Hà Nội những nẻo đường xuân

Thứ Sáu, 04/02/2005, 08:07

Tết đến, Xuân về. Mưa giăng trên những vòm cây thành phố. Những hạt nhỏ li ti đọng giọt long lanh trên nhành liễu rủ mặt hồ Gươm. Ông đồ già khăn áo chỉn chu, cắm cúi trên tờ giấy hồng điều, viết chữ nho chúc Phúc, cầu Lộc, mừng Xuân. Người qua lại nườm nượp. Cành đào rung rinh nối bước cùng các màu hoa tươi của Nhật Tân, Nghi Tàm, Quảng Bá…

Góp mặt vào sắc xuân Hà thành còn là những chùm đèn, dây hoa giấy màu của những người thợ hàng Mã, những bức tranh hàng Trống, Đông Hồ. Duyên dáng, thướt tha là tà áo dài của những cô gái trẻ do những thợ Trạch Xá khéo tay, may nổi đường cong, nét lượn ôm gọn thân thon. Tưng bừng là những đám hội múa Rồng, Cờ người, Đấu vật, Đu tiên… Cờ bay phấp phới. Tiếng hát ngọt ngào theo tiếng hoa, tay quạt giấy xoè – múa, lượn…

Tết ở Hà Thành một thuở, sắc xuân mượt mà, thanh tao, lịch lãm là thế! Vui mà không lộn xộn! Đẹp mà không lố lăng. Nét vui thắm đậm. Vẻ đẹp hé duyên thầm. Sắc xuân Hà Thành vốn đã từng như thế.

...Thời gian sống xa Hà Thành, đã quen với cái nắng chang chang, những cơn mưa rào bất chợt, mà sao nhớ những mùa xuân như thế mỗi khi thấy mai vàng hé nở ở giữa Sài Gòn. Nhớ da diết là những ngày xa xứ, ở phương trời Âu. Mùa tuyết rơi, một vùng trắng mênh mang tuyết phủ, tôi thầm nghe tiếng chim líu lô gọi xuân về ở nơi quê nhà; lại mường tượng đến Hội Xuân gò Đống Đa, kỷ niệm Quang Trung đại phá quân Mãn Thanh, chấm dứt cả mấy nghìn năm xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc, vào ngày mồng 5 Tết mùa Xuân Kỷ Dậu (1789)...

Vui biết mấy là mùa Xuân Ất Mùi (1/1/1955) Bác Hồ về lại thủ đô sau 9 năm dài kháng chiến, kết thúc cả trăm năm đô hộ của thực dân phương Tây. Và, mùa xuân năm Quý Sửu (27/1/1973) đế quốc Mỹ buộc phải cuốn cờ rút quân khỏi miền Nam, sau trận “Điện biên Phủ” trên vùng trời Hà Nội, hạ gục hàng loạt pháo đài bay B52 và máy bay siêu âm các loại. Uy thế không lực Hoa Kỳ tan xác pháo, dẫn đến mùa xuân Ất Mão (1975) chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng - Đất nước thống nhất, Bắc Nam xum họp xuân nào vui hơn”.

Từ mùa xuân ấy, đất nước sạch bóng quân thù, nối tiếp những mùa xuân Độc lập, Tự do, con người làm chủ cuộc đời mình. Trên đất Hà Thành, mùa xuân Ất Dậu đang về. Cảm nhận như vậy kể từ khi người dân Hà Nội đang khẩn trương các công việc để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long văn hiến. Tiếng trống vang dồn ở Quốc Tử Giám, thức dậy cả nghìn năm văn hiến. Đêm hội Hà Thành tái hiện lịch sử vẻ vang, truyền thống kiên cường, bất khuất, khơi niềm tự hào cho người Hà Nội vững tin trên đường vào thế kỷ mới, hứa hẹn những mùa xuân huy hoàng và nhận biết rõ hơn những đổi thay kỳ diệu do chính bàn tay mình tạo dựng trong những mùa xuân qua...

Cùng với đất nước, Hà Nội cũng đang có sự đổi thay kỳ diệu, khởi nguồn là đổi mới tư duy, tiếp đến là đổi mới cách nghĩ, cách làm.. Độc lập Tự do là “Mùa xuân dân tộc”; phải từ đó để làm nên “Mùa xuân cuộc đời”, con người sống trong hạnh phúc, xã hội giao hoà công bằng, dân chủ, văn minh. Ngay sau ngày tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) Bác Hồ đã giảng giải: ”Có Độc lập Tự do mà dân không ấm no, hạnh phúc, không được học hành thì Độc lập, Tự do có ích lợi gì!” Và Bác đã trực tiếp phát động ngay chiến dịch diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Để có được ấm no hạnh phúc để tạo dựng “mùa xuân cuộc đời”, Hà Nội đã phải trải qua 10 năm trăn trở, gồng mình lên, gỡ bỏ cơ chế bao cấp trói buộc, vượt lên chính mình để mở mang xây dựng toàn diện, hướng tới mục tiêu, đích thực là trung tâm chính trị, kinh tế văn hoá của cả nước, xứng đáng là Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam.

Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, tự đổi mới chính mình, vượt ra khỏi cái vỏ bọc duy ý chí, Hà Nội đã vượt ra ngoài cái khuôn khổ chật hẹp từ xưa, mở rộng diện tích đến ngót nghìn cây số vuông, thiết lập thêm 3 quận nội thành cộng với 5 huyện ngoại thành, đủ đất làm nền cho 15 khu công nghiệp, trong đó có 6 khu công nghệ mới, kỹ thuật cao ở Sài Đồng, Nội Bài, Đài Tư Bắc và Nam Thăng Long, hàng trăm công ty liên doanh, tự doanh, sản xuất cơ khí, ôtô, xe máy, thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính, những thứ chưa từng có trong mơ ước.

Hoà theo nhịp độ xây dựng và phát triển của công nghiệp, cái sở trường vốn có của Hà Nội là ngành nghề tiểu thủ công – một thời bị mai một – bỗng vụt lên, khởi sắc, làm duyên dáng thêm những sản phẩm xuất khẩu, nổi danh tài hoa những người thợ Hà Thành, ấy là những bức thêu ren, những tấm thảm treo, thảm trải, những bàn tủ khảm trai, trạm gỗ, những đồ dùng song, mây tre đan, gốm sứ Bát Tràng, hàng dệt, hàng may, sơn mài mỹ nghệ.

Cho đến bây giờ đã ngót hai thế kỷ, cái cụm từ mệnh danh “Hà Nội 36 phố phường” vẫn được nhắc đến trong văn thơ, trong đời sống hàng ngày như là một chứng tích lịch sử. Và mỗi lần như thế. Lại hình dung đến đường phố ngắn, hẹp lòng; những ngôi nhà bé nhỏ. Tàu điện leng keng mỗi sáng; tiếng rao khàn đêm đêm. Đường phố đỏ quạch ánh đèn, tối tăm ngõ xóm. Bao quanh năm cửa ô là những vùng đồng lầy, ao hồ, đầm bãi. Cánh đồng Si võng nước ngập cỏ - Đầm Trấu – Linh Đàm bùn lầy, những bãi hoang đồi vắng Hoà Lạc, Xuân Mai... Con người sống trong khuôn định tem – phiếu. Cái nghèo, cái khó đeo đẳng trên lưng. Vậy mà... như một cuộc “hoá thân”, như một phép lạ, người Hà Nội đã bung trổ tài năng, đứng vững trong cơ chế thị trường, giàu lên nhanh chóng. Những nơi bùn lầy hoang vắng bao quanh Hà Nội đã mọc lên những 28 khu định cư, nhà cao cửa rộng, kèm theo là công viên, trường học, bệnh xá... Nội thành mở rộng đường, dựng lên những building – toà lầu, dựng lên những công trình thế kỷ. 36 trường đại học, cao đẳng nối tiếp nhau ra đời, đào tạo hàng chục nghìn sinh viên các khoa, các ngành, kể cả năng lượng hạt nhân và vi điện tử...

Hà Nội lớn lên nhanh quá, trẻ trung và... mới lạ. Người Tràng An, người Hà Thành chính gốc đôi lúc cũng ngỡ ngàng... lạ lẫm, có cảm giác “Hà Nội của ngày nào” ấy, đã đi vào dĩ vãng. Còn lại đó là các di tích lịch sử – văn hoá đang được tôn tạo, chỉnh trang, nâng niu trân trọng – những là Văn Miếu Quốc Tử  Giám, Chùa Trấn Quốc, Thành Cửa Bắc – Cửa Đông, tượng Quang Trung, Lê Lợi..

Giá trị lịch sử, truyền thống nghìn năm văn hiến và những thành tựu đương thời của Hà Nội đã là những gì đầy hấp dẫn, không chỉ đối với du khách, các nhà doanh nghiệp - đầu tư, mà những thành phố lớn, Thủ đô của 28 nước trên thế giới đã đặt quan hệ kết nghĩa, hợp tác thân thiện trên nhiều lĩnh vực; đã được LHQ trao phần thưởng và danh vị “Thành phố vì hoà bình” là điểm chọn để phát động “ Thập kỷ Quốc tế văn hoá hoà bình”(2000-2010). Vẻ vang là thế! Tự hào là thế! Bởi Hà Nội ngày nay đã khởi dựng một “Mùa xuân cuộc đời”.

Trải qua biết mấy mùa xuân, đến mùa xuân Ất Dậu này mới cảm nhận rõ nét sắc xuân ở đất Hà Thành - thấy ở đấy một sự hoà quyện mượt mà, dịu êm giữa cảnh xuân thiên nhiên - ý xuân cuộc đời và tình xuân lòng người. Cái sắc xuân ấy sẽ rạng ngời thêm nhiều khi mà ngày nay hoà đồng nếp sống thanh tao – lịch lãm vốn có của người Hà Thành một thuở, sẽ rực rỡ biết bao khi lương tâm, trí tuệ không bị vấy mờ bởi những ham muốn tầm thường, để mỗi người là một hương sắc của mùa xuân ở đất Hà Thành.

Phải chăng đó là lời thỉnh cầu của mùa xuân này - Xuân Ất Dậu - mùa xuân trong chặng đường đầu của thế kỷ

Dương Thành
.
.
.