Hàng ngàn điểm 0 môn Sử: Tìm đúng nguyên nhân, sẽ có giải pháp

Thứ Hai, 01/08/2011, 10:38
Một câu chuyện thời sự gây sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước trong tuần qua là điểm thi đại học môn lịch sử bị điểm thấp một cách không bình thường. Nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ một thí sinh đạt điểm trung bình môn sử. Đây là con số đáng báo động bởi theo nhiều trường, chưa năm nào điểm thi môn sử lại thấp như thế.

1. Ví như Trường ĐH Tiền Giang, hơn 98% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Trường có 253 thí sinh dự thi khối C nhưng chỉ có năm thí sinh đạt điểm từ 5 trở lên, chiếm 1,97%. Trong số đó, cần nói rõ thêm điểm cao nhất chỉ là 5,25 điểm, thế nhưng có đến 47 thí sinh có điểm 0. Trường ĐH Quảng Nam, có đến 99% thí sinh có điểm thi môn sử dưới trung bình. Trong số 900 thí sinh dự thi khối C, số thí sinh có điểm 5 chưa đếm đủ 10 đầu ngón tay (9 thí sinh).

Theo tin trên Báo Tuổi trẻ, nhiều trường ĐH tại TP Hồ Chí Minh cũng có mức điểm sử thấp khó tưởng tượng. Thậm chí có trường chỉ duy nhất một điểm 5 môn sử! Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh là một trong những trường có số lượng ngành tuyển khối C khá nhiều. Tuy nhiên chỉ có 3,6% thí sinh đạt điểm môn sử từ 5 trở lên. Trong khi đó có đến 201 thí sinh có điểm từ 0-1.

Nhiều thí sinh đạt điểm trung bình, khá các môn khác nhưng sử lại có điểm 0. Chẳng hạn một thí sinh có điểm văn 5,75, địa lý 6 điểm nhưng lịch sử lại là con số 0 tròn trĩnh. Ngay cả các Trường Đại học Sư phạm đào tạo giáo viên dạy khoa học xã hội tương lai cũng có kết quả môn lịch sử thật thảm hại.

TS Phạm Tấn Hạ - Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết: Ở khối C điểm thi môn địa lý khả quan nhất, kế đến là văn, trong khi phổ điểm môn lịch sử tập trung chủ yếu từ 1-3 điểm. Tương tự, ThS Tạ Quang Lâm, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho biết, điểm thi môn sử năm nay thấp hơn năm 2010. PGS.TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho biết, số bài thi có điểm từ 4,5 trở lên chiếm khoảng 10%.

Nhiều bài thi, thí sinh làm hết các câu nhưng mỗi câu chỉ làm được một ít chứng tỏ các em học vẹt, không hiểu vấn đề nên làm bài không được. Trong khi đó cũng có nhiều bài 8, 9 điểm chứng tỏ thí sinh học sử rất tốt. ĐH Đà Nẵng đã công bố điểm thi khối C của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, có đến 477 bài thi 0 điểm và tổng số bài thi môn sử dưới 5 điểm là 2.448 bài, chiếm đến 99,23% tổng số bài thi môn sử của các thí sinh. Chỉ một bài thi được 7,75 điểm…

Tuy chưa thống kê hết, nhất là các trường đại học phía Bắc, nhưng bước đầu nhìn phổ bảng điểm thi môn sử ấy, ai cũng thấy sốt ruột. Tâm lý ấy hoàn toàn có lý. Thế nhưng, sau sự sốt ruột hãy tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng ấy lại càng quan trọng hơn.

Theo tôi, tình trạng môn sử thấp kém như vậy phụ thuộc vào hai khả năng. Hoặc là đề thi môn sử năm nay quá khó. Hoặc là do các em học sinh không say mê, không có phương pháp học tập môn sử. Nếu chúng ta cho rằng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2011 này quá cao (có tỉnh đỗ cao đến 99%),  không có nghĩa là con em chúng ta năm nay giỏi hơn năm trước, thì cũng có thể cho rằng, thi đại học môn lịch sử năm nay, nhiều em có điểm thi thấp, hàng ngàn em có điểm 0 như vừa nêu ở trên, cũng chưa đủ căn cứ để khẳng định học sinh chúng ta học kém môn sử, không yêu môn sử, các em thích sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Một sự khái quát như vậy, e rằng chưa thật khách quan công bằng. Bởi đề thi khó hay dễ liên quan chặt chẽ đến chất lượng bài thi, đó là điều ai cũng biết. Đề thi đại học môn lịch sử năm nay cũng vậy.

Theo thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An thì đề thi môn lịch sử năm nay chủ yếu vẫn là tự luận, yêu cầu học sinh có khả năng phân tích, khái quát, phù hợp với kiến thức đã học trong trường phổ thông. Thế nhưng, tại cuộc tập huấn giáo viên cốt cán Trường chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 18 đến 23/7/2011 tại Đà Nẵng, nhiều thầy giáo đều có chung nhận xét, đề thi năm nay có một số yếu tố gây mơ hồ cho học sinh, khiến nhiều em lúng túng trong huy động kiến thức để làm bài…

Tuy các em học ở trường chuyên thì có kết quả tốt hơn,  nhưng  nhìn chung số điểm cao như những năm trước không nhiều. Điều đó càng chứng minh rằng, đề thi môn lịch sử năm nay là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả tệ hại của môn lịch sử.

2. Lâu nay nhiều người đã khẳng định việc giảng dạy môn lịch sử trong trường phổ thông là… có “vấn đề”. Điều đó là đúng. Mà chẳng riêng gì môn sử. Ngay môn toán, trong các kỳ thi quốc tế những năm gần đây nhất, Việt Nam đã tụt hạng từ tốp 5 xuống thứ 31 trong năm 2011, sau cả Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… đó thôi.

Thực trạng đó là đáng báo động trong phương pháp giảng dạy, trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho nước nhà khi mà chúng ta đang phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì thế, không chỉ là môn lịch sử, mà kể cả các môn khoa học xã hội - nhân văn, các môn khoa học tự nhiên cần phải được nghiên cứu cải tiến, đổi mới nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của giáo viên và cách học của học sinh. Nghĩa là phải có chiến lược đổi mới toàn diện, biết chấp nhận đau đớn thì mới mong tiến tới một nền giáo dục hiện đại và nhân văn.

Nếu như kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ “ru ngủ” ai đó trong “giấc mơ của chủ nghĩa thành tích”, thì “thật may” kết quả thi đại học môn lịch sử lần này đã rung hồi chuông báo động. Nó có sức nóng thôi thúc trước hết là các nhà quản lý giáo dục và toàn xã hội hãy biết sốt ruột, sớm bắt tay đổi mới toàn diện nền giáo dục đủ sức thích ứng với xu thế, thời kỳ đất nước ta hội nhập quốc tế. Cần khẩn trương, nhanh tay hơn nếu không muốn chúng ta càng ngày càng tụt hậu

H.T.
.
.
.