Hà Nội: Phục dựng bức tranh khổng lồ gần 100 năm tuổi

Thứ Hai, 17/04/2006, 08:25

Sau nhiều năm biến mất, bức tranh tường khổng lồ do họa sỹ danh tiếng người Pháp Victor Tardieu vẽ sắp hồi sinh. Bức tranh khổ rộng khoảng 80m2, được vẽ trên tường của Trường Đại học Đông Dương cách đây gần 100 năm, mô tả cảnh sinh hoạt của người dân Hà Nội đầu thế kỷ XX.

Việc phục dựng bức tranh không chỉ là một sự kiện văn hoá mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi tác phẩm này từng gắn liền với Trường Đại học Đông Dương (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), nơi khởi nguồn cho nền giáo dục Tây học của nước ta.

Sự trở lại của bức tranh cỡ lớn

Họa sỹ Hoàng Hưng nhận thực hiện việc phục dựng bức tranh tường khổng lồ với tổng diện tích 80m2 trên chất liệu sơn dầu giấy toanh (một loại giấy không thấm nước) chỉ trong 3 tháng. Trong khi đó, họa sỹ Victor Tardieu vẽ nó trong 6 năm.

Bức tranh tường do họa sỹ Victor Tardieu vẽ vào thời kỳ mới ra đời của Đại học Đông Dương. Đây là địa chỉ đào tạo các ngành khoa học như Luật, Y, Văn… của nước ta. Hồi đó, để được vào học tại trường đại học danh tiếng nhất cõi Đông Dương này cần có các tiêu chuẩn. Ví như người có bằng cử nhân, tú tài trong nước sẽ được nhận nếu có đủ khả năng tiếng Pháp; người có bằng Tây học như Chasseloup-Laubat đương nhiên được tuyển thẳng. Một số đối tượng khác nữa cũng được xét cho học nếu đáp ứng đủ yêu cầu người đào tạo đề ra. Điểm đặc thù của trường đại học này là nhận tất cả các công dân châu Á chứ không riêng gì người của nước sở tại.

Bức tranh mô tả cảnh sinh hoạt của người dân Hà Nội đầu thế kỷ XX. Trong tranh, người ta còn nhìn thấy hình ảnh của những vị chức sắc của Pháp như Paul Domer, Alberl… và cả tác giả. Tranh khổ rộng khoảng 80m2, được vẽ trên tường của Trường Đại học Đông Dương. Cùng với thời gian và tác động của khí hậu ẩm ướt, chiến tranh… tác phẩm hội họa đồ sộ này đã bị mai một.

Khi tìm hiểu về bức tranh này, người ta phải tìm đến những cán bộ lâu năm, các cựu sinh viên của trường để hỏi. Một cán bộ của Đại học Quốc gia đã có duyên may khi tìm được hậu duệ là cháu của họa sỹ Victor Tardieu. Những thắc mắc về tác phẩm này dần được giải đáp. Và cũng chính từ mối liên hệ này, chúng ta đã  có bức ảnh chụp tác phẩm này. Đây chính là cơ sở để họa sỹ Hoàng Hưng và các đồng sự tái dựng lại nó.

Bên "công trường" phục dựng tranh

"Công trường" phục dựng bức tranh khổng lồ này là hội trường Ngụy Như Kon Tum tại số 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Để kỷ niệm 100 năm Đại học Đông Dương, Trường Đại học Quốc gia đã tiến hành tu sửa lại. Trong đó, phục dựng bức tranh của họa sỹ Victor Tardieu là một hạng mục.

Bức tranh được phục dựng trên phần tường của sân khấu. Một dàn giáo 40 chiếc được huy động. Nhóm công nhân đang đo, vẽ từng khoảng trên tường. Họ làm công việc này say sưa, tỉ mỉ. Theo họa sỹ Hoàng Hưng, để tiến hành công việc này phải chia thành 3 ê kíp. Một ê kíp ở công trường như tôi thấy và 2 ê kíp khác là vẽ lại từng phần bức tranh thông qua ảnh tái hiện. Sau đó, những phần rời rạc của bức tranh này sẽ được ghép lên tường thành một bức vẽ hoàn thiện.

Họa sỹ Hoàng Hưng, người được giao trọng trách này được công chúng và người yêu hội họa nước nhà biết đến từ các tác phẩm hội họa cỡ lớn. Tác phẩm phải kể đến đầu tiên có tên "Chàng thể thao Phù Đổng" nằm ở vị trí rất trang trọng - trên tường sảnh lớn Sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tác phẩm đánh dấu đóng góp cho nền hội họa nước nhà của ông khác nữa phải kể đến "Ô Quan Chưởng". Hiện nay, bức tranh này đang được trưng bày tại hội trường UNESCO. Điều này không chỉ là sự tự hào cho cá nhân ông mà còn là sự ghi nhận của thế giới đối với nền hội họa đương đại nước ta.

Dốc hết tâm huyết vào việc phục dựng tác phẩm của họa sỹ Victor Tardieu là điều ông đang cố gắng. Ông cho rằng, do những khó khăn như hình trong ảnh mờ, thời gian thúc ép… sẽ gây ra những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, ông sẽ cố gắng làm tốt để giữ được cái hồn cho tác phẩm này.

Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa thầy và trò Trường Đại học Quốc gia sẽ tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Bức tranh của họa sỹ Victor Tardieu được phục dựng tại vị trí trang trọng nhất ở hội trường Ngụy Như Kon Tum chắc chắn để lại dấu ấn trong lòng mọi người. Từ đây, các thế hệ học trò của trường mãi được chiêm ngưỡng tác phẩm này. Tác phẩm hội họa này không chỉ trong phạm vi của trường mà còn có giá trị đối với Hà Nội, nơi hội tụ những giá trị văn hoá

Cao Hồng
.
.
.