Hai ông lớn, hai thái cực

Thứ Hai, 14/06/2010, 15:29
Không hẹn mà gặp, cả Hà Lan lẫn Italia, hai "ông lớn", điển hình cho hai phong cách bóng đá rất khác biệt sẽ cùng ra quân trong ngày thi đáu hôm nay. Nếu như đối thủ của Hà Lan là một Đan Mạch luôn được nhìn nhận là "xơ cứng" thì đối thủ của Italia lạI là một Paraguay không dễ đá chút nào.

Hà Lan và Italia bước vào VCK World Cup này với một sự tương phản rõ rệt. Trong khi Hà Lan có một loạt những chiến thắng ấn tượng trước thềm World Cup thì Italia lại mệt mỏi với từng phép tính về nhân sự của chính mình.

Trước hết, hãy nói về Hà Lan. Có một mối lo khá lớn đổ lên dư luận Hà Lan khi cầu thủ chạy cánh Arian Robben ngã gục xuống sau một pha va chạm trong một trận giao hữu. Những kết quả xét nghiệm cho hay, Robben có khả năng tham dự World Cup, nhưng tình trạng thể lực chắc chắn không ở mức tốt nhất.

Dĩ nhiên, "vấn đề Robben" là một vấn đề không hề đơn giản đối với chiến lược gia Bert Van Marwijk, nhưng thật ra, trước một đội bóng như Đan Mạch, ngay cả khi không có Robben thì sức công phá của Hà Lan vẫn tiềm ẩn trong nó hàng loạt những sự nguy hiểm khó lường. Vấn đề là, ở góc độ tâm lý, cầu thủ Hà Lan có gạt khỏi "vấn đề Robben" khỏi đầu, để có thể nhập cuộc một cách tự tin nhất, có thể hay không. Một khi giải quyết xong "vấn đề tâm lý", một chiến thắng, thậm chí là một chiến thắng đậm đà cho ĐT Hà Lan là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Arian Robben.

Nếu chuyện của Hà Lan là chuyện ở "cái đầu" thì chuyện của nhà ĐKVĐ thế giới Italia lại là chuyện của những "đôi chân" thuần túy. Pirlo - một trong những cầu thủ làm bóng sáng tạo nhất của ĐT hiện nay phải "nghỉ dài dài vì chấn thương" - nó là điều khiến cho HLV Lippi phải đau đầu. Nhưng sự đau đầu chưa dừng lại ở đó khi mới đây, một tiền vệ năng nổ khác là De Rossi bỗng nhiên cũng lăn đùng ra chấn thương.

Mặc dù HLV Lippi cố lên giây cót cho các học trò: "Chúng ta là nhà ĐKVĐ thế giới, chúng ta phải vào trận bằng niềm kiêu hãnh lớn nhất của mình" thì sự thật là những fan hâm mộ Italia vẫn không ngừng lo lắng. Đối thủ của họ rạng sáng mai Paraguay là một đội bóng không dễ chơi chút nào. Với sự dẫn dắt của "cánh chim đầu đàn" Santa Cruz, Paraguay đã thi triển một thứ bóng đá giàu sức sống, và khiến cho một loạt những đại gia Nam Mỹ thời gian qua ít nhiều phải sợ hãi.

Có một điểm nữa ở Paraguay mà các fan hâm mộ Italia bây giờ không thể không lo ngại, đó là đội bóng này có một nền tảng thể lực khá dồi dào. Và khi nền tảng thể lực ấy đối đầu với một Italia có tuổi đời bình quân thuộc vào dạng cao nhất World Cup thì chắc chắn nó sẽ tạo ra một sự khác biệt, một lợi thế không nhỏ.

Đúng 48 giờ trước khi ra quân của đội nhà, trong khi báo chí Hà Lan đang tỏ ra lạc quan thì báo chí Italia lại tỏ ra rất thận trọng về cơ hội cho ĐTQG của mình. Xem ra cũng là điều dễ hiểu, bởi rõ ràng là hành trang vào VCK World Cup của Hà Lan và Italia là hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt mà ở đó, trong khi "màu da cam Hà Lan" lộng lẫy bao nhiêu thì "màu xanh Italia" lại ảm đạm bấy nhiêu.

Cháy sáng lên, "niềm tin châu Á"

ĐT Nhật Bản sẽ có một trận đấu không dễ dàng gì trước một Cameroon vừa có kĩ thuật vừa có nền tảng thể lực vững vàng. Mặc dù trước World Cup gặp phải một số vấn đề về nội bộ (bắt nguồn từ cuộc khẩu chiến giữa huyền thoạI Roger Mila và Samuel Eto'o), nhưng hiện nay một không khí vui vẻ, đoàn kết đã xuất hiện trở lại trong ĐT Cameroon. Các cầu thủ Cameroon thậm chí còn hạ quyết tâm sẽ thắng đậm Nhật Bản để xóa đi mọi nghi ngờ của dư luận về sức mạnh ĐT. Xét cả về mặt kinh nghiệm lẫn trình độ, ở thời điểm hiện tại, quả là Nhật Bản vẫn ít nhiều kém thế hơn so với đối thủ. Nhưng hy vọng là sau khi Hàn Quốc - đội bóng đầu tiên của châu Á ra quân tại World Cup đã có một chiến thắng mở đầu rất ấn tượng trước Hy Lạp thì Nhật Bản cũng sẽ ít nhiều được tiếp thêm sức mạnh. Và biết đâu, nhờ chính sức mạnh ấy, họ lại có khả năng tạo ra sự bật ngờ?

Ngã về phía trước


Tôi lớn lên giữa Hà Nội hòa bình
Như hàng triệu chàng trai, tôi say mê bóng đá,
Với trọng lượng bảy hai cân và chiều cao một thước bảy hai, tôi đứng giữa khung thành
Canh giữ, bảo vệ một mặt phẳng đợi chờ công phá,
Có chiều cao hơn một đầu với của mình.
Bắt được bóng, nếu ngã, tôi ngã về phía trước
Đề phòng một bàn thua tạo phản thảm thương.

Chiến tranh! Tôi từ giã phố phường, cầm súng lên đường đuổi quân xâm lược.
Tôi không muốn chết, nhưng vì Tổ quốc, quê hương,
Nếu gục ngã, tôi ngã về phía trước.
Đuổi quân thù thêm nhiều thước bảy hai.

Tôi đi tìm em như tìm viên ngọc ước,
Con đường hiểm nguy tìm kiếm mãi còn dài.
Nếu gục ngã, tôi ngã về phía trước
Tiến gần em thêm một thước bảy hai

Đắc Lê

Sau trận đấu
(Thân yêu gửi các nhà thơ sân cỏ)

Nào có gì đâu, chỉ toàn cỏ xanh rờn,
Im ắng quá. Chỉ những hàng ghế vắng,
Im lặng quá. Chỉ những đường biên trắng,
Hai khung gỗ là chi, sao lại gọi khung thành?

Có thật là một khắc huyền diệu mới đây ta đã khóc, đã cười
Theo trái bóng quá quen, ai bỏ quên sau cột?
Ta lẩn thẩn nhặt lên. Và bất chợt
Xem và soi như chưa thấy bao giờ!

Và ta bỗng bàng hoàng như trước một câu thơ
Hay đến nỗi chữ không là… chữ nữa!
Những chữ ấy, xem kìa, ai chả có
Như trái bóng quá quen, ta nhặt, quá dễ dàng!

Trần Ninh Hồ

Diệp xưa
.
.
.