệu và những ca từ xưa cũ. Như anh tự trào khi giao lưu cùng khán giả, nhận mình là “ca sĩ còn trẻ mà hát bài hát già”. Bởi chăng vẻ đẹp của giọng hát ấy dường như chỉ có thể tìm trong ký ức của Hà Nội một thời tài tử với những Ngọc Bảo, Từ Ngọc Long mà thôi!

“Nỗi lòng người đi” của nhạc sĩ Anh Bằng đã mở đầu liveshow trong một không gian hoài niệm đến nao lòng. Tà áo dài vấn vương khi ly biệt, vai áo sơ mi nghiêng nghiêng vào nỗi nhớ, đôi lứa chia xa khắc khoải trong vũ điệu của sự lưu luyến và những hẹn ước tìm nhau.

Long đã đặt lời ca vào tận đáy trái tim bằng giọng hát và cách hát rất riêng của mình. Ảnh: Tường Kha.

Có thể nói các nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Việt Nam đã hết mình với người đồng nghiệp Vương Long trên sân khấu, để cùng anh đưa khán giả đắm mình trong cảm xúc day dứt khôn nguôi của bài hát, rồi từ đó, thả mình êm trôi vào dòng ký ức của câu chuyện Tình khúc Vương Long. Nỗi lòng người đi, Anh còn nợ em, Điều kỳ diệu, Gửi người con gái miền Nam, Căn nhà xưa... nối tiếp nhau đưa khán giả đến những cung bậc khắc khoải của những câu chuyện tình dang dở.

Giọng hát Vương Long chưa bao giờ dịu dàng đến thế! Tôi chợt nhớ câu thơ của Olga Berggoltz: “Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi...” Không chịu nổi vì dường như có một nỗi buồn rất sâu cứ đắm đuối vào giọng hát, ở những nốt ngân dài như nuối tiếc, ở những cung trầm khiến lồng ngực se thắt như chậm lại một nhịp tim.

Vương Long hát tròn, trong và lắng. Từng tiếng ca từ được ca sĩ nâng niu, ấp ủ trong lồng ngực, được vuốt ve trong thanh quản, được thả ra một cách nhẹ nhàng, tinh tế và ở lại rất lâu trong cảm thức người nghe.

“Anh chợt nghe tình vỗ cánh bay/Đêm hạnh phúc như hạt sương gầy”, “Nghe sau lưng em có chiếc lá mừng, đã đổi màu xanh lấy hương nồng”... là những ca từ lần đầu tôi được nghe. Vậy mà tôi có thể nhớ ngay như thể Vương Long đã đặt lời ca vào tận đáy trái tim bằng giọng hát và cách hát rất riêng của mình.

Ca sĩ Vương Long là người đa tài. Anh chơi đàn, anh viết nhạc, hòa âm và anh dẫn chương trình. Văn của anh đẹp, lời anh nói trau chuốt và giàu tính nhạc. Giống như những bài hát anh chọn để kể câu chuyện tình yêu đời mình.

Tình khúc Vương Long là một đêm nhạc đẹp và buồn.

Anh tự giới thiệu bài hát mình muốn hát bằng những lời từ ký ức của chính anh: “…Thoáng cơn gió lặng thinh xua tan cái oi ả của những ngày  đầu hạ… Cái nắng chiều vương nhẹ trên lá sao ngắn ngủi… chưa kịp biết bước đi thời gian là nhanh hay chậm, để rồi bâng khuâng, nhạt nhòa … Mưa! Con phố kỉ niệm một chiều mưa vô tình để lại những nỗi buồn không tên đến khi nào không hay… vang đâu đó là những khúc ca xưa ngân lên thật nhẹ nhàng và như chìm dần vào hoài niệm, cũng dưới cơn mưa ấy chiều công viên ngày nào, bao câu ái ân hẹn ước.. để rồi bây giờ mưa lại mang đi tất cả … xa xăm…”. Như thế, Vương Long khác với rất nhiều các ca sĩ khác. Anh không chỉ hát lên những ca từ. Anh thực sự hiểu từng câu, từng chữ. Và yêu âm thanh, ý nghĩa của chúng.

Bởi vậy mà khi chọn “Gửi người em gái miền Nam” của Đoàn Chuẩn, Vương Long đã tìm bằng được bản chép tay của chính nhạc sĩ, để hát đúng từng chữ ca từ bài hát rất được yêu mến nhưng cũng rất thường bị thay đổi lời của người nhạc sĩ tài hoa. Thái độ trân trọng ấy đã làm cho “Gửi người em gái miền Nam” trong tiếng hát Vương Long trở nên rất đặc biệt. Đặc biệt như cả live show đầu tiên của anh. Như chính giọng hát anh.

Trong lời kể của NSƯT Quốc Hưng, người thầy, người anh của Vương Long, chàng sinh viên Học viện âm nhạc Quốc gia năm ấy đã luôn đam mê và miệt mài trong niềm đắm say vĩnh cửu với âm nhạc.

Sở hữu chất giọng lạ, vừa có thể hát giọng bass, vừa có thể hát giọng baritone, Vương Long và những người bạn của mình đã dựng rất nhiều những vở opera kinh điển của Mozart, Tchaikovsky, Bizet... để hoá thân trong những bản aria trác tuyệt.

Cuộc chơi thời trai trẻ đã kết nối những trái tim đồng điệu chung một nhịp đập âm nhạc và Nhóm Phương Bắc ra đời.

Hơn 20 năm sau, câu chuyện âm nhạc của Vương Long đã được kể bằng những giai điệu và những ca từ xưa cũ. Ảnh: Tường Kha.

Kiều Minh, Trường Bắc, Vương Long cùng là những người học trò khiến "thầy phải nhớ" của nghệ sĩ Quốc Hưng. Gắn bó với nhau trên sân khấu cũng như trong cuộc đời đã hơn mười năm để rồi là tri kỷ của nhau, ba chàng trai ấy đã cùng hoà ca trong đêm của Vương Long như một điều tất yếu.

Kiều Minh cao vút, Trường Bắc trầm ấm, họ hát để tôn nhau lên, để Vương Long du dương thả hồn trong câu chuyện âm nhạc của đời mình. Nghe Vương Long hát cùng hai người tri kỷ, tôi bỗng chạnh lòng vì dường như tình bạn ấy chỉ có thể còn trong ký ức, khi hiện tại là quá nhiều những đố kỵ, giả dối, bon chen, quá nhiều phù hoa phủ lên những toan tính và sự bạc bẽo của showbiz Việt.

Và trong cái lạnh rất ngọt của Hà Nội ngày gió mùa trở lại, tôi lặng người trong tiếng hát các anh. "Lắng nghe mùa xuân về" - lắng nghe những giọt âm thanh trong vắt như chùm pha lê, rơi từng tiếng thánh thót và thanh tân như vẻ đẹp thuần khiết của âm nhạc, để thấy lòng mình sao ấm lạ. Tôi bỗng hiểu vì sao Vương Long muốn sống chậm.

Anh tâm sự giữa những khán giả yêu anh: "Tôi muốn sống chậm một chút để có thể yêu sâu sắc hơn. Có tình yêu, con người ta sống tử tế hơn, trong sáng hơn...". Ít nhất thì người nghệ sĩ vẫn tin vào điều đó. Cả những người nghe anh hát đêm nay cũng đã tin. Cho dù chỉ trong khoảnh khắc khi câu hát cất lên...

Tình khúc Vương Long là một đêm nhạc đẹp và buồn. Đẹp trong giọng hát của chàng sinh viên thanh nhạc năm xưa khiến thầy và bạn nhớ với những bản "O Isis und Osiris", "In diesen heil'gen Hallen" trong vai Sarastro của "Cây sáo thần". Đẹp trong tình cảm những người nghệ sĩ đã dành cho nhau: Anh Thơ, Hà Thuý Anh, Kiều Minh và Trường Bắc đã ở bên Vương Long, đã vì Vương Long hát bằng cả trái tim.

Đẹp trong những giai điệu được phối theo phong cách jazz của thời Loius Amstrong, tiếng saxophone Hoàng Tùng da diết và Ban nhạc Phương Đông đã tạo dựng một không gian hoài cảm rất "As time goes by" ở các ca khúc "Kỳ diệu", "Nếu xa nhau", "Anh còn nợ em", "Căn nhà xưa"... Đẹp ở phần múa dưới sự diễn xuất của Hoàng Thông và Minh Hằng, bằng ngôn ngữ cơ thể quấn quýt, uyển chuyển vẽ nên những cảm xúc không thể nói hết bằng lời: "Có bỡ ngỡ là mặt trời bỡ ngỡ/Có xôn xao là sỏi đá xôn xao/Cánh tay anh, anh đã dặn nằm im/Để người yêu thả trôi suối tóc mềm".

Rời khỏi Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, chúng tôi bị xâm chiếm bởi nỗi buồn man mác. Vẻ đẹp của thứ âm nhạc này như thể không thuộc về hiện tại. Da diết thế vì đó là vẻ đẹp của một ký ức đã rất xa. Vì thế nên câu chuyện đẹp cũng là câu chuyện thật buồn. Nỗi buồn đã được chắt lọc bằng chính ký ức của gần hai mươi năm đam mê và sống, đớn đau và hy vọng, để chỉ còn lại những gì tinh khiết nhất, trong văn vắt và buồn dịu dàng trong tiếng hát Vương Long.

Và tôi muốn gọi đêm nhạc Tình khúc Vương Long là đêm hát từ ký ức. Những ký ức đẹp đẽ và dang dở. Bởi dang dở nên sẽ còn đẹp mãi.
Quý Phương (1/2/2015)
.
.
.