HS Lê Thiết Cương: Vẽ bằng những trải nghiệm sống

Chủ Nhật, 26/10/2008, 11:20
“Tôi phải chán cái sự nhàm chán lắm thì tôi mới vẽ, mới làm triển lãm nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn tôi vẽ bằng tất cả những sự trải nghiệm của chính mình. Những bức chân dung là hình bóng của tôi, là những gì tôi khát khao được chạm tới”.

Ngày 27/10, tại Gallery 39A Lý Quốc Sư  sẽ diễn ra buổi ra mắt cuốn sách và triển lãm Người của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và họa sỹ Lê Thiết Cương. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, giới yêu nghệ thuật Hà Nội sẽ được thưởng thức một sự kết hợp độc đáo giữa văn học và hội họa trong một triển lãm ấn tượng về viết và vẽ chân dung của hai nhân vật nổi tiếng trong giới văn  nghệ, họ đã là những thương hiệu được mặc định trong nghệ thuật: Nguyễn Quang Thiều và Lê Thiết Cương.

- Trong giấy mời là buổi ra mắt cuốn sách và triển lãm Người.  Nghe có vẻ rất lạ.

- Đúng, có hai nội dung diễn ra tại Gallery 39A Lý Quốc Sư. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ra mắt cuốn sách chân dung Người. Cuốn sách này của Thiều là do tôi mời Thiều làm, tôi đạo diễn toàn bộ, ví dụ như tôi bỏ toàn bộ chi phí từ việc làm designed cho cuốn sách, xin giấy phép, in ấn; còn tôi thì triển lãm 10 bức chân dung Người mà tôi thích.

Mọi người nhận được giấy mời đừng nhầm tưởng là Thiều viết 24 cái chân dung Người; còn tôi, họa sỹ Lê Thiết Cương thì vác giá vẽ và cọ chăm chắm đến từng người một ngoài đời trong 24 bức chân dung ấy để vẽ minh họa. Tại sao lại phải là minh họa chân dung thật. Nghệ thuật đâu phải cứ cụ thể và theo đề tài. Chẳng có đề tài quái nào trong hội họa hết. Những chân dung Người này tôi đã vẽ nó rải rác từ rất lâu và chắt lọc lại cho một triển lãm chân dung mà tôi đã có ý định nhiều năm nay là sẽ làm với Thiều.

- Tại sao lại là với Nguyễn Quang Thiều mà không phải là một ai khác?

- Bỏ qua chủ nghĩa quan hệ đi nhé, tôi mời Thiều làm không phải vì Thiều là bạn tôi, chúng tôi chơi với nhau lâu rồi mà vì tôi thích những bức chân dung hắn viết. Có một điểm chung giữa hai chúng tôi là sự tưởng tượng. Nghệ thuật quyến rũ người ta là vì tạo ra sự tưởng tượng mà những người bình thường không có khả năng tuyệt diệu đó. Thiều có những sự tưởng tượng ở trong những chân dung văn học mà tôi không thể làm được, và tôi thích.

Thật ra, việc triển lãm chân dung Người với Thiều có từ lâu nhưng chỉ là mơ hồ. Cho đến một ngày, tôi đọc chân dung Thiều viết về một người đàn ông có tên gọi là "Lưu Kiến Sinh" là một người Hoa ở Chợ Lớn, sang Đài Loan sinh sống đã gần 30 năm, và đi khắp thế giới. Tóm lại là một chân dung theo kiểu của Thiều là viết và dẫn dụ người đọc trong lớp lang những hoài niệm chảy miết, và đọc một thôi một hồi cũng chẳng biết Thiều viết gì, muốn nói gì. Nhưng Thiều quá giỏi ở những chi tiết trống, những chi tiết rời rạc.

Và cái chi tiết đắt giá nhất trong bức chân dung này, nó giống như giọt nước làm tràn ly cái ý định của tôi làm triển lãm chân dung Người với Thiều ấy là chi tiết, cái ông Lưu Kiến Sinh dù đã bao nhiêu năm trời lưu lạc, nhưng nỗi nhớ quê hương luôn theo ông dằng dặc trong những năm tháng dài, đến nỗi bao giờ ông cũng thấy có những cơn gió lạnh thổi vào lưng mình. Đấy, nhờ cái chi tiết ấy mà chúng tôi có một sự kết hợp với nhau trong triển lãm viết và vẽ chân dung Người.

- Họa sỹ Lê Thiết Cương cũng tìm thấy trong bức chân dung mình những cơn gió lạnh thổi vào lưng mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nhìn thấy?

- Tôi đã nói rồi, nghệ thuật luôn có những lối đi không hiểu nổi, và bởi thế mà nó luôn luôn quyến rũ con người. Cái thú khi xem những bức chân dung của Nguyễn Quang Thiều chính là được thấy những tưởng tượng, những liên tưởng, những suy tưởng, những bay bổng của tác giả. Cho dù có khi nó cũng chưa chắc đã đúng, nhưng đúng sai có ý nghĩa gì? Thế mà đó lại là thế mạnh, là đặc điểm, là độc đáo của Thiều, một nhà thơ viết văn. Đằng sau những câu văn bao giờ cũng thấp thoáng màu sắc của thi ca. Không ngờ cái nền vu vơ, mơ mộng mà Thiều tạo ra xung quanh lại làm nhân vật là họ hơn, nhiều họ hơn.

Tranh của tôi tạo ra cho người xem một sự tưởng tượng ở trong trang sách. Nó mang đến cho người xem một sự cảm nhận về mơ ước, sự bay bổng, sự tự do mơ mộng trong mỗi chân dung người, trong mỗi bản thể tôi. Mỹ cảm trong tranh nó cụ thể hơn và mỹ cảm hơn văn học nhiều, nó cho con người nhìn trực diện vào sự tưởng tượng ấy. Cái mà nghệ thuật cần nhất là cái riêng, sự chân thực.

- Khán giả sẽ nhận được điều gì ở triển lãm viết và vẽ chân dung Người của Lê Thiết Cương và Nguyễn Quang Thiều?

- Tôi thích sự tưởng tượng, tôi thích sự mơ mộng, và tôi kích thích trí tưởng tượng, sự mơ mộng ở người khác. Tôi rất mê sự tưởng tượng của người khác, họ có những sự tưởng tượng mà tôi không làm được, ví dụ như cái cách mà Thiều tưởng tượng trong mỗi trang viết, tài của tôi lại không nằm ở đó, và tôi thể hiện nó bằng bút vẽ. Chắc chắn, khán giả sẽ phải thấy được sự cảm động ở những chân dung viết vẽ của chúng tôi về Người. Nói thật nhé, tất cả các cuộc cách mạng hình thức nọ kia đều vô nghĩa nếu nó không mang đến cho khán giả một sự cảm động.

- Nhưng, nếu khán giả đến đây và sẽ la lên rằng, họ chán sự giản lược đến tối thiểu trong nghệ thuật hội họa của Lê Thiết Cương, bởi sự tối giản ấy làm họ hoang mang, trống vắng và buồn trước những bức họa Cương vẽ. Họ đã chán sự tù mù, vô định huyền bí không rõ ràng trong những bức chân dung của Nguyễn Quang Thiều? Có gì mới hơn nữa không ở triển lãm này?

- Thì đừng đến triển lãm này. Chưa có một họa sỹ nào trong nước như tôi, một năm ra đều một triển lãm. Mỗi một triển lãm chứa đựng trong đó một thông điệp về sự nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi của tôi. Mỗi một triển lãm là một thay đổi, một sự mới lạ. Nếu không thay đổi, không đem đến cho khán giả thưởng thức một món mới thì sau triển lãm "Bản thảo" tôi đã kết thúc. Đây là một sự thay đổi về  hình thức chứ không phải là đề tài.

Sau "Bản thảo", tôi làm "Như không". Ở "Như không" tôi tập trung vào một thứ bút pháp là không bút pháp. Mỗi một triển lãm tôi muốn tập trung vào một yếu tố thuộc phạm trù hình thức của hội họa. Ở triển lãm Người này cũng vậy, tôi muốn thay đổi hình thức vẽ chân dung.

Tại sao cứ phải chân dung là tôi phải vẽ ông này bà kia có thật ở ngoài đời. Tôi chỉ lấy hình thức của thể loại chân dung để thể hiện sự sáng tạo của mình. Tôi triển lãm này với Thiều bởi ở giữa chúng tôi có một điểm chung là sự tưởng tượng. Họa sỹ dù anh có vẽ đôi dép, hay vẽ một ngôi sao thì nên hiểu đó cũng chỉ là nội dung.

Làm nghệ thuật là làm hình thức, tôi chỉ muốn tối thiểu hoá các yếu tố thuộc phạm trù hình thức trong hội họa (hình màu, bố cục v.v..).Ví dụ, các triển lãm "Hạt gạo", "Bản thảo" tôi chỉ tập trung làm một gạch đầu dòng thuộc phạm trù hình thức trong hội họa, là mối quan hệ đậm nhạt. Thế thôi. Còn khán giả nhàm chán là do họ. Cả hai bên đều phải nỗ lực. Tôi nỗ lực trong sáng tạo, khán giả nỗ lực trong việc tự học để nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật.

- Anh có xem tranh của các nhà văn vẽ hiện nay không? Trong số họ ai có nhiều hy vọng đến được với hội họa.

- Tôi có xem một số. Tôi nhìn các bức tranh của các nhà văn vẽ chứ không phải là một họa sỹ vẽ. Nghĩa là những người cầm cọ vẽ không chuyên nghiệp. Ít người vẽ được lắm. Trong số đó tôi thấy có một nhà văn vẽ khá hơn cả. Đó là nhà văn Võ Thị Hảo. Tranh của chị có độ cảm động, có tinh thần của hội họa.

Xem tranh Võ Thị Hảo sẽ thõa mãn được cơn thèm cảm giác hội họa một cách thật đã nhất. Nó giống như một người yêu nhạc mạnh, tìm đến thể loại heavy metal của nhạc rock để thỏa mãn. Đại loại thế.

- Thế còn tranh của Nguyễn Quang Thiều?

-À, rất hay là trong triễn lãm Viết vã chân dung Người, Nguyễn Quang Thiều cũng mang đến trưng bày một bức tranh của hắn đấy. Thế mới hay chứ. Bên cạnh 10 bức tranh của tôi là một bức của Nguyễn Quang Thiều. Tôi có đến nhà Thiều xem tranh của hắn. Tôi nói với Thiều, những bức mà ông thích thì tôi không thích. Những bức mà ông không thích thì tôi lại thích.

Nhà văn hay bị cái bệnh đề tài, thể hiện ý tưởng này ý tưởng nọ. Tôi bảo, ông cứ vẽ những cái cao siêu như bữa ăn của các vị thánh.v.v. Tôi chỉ chú ý tới một bức ông để quên trên bậu ]cữa, bức này ông vẽ về một chậu hoa, ông lại không ký tên dưới bức tranh, chắc là ông không xem đó là tác phẩm chính. Tôi lại thích cái thứ vu vơ, cảm giác như ông vẽ nó trong lúc ông không biết vẽ gì. Thiều nghe tôi nói vậy, chỉ cười.

- Vẽ của Lê Thiết Cương là một hành trình sáng tạo chống lại sự nhàm chán của chính mình, và sự nhàm chán của mọi người. Một sự tìm tòi, phá phách chống lại sự tù túng trì trệ trong chính con người anh? Nhưng chống lại sự nhàm chán của chính mình đâu phải dễ?

- Trong trường hợp này rất đúng. Tôi phải chán cái sự nhàm chán lắm thì tôi mới vẽ, mới làm triển lãm nhiều. Nếu không chán sự nhàm chán, tôi ngồi ỳ một chỗ và không đụng quậy. Nhưng có một điều chắc chắn tôi vẽ bằng tất cả những sự trải nghiệm của chính mình. Những bức chân dung là hình bóng của tôi, là những gì tôi khát khao được chạm tới.

Người Nhật và người Đức mua tranh tôi nhiều nhất. Những người Nhật họ nói tìm thấy trong tranh của tôi sự tĩnh lặng của thiền. Người Đức lại tìm thấy trong tranh tôi những cảm giác lý tính. Hào Hải nói tôi là người đi mon men giữa ranh giới của lý trí và tình cảm, của đồ họa và hội họa.

- Làm triển lãm viết vẽ chân dung Người là để kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Gallery 39A Lý Quốc Sư. Trong 3 năm qua, Lê Thiết Cương nổi đình đám là kẻ biết chơi và chịu chơi khi làm người tìm tòi và lấy lại được những nét văn hóa đang dần bị tàn lụi?

- Tôi chủ trương mở Gallery 39A Lý Quốc Sư là một phòng tranh phi lợi nhuận. Trong 3 năm qua, tôi làm được 18 cuộc triển lãm. Tất cả các cuộc triển lãm này tôi bỏ kinh phí ra mà không thu về bất kỳ một hào nào.

Các họa sỹ triển lãm tranh, bán tranh và thu tiền cho vào túi của họ, còn tôi làm bà đỡ mát tay cho họ. Thứ lợi duy nhất mà tôi nhận được từ Gallery phi lợi nhuận này là tôi được quyền chọn mời các tác giả theo quan điểm của mình. Việc đỡ đầu cho các họa sỹ trẻ mới vào nghề là một việc tôi coi trọng.

Nhưng bên cạnh đó, tôi luôn ý thức tìm tòi và níu giữ lại những nét văn hóa đã và đang dần biến mất trong cuộc sống hiện đại này. Không chỉ tranh, mà cả ảnh, cả âm nhạc, âm thanh và nhiều loại hình nghệ thuật khác được phô bày ở đây. Triển lãm 1.000 bức ảnh về Việt Nam thời nghèo khó cho một nhiếp ảnh gia không chuyên Thụy Điển là bà Evalinhdskog qua triển lãm "Việt Nam 80.00". Hay triển lãm "Truyền thần" gồm tất cả những bức truyền thần mà tôi sưu tầm và cất giữ được.

Cái hay của truyền thần là không có tác giả, trong triển lãm này tôi mời họa sỹ Bảo Sinh như một người đại diện đến vẽ cho khách. Một trong những triển lãm mà tôi tâm đắc là triển lãm những ký họa chiến tranh của cố họa sỹ Đào Đức. Tất cả những hoạt động này đã làm nên cái tên của Gallery 39.

- Nghề chơi lắm công phu, và tốn nhiều tiền bạc. Mở gallery phi lợi nhuận cho thấy tiền không phải là vấn đề cho những cuộc chơi của Lê Thiết Cương.

- Cho đến bây giờ, tôi chưa thấy có nhu cầu về việc kinh doanh Gallery. Làm Gallery tốn kém công phu, kỹ lưỡng và phải có một niềm đam mê vô bờ. Thật khó khi vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa kinh doanh. Tôi sẽ vẫn chủ trương phi lợi nhuận cho đến lúc nào tôi không mở Gallery nữa. Đã chơi thì phải cắm thịt vào mình mà chơi, chứ chơi bằng tiền của người khác thì hãm lắm

.
.
.