Giao lưu nghệ thuật “Nhà báo - Cảm xúc giao mùa”:

Hành trang nghệ thuật của những người làm báo

Thứ Năm, 14/11/2013, 08:31
Qua buổi giao lưu “Nhà báo - cảm xúc giao mùa” mới biết, trong số hơn 2 vạn nhà báo của nước nhà, đã có một lực lượng không hề nhỏ là những người nghệ sĩ “đích thực”! Các tác phẩm nghệ thuật của họ đã được nhiều độc giả, khán, thính giả biết đến, mến mộ.

Tối 12/11, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật được truyền hình trực tiếp có tên gọi: “Nhà báo - cảm xúc giao mùa”. Đây là chương trình nhằm giới thiệu các tác phẩm thơ, nhạc tiêu biểu, được sáng tác bởi chính những người làm báo, là nhà văn, nhà thơ đã được phổ biến lâu nay trong công chúng. Và, trong một chương trình gần như là lần đầu tiên được tổ chức chuyên biệt này, các sáng tác nghệ thuật của các nhà báo đã mang lại cho người nghe, người xem nhiều nét độc đáo, do đặc thù nghề nghiệp của họ mang lại.

Nghề báo là nghề được đi, phải đi, thậm chí, đi mải miết quên tháng ngày như một thứ “chủ nghĩa xê dịch” mà cụ Nguyễn Tuân vẫn thường lấy làm phương châm, cách sống cho cuộc đời mình. Có “đi một ngày đàng” mới “học được một sàng khôn”. Cái “khôn” của nhà báo là được trau dồi kiến thức, nắm bắt hiểu biết những qui luật của cuộc sống, con người từ những gì mắt thấy, tai nghe.

Vị khách đầu tiên được mời giao lưu với khán giả chương trình là Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Ở các sáng tác của ông, người ta thấy được sự kết hợp hài hòa giữa các qui phạm nghệ thuật và sự trải nghiệm cuộc sống. Bài thơ “Một mình” được ông đọc trong buổi giao lưu đã được khán thính giả tại nhà hát lắng nghe chăm chú, tán thưởng khi câu thơ cuối cùng khép lại.

Trong “Một mình”, sáu câu thơ mở đầu là: “Một ngày/ Một ngày/ Lại một ngày”. Đối lại với khổ sau: “Một mình/ Một mình/ Lại một mình”. Cách thể hiện làm cho người đọc có cảm giác gấp gáp, mong tự giải thoát bản thân khỏi thời gian đang chết lặng, tù túng quanh mình. Và từ “lại” cũng cho biết rằng, đó là khoảng thời gian tuy đếm là “một”, nhưng có cảm tưởng là độ dài của vô tận. Nhân vật chữ tình trong thơ như hoàn toàn bị cuốn lấy, bị vò xé, bị hòa tan trong cái biển thời gian mênh mang mà dường như không thấy một thứ gì có thể bấu víu: “Ai đến với ta?/ Và ai tìm ai?”.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Lê Cảnh Nhạc tại buổi giao lưu.

Không ai tìm ta cả! Và từ đó, tác giả đặt câu hỏi: “Ai là bạn? Ai là kẻ qua đường?” bên cạnh những “Câu chuyện làm quà/ Nụ cười nhạt/ Cái gật đầu vô nghĩa”. Cuối cùng, tác giả thể hiện tâm trạng buồn, thất vọng khi nhận ra rằng, trong cái khoảng không chật hẹp của cuộc sống bon chen, xô bồ giữa người và người, miếng cơm manh áo có được càng khó khăn hơn, còn lòng người cũng dễ biến thiên theo vật chất. Tâm trạng của tác giả giống như một nốt nhạc buồn, cứ trôi mãi theo thời gian mà không có bến bờ để dừng đỗ: “Thời gian cũ kiếp người cũng cũ/ Nốt nhạc buồn/ Theo thời gian/ Không bến không bờ... trôi”.

Không nhiều những trải nghiệm, triết lý trong cuộc sống, nhưng bài thơ “Trường Sa làng ta” của Nguyễn Thành Phong (Tổng Biên tập Báo Lao động và xã hội) được tác giả đọc trong buổi giao lưu lại truyền được cái hơi thở cuộc sống của một làng quê đặc trưng. Tác giả nhận thấy, cuộc sống ở Trường Sa - giữa muôn trùng sóng nước, tưởng như biệt lập với đất liền - lại rất gần gũi, thân thuộc với hình ảnh: đàn gà ấp trứng; đàn lợn mới sinh con; gieo hạt giống; rau đậu xanh màu quê. Rồi ở Trường Sa sóng nước, người ta cũng nghe được tiếng gà gọi sáng, tiếng bò gọi đêm, tiếng ca dao của mẹ cứ cất lên đều đặn mỗi ngày. Qua đó, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc, rằng Trường Sa là một ngôi làng Việt, là một bộ phận lãnh thổ không thể tranh cãi. Từ những ngôn từ của tứ thơ da diết đó, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã phổ nhạc thành công thành bài hát “Trường Sa làng ta”. Giai điệu của bài hát uyển chuyển, nhịp nhàng, với tiết tấu nhanh, làm cho ca từ trở nên mềm mại, mang âm hưởng tươi vui.

Bài thơ “Thắp niềm tin cuộc sống” của Lê Cảnh Nhạc (Tổng Biên tập Báo Gia đình và xã hội) đã đươc nhạc sĩ Văn Tiến phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và đã dành được nhiều tình cảm của các khán giả có mặt tại buổi giao lưu. “Trong gió sương chắt chiu từng đốm lửa/ Cánh én nhỏ mang mùa xuân vượt bão tố/ Khát khao bình yên góc phố, bản làng”. Và tác giả quan niệm rằng, có trăn trở đêm ngày có thấu hiểu được lòng dân, thì mới được dân tin yêu, đồng hành trên mọi nẻo đường của cuộc sống!

Trong buổi giao lưu, các khán giả còn được nghe nhiều bài thơ, nhạc phẩm làm say đắm lòng người của các nhà báo đã sáng tác như: Ca khúc “Lời ru cỏ non” của Hữu Ước; ca khúc “Mùa thu sang” (lời thơ Nguyễn Sỹ Đại, nhạc Lê An Tuyên); bài thơ “Những tháng mười dọc lối đi” của Trần Kim Hoa;  ca khúc “Đất mẹ miền Trung” (thơ Trần Bá Dung, nhạc Văn Đờn)...

Qua buổi giao lưu mới biết, trong số hơn 2 vạn nhà báo của nước nhà, đã có một lực lượng không hề nhỏ là những người nghệ sĩ “đích thực”! Các tác phẩm nghệ thuật của họ đã được nhiều độc giả, khán, thính giả biết đến, mến mộ. Từng câu thơ, từng giai điệu do các nhà báo sáng tác, mang đậm hơi thở của cuộc sống ở ngay những hình ảnh tưởng như là rất bình dân, rất nhỏ nhặt thường ngày. Và đó sẽ là hành trang, những giá trị tinh thần song hành cùng các nhà báo trên mỗi nẻo đường quê hương, đất nước

Cảnh Vũ - Minh Tuấn
.
.
.