HLV Lê Thụy Hải: Nếu có đời sau, lại làm bóng đá

Thứ Hai, 24/08/2009, 15:36

"Bóng đá thì phải nói, nó đúng là cuộc sống của mình. Mình vẫn nói là, kể cả lần sau có được sống lại thì vẫn thích được làm bóng đá." Huấn luyện viên trưởng CLB Thể Công - Viettel Lê Thụy Hải bày tỏ.

Phóng viên (PV): Thực ra, tôi biết không nên bắt đầu cuộc trò chuyện của chúng ta bằng những tin đồn, nhưng quả thực đã xuất hiện những tin đồn về một số tuyên bố của anh, trong đó có nói tới việc là anh hết mùa bóng năm nay sẽ không tiếp tục cộng tác với Thể Công - Viettel nữa. Thực hư thế nào, thưa anh?

Huấn luyện viên Lê Thụy Hải (HLV LTH): Có lẽ là thế đấy.

PV: Vì sao? Anh mới chỉ về làm cùng Thể Công - Viettel từ tháng 5 năm nay thôi mà...

HLV LTH: Mình có lẽ không làm được, tại vì, thực ra mà nói, bóng đá, như Quang biết rồi đấy, nó cũng còn nhiều yếu tố lắm, chứ không phải chỉ một mình huấn luyện viên muốn gì là đều làm được. Nói như huấn luyện viên Hiddink (người Hà Lan, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nga - HTQ), trong bóng đá, huấn luyện viên có thể làm mọi thứ trước khi thi đấu, chuẩn bị sẵn sàng tất cả cho trận đấu. Và trong khi thi đấu, huấn luyện viên có thể thay người này, lùi người kia xuống, đưa người nọ lên để cho trận đấu diễn biến tốt hơn... Thế nhưng thực tế, huấn luyện viên không phải là người đá bóng ở trong sân, mà ở trong sân, cầu thủ mới là người quyết định. Mình làm ở Thể Công, thực ra mà nói, Thể Công là đội bóng không phải là mạnh mặc dù báo chí cứ đưa lên...

PV: Thể Công - Viettel trong giai đoạn hiện nay không phải là đội bóng mạnh, hay nói chung Thể Công không phải là đội bóng mạnh?

HLV LTH: Nói chung Thể Công từ ngày có V.League thì không phải là đội mạnh, vì ở  V.League, Thể Công đã xuống hạng, rồi lên được hạng thì có 2 mùa, mùa năm trước cũng không phải thứ hạng cao, mùa năm nay cũng đang hết sức là khó khăn. Bây giờ mình mới về và mình nhận thấy rằng, nếu các anh lãnh đạo đòi hỏi ở cái mức cao quá thì mình không làm được. Theo quan điểm của mình, đã là huấn luyện viên chuyên nghiệp thì phải làm sao đấy cho công việc nó hợp lý và đúng mức, chứ không phải cứ làm được đến đâu hay đến đấy rồi lĩnh lương. Nếu mình không thể đáp ứng được những yêu cầu của lãnh đạo thì mình cũng rất buồn nhưng phải đàng hoàng công nhận rằng mình không thể đáp ứng được rồi ra đi....

PV: Chứ không "cố đấm ăn xôi"?

HLV LTH: Đúng thế. Vì nói thực lòng, mình bây giờ đi làm không phải chỉ để kiếm tiền.

PV: Chẳng qua đó là tình yêu, chẳng qua bóng đá, đó là tình yêu của tôi?

HLV LTH: Tình yêu bóng đá, đúng thế! Bóng đá thì phải nói, nó đúng là cuộc sống của mình. Mình vẫn nói là, kể cả lần sau có được sống lại thì vẫn thích được làm bóng đá.

PV: Theo con mắt huấn luyện viên giàu kinh nghiệm của anh, thì đội hình Thể Công - Viettel hiện nay đang như thế nào? Cá nhân tôi, với những mối quan hệ của mình, tôi biết rằng, Viettel nói riêng và Quân đội nói chung đang rất chăm chút về mặt vật lực cho Thể Công. Vậy thì hiện nay, theo anh, Thể Công - Vietttel đã có được dấu hiệu gì để trong tương lai dù dưới sự lãnh đạo của bất cứ huấn luyện viên nào cũng có thể dần dà tiến gần lại đẳng cấp của vang bóng một thời nó đã từng có hay không? Cụ thể, anh nhận xét những gương mặt cầu thủ mà theo anh, đấy là triển vọng tốt cho Thể Công - Viettel?

HLV LTH: Theo ý của Quang hỏi thì mình nói như thế này. Đội Thể Công là nơi có rất nhiều người tham vọng và cũng được báo chí thổi lên rất nhiều. Thổi lên là vì lý do gì, mình phải nói đúng nghĩa...

PV: Anh cứ nói đi, tôi rất thích sự thẳng thắn của anh.

HLV LTH: Thể Công là gì? Là đội mà cả nước yêu mến, đội mà cả nước người ta mong chờ, mình phải nói thế cho nó công bằng. Tại vì sao thế? Tất cả mọi gia đình đều có người...

PV: Đi bộ đội...

HLV LTH: Đi bộ đội, đúng thế và vì vậy, người ta rất là quý Thể Công. Trong suốt cả thời bao cấp, Thể Công là đội ai người ta cũng thích, cũng yêu, mình nói thế cho đúng nghĩa. Nhưng đến lúc này thì tất cả làng bóng đá đều đã bước vào đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chứ không chỉ có riêng Thể Công. Mà nhiều đội bóng khác người ta còn đầu tư tốt hơn cả Thể Công.

Còn nói về việc lứa trẻ bây giờ của Thể Công có tốt hay không, thì mình phải nói trung thực như thế này: Chưa tốt! Nói là không thì nó quá nhưng mà chưa tốt. Trong đội hình U22 của đội tuyển Việt Nam tham gia Merdeka Cup 2008, từ Thể Công chỉ có Quang Vinh, rồi Huy và Đức thôi. Trong thực tế thì các em ấy cũng chưa làm được việc gì lớn ở trong V.League này để thể hiện mình có phẩm chất vượt trội hoặc có tố chất ngôi sao. Nếu Thể Công không đầu tư tốt lên, tức là không có những con người bổ sung thì Thể Công năm tới và năm tới nữa sẽ hết sức khó khăn, chứ không phải là dễ dàng. Theo quan điểm của mình là như vậy...

HLV Lê Thụy Hải. Ảnh: Như Ý (Đất Việt)

PV: Anh mới nhận chức huấn luyện viên trưởng đội Thể Công - Viettel có hơn ba tháng mà đã thấy nhiệm vụ mà lãnh đạo của Thể Công đặt lên vai anh là quá sức. Có đúng không ạ?

HLV LTH: Quá sức, đúng rồi.

PV: Anh đã trình bày thẳng thắn ý kiến này của mình với lãnh đạo của Thể Công - Viettel chưa?

HLV LTH: Mình đã nói với các anh ấy rõ rồi. Rằng, khi tôi nhận đội bóng này thì tôi sẽ cố gắng làm sao đừng để nó khỏi xuống hạng thôi, vì đội Thể Công của các anh như thế này sẽ không thể vươn lên được. Vì trong bóng đá nó còn phải có nghị lực, nó còn phải có ý chí, nó còn phải có sự...

PV: Hứng khởi, đam mê?

HLV LTH: Đúng, phải đam mê, phải yêu nó, và anh phải được chơi một cách, nói thế nào nhỉ, tức là hơi thoải mái một chút, tức là anh phải được thể hiện mình. Riêng ở Thể Công thì thực ra mà nói, các em cầu thủ hiện nay vẫn còn mang một cái gì đấy của cái cũ.

PV: Cái cũ là cái gì?

HLV LTH: Tức là anh không dám tự do thể hiện cái của mình, tức là vẫn còn quá lo lắng trách nhiệm. Ví dụ như mình vẫn nói, là cầu thủ thì anh phải hơi nghệ sĩ một tí, nhưng đằng này, các em ấy lại không có tính nghệ sĩ đấy.

PV: Tức là, hóa ra thế hệ bóng đá thời mở cửa này lại thua chất nghệ sĩ so với thời bao cấp trước kia ư?

HLV LTH: Không, riêng đối với Thể Công thôi, còn các đội khác họ vẫn làm được như vậy. Vì sao? Vì đội bóng của họ cũng là doanh nghiệp, mà trong doanh nghiệp thì người ta hiểu rất rõ rằng: Bóng đá là một trò chơi, có thắng, có thua, nhưng các anh phải chơi sao cho hết mình, sao cho thoải mái trung thực nhất, không sợ khi bị sơ sảy. Thể Công thì nói thế thôi nhưng vẫn mang tính chất Quân đội. Trong Quân đội ấy thì theo mình có cái là...

PV: Kỷ luật nhà binh vẫn phải có. Tất nhiên rồi.

HLV LTH: Đấy, vì thế các em nó vẫn hay e ngại. Mình nói thế này nhé, để bạn có thể rất dễ hiểu này. Đã là cầu thủ trong một đội bóng thì mình sẽ nói với bạn là, tại sao ông lại chuyền tôi quả đấy, đáng nhẽ ông phải như thế này hay thế khác... Nhưng ở Thể Công thì gần như không bao giờ có việc đó. Bởi theo quan niệm của Thể Công, nếu cầu thủ trò chuyện với nhau như thế là dấu hiệu của sự mất đoàn kết. Nhưng ở nhiều đội bên ngoài, các cầu thủ vẫn nói với nhau như thế...

PV: Anh Hải thời trẻ đã đi bộ đội bao giờ chưa?

HLV LTH: Chưa, mình không phải đi bộ đội, mình vào Trường Huấn luyện bóng đá ngay từ năm 1964.

PV: Đúng là đối với người chưa trải qua quân ngũ thì thấy những cái nếp của Thể Công đấy là lạ lẫm.

HLV LTH: Đúng rồi.

PV: Tôi thì tôi đi lính từ lúc 17 tuổi nên tôi cảm thấy đôi khi như thế cũng không sao cả... Hơn nữa, tôi cũng biết rằng, tại Viettel đang quảng bá một văn hóa doanh nghiệp hướng về sự sáng tạo một cách thoải mái. Chẳng lẽ không khí ấy của Tổng Công ty Viễn thông Quân đội lại không được thể hiện ở trong đội bóng Thể Công - Viettel ư?

HLV LTH: Mình cũng nhận thấy là các anh ở Viettel họ cũng rất thoải mái, nhưng...--PageBreak--

PV: Trong nội bộ của Thể Công - Viettel thì chưa có được sự thoải mái ấy?

HLV LTH: Nhưng trong nội bộ của đội Thể Công vẫn mang không khí cũ...

PV: Vẫn bị gò bó?

HLV LTH: Vẫn bị gò bó...

PV: Anh Hải sinh ra ở đâu nhỉ?

HLV LTH: Mình sinh ra ở Hà Đông, bây giờ là quận Hà Đông thuộc Hà Nội.

PV: Người như anh chắc từ bé đã mê đá bóng?

HLV LTH: Từ bé, ngay khi còn đi học, mình đã được chơi bóng đá ở...

PV: Ở Trường Nguyễn Huệ?

HLV LTH: Ở Trường Nguyễn Huệ.

PV: Đấy cũng là cái lò đào tạo tinh hoa của tỉnh Hà Đông trước kia.

HLV LTH: Ngày xưa có đội tuyển học sinh của các tỉnh thi đấu với nhau thì mình đã đá cho tuyển học sinh của tỉnh Hà Đông, đồng thời đá cho đội thanh niên của thị xã Hà Đông. Từ đấy, năm 1964, khi mình còn đang học lớp 9, các anh ấy mới lấy mình lên Trường Huấn luyện bóng đá.

PV: Cũng từ đó anh bắt đầu vào chơi thể thao chuyên nghiệp?

HLV LTH: Rồi vào thể thao chuyên nghiệp. Ở Trường Huấn luyện lúc đó, họ cũng dạy dỗ hết sức cơ bản, có chuyên gia, cộng với các anh lớn ở đây như anh Lê Thế Thọ, anh Trần Duy Long, anh Lê Đình Chính, anh Tô Đình Phàn... Các anh ấy là những cầu thủ danh tiếng và mình được lắp ghép vào đấy rất nhanh. Và năm 1966, mình đã được đi cùng đội tuyển với các anh ấy sang Trung Quốc tập huấn. Mình muốn nói là, các thế hệ đàn anh ấy ngày xưa cũng sống rất bao cấp thôi, tức là rất kỷ luật, tổ chức, thành ra cũng thành cái nếp quen. Năm 1970, Trường Huấn luyện giải tán thì mình mới về đội Đường sắt. Mình chơi cho Đường sắt đến năm 1979 thì mình học Đại học TD-TT Từ Sơn, đến năm 1981 thì mình về mình giúp cho Phú Khánh 3 năm. Sau đó đến năm 1985, Đường sắt lại đòi mình về và mình lại về chơi cho Đường sắt...

PV: Tới khi nào thì anh thôi đá bóng và chuyển sang nghề huấn luyện viên?

HLV LTH: Năm 1987, sau  khi mình không đi đá bóng nữa, lúc Mai Đức Chung nhận đội trẻ vì anh Duy Long vào Sài Gòn thì anh ấy gọi mình lên làm trợ lý... Đến năm 1995 thì chính thức mình làm cho đội trẻ của Hà Nội. Một số em trong đội trẻ ấy bây giờ vẫn còn chơi. Sau năm 1995, mình làm huấn luyện viên cho đội nữ của Hà Nội. Tới năm 1996, mình bắt đầu đi làm cho Quảng Ngãi, thời gian ấy mình vẫn là  dân biệt phái vì mình vẫn thuộc quân số của Đường sắt. Năm 1997, mình làm cho Bình Dương. Năm 1998, mình làm cho Bình Thuận. Năm 1999-2000, mình làm cho An Giang. Sang năm 2001, mình làm cho đội nữ của Quảng Ninh, sang năm 2002 thì Bình Dương mở lại đội bóng thì mình lại làm cho Bình Dương lần nữa. Năm 2003, mình làm cho Thanh Hóa, 2004 thì mình làm cho đội ACB Hà Nội. Năm 2005, mình làm cho Đà Nẵng. Trong ba năm 2006-2007-2008, mình lại làm cho Bình Dương.

PV: Năm nay, anh làm cho Thể Công?

HLV LTH: Năm nay thì mình làm cho Thể Công.

PV: Cũng lênh đênh đấy nhỉ! Tôi muốn hỏi điều này, anh đã làm huấn luyện viên bóng đá ở khắp các miền đất nước và gần như tất cả đoạn đời có ý thức của anh từ lúc học lớp 9 đến giờ đều gần như đắm mình trong không khí của thể thao. Vậy đối với anh, giai đoạn nào đáng nhớ nhất và những con người nào đã để lại cho anh ấn tượng sâu sắc nhất?

HLV LTH: Thực ra mà nói người ta cứ hay đề cập đến cái cũ và so sánh cái cũ với cái mới... Tuổi như mình, năm nay 64 rồi, cũng hay đề cập đến cái cũ. Theo mình, so sánh cũ mới như thế nhiều khi dễ bị khập khiễng. Tuy thế, mình vẫn phải nói rằng, những năm tháng bóng đá Việt Nam hay mà mình thấy được thì đó của những thập niên 70 trở lại... Và có giai đoạn, giữa những năm 70 và những năm 80 thì bóng đá Việt Nam rất hay. Tại vì sao? Tại vì lúc đó ngay cả đội Trung Quốc mình cũng không có ngán, còn các đội ở Đông Nam Á thì họ dưới cơ mình nhiều.

PV: Nhưng khi ấy mình mới va chạm không nhiều trên các đấu trường quốc tế...

HLV LTH: Không nhiều, nhưng mình có va chạm với các câu lạc bộ của Nga, với đội tuyển thanh niên Đức, hoặc Tiệp Khắc, Ba Lan... Vì thế mình đá với các đội ở Đông Nam Á dễ lắm. Và trong những năm ấy, thực ra mà nói, anh Lê Thế Thọ để lại cho mình nhiều dấu ấn, vì lúc mình vào Trường Huấn luyện bóng đá cũng được anh ấy rèn giũa, anh ấy dạy mình. Cũng cùng sống với nhau thôi, cùng đá một đội thôi nhưng mà anh ấy dạy mình rất nhiều.

PV: Những bài học nào anh Lê Thế Thọ đã dạy anh mà cho tới hôm nay anh vẫn nhớ?

HLV LTH: Ví dụ nhé, mình nói đơn giản nhất này, anh Thọ anh ấy nói là vận động viên Việt Nam bé, vì thế khi nào dùng sức thì phải dùng hết sức và luôn luôn phải nhanh hơn họ  mặc dù họ to cao hơn mình. Muốn vậy thì phải có ý chí cao. Khi chạy tập 25 vòng sân, anh Thọ luôn nhắc là đừng bao giờ đếm từ 1 cho đến 25, như thế sẽ cảm thấy rất lâu, em phải đếm lùi lại đi, hết một vòng là còn 24 vòng thôi, rồi còn 23 thôi... Làm thế nó luyện cho mình cái thần kinh, luyện cho mình cái ý chí. Còn khi ra tập, anh ấy dạy mình cách kèm người, cách cài người, cách giữ bóng vì anh ấy là một vận động viên rất khéo, lúc đấy anh ấy đã là đội trưởng đội Trường Huấn luyện mà... Khi mình đi làm huấn luyện viên, anh Thọ cũng hướng dẫn cho mình rất nhiều về cách huấn luyện. Mặc dù mình cũng được học qua Đại học Từ Sơn nhé, rồi cũng đi học các lớp của FIFA mở, rồi các lớp của Liên đoàn nhưng mình thấy các ý kiến của anh Thọ rất thấm vào mình...

PV: Anh đánh giá cao cầu thủ nào ở thời của các anh?

HLV LTH: Theo mình, trong bóng đá Việt Nam những năm 70-80 của thế kỷ trước thì Cao Cường là một trung phong mà mình rất thích, một trung phong toàn diện. Cho đến bây giờ mình vẫn nói cậu ấy là...

PV: Số 1?

HLV LTH: Số 1! Rất toàn diện. Từ Như Hiển cũng có cái hay, rồi anh Trần Hùng của Hải Phòng cũng có cái hay, Nguyễn Văn Dũng của Nam Định cũng hay, nhưng mà về góc độ toàn diện thì không bằng Cao Cường.

PV: Cao Cường là "number One" của nền bóng đá Việt Nam từ trước đến nay.

HLV LTH: Mà anh ấy là của Thể Công đấy nhé (cười).

PV: Theo logic thông thường, những người tư duy tốt trên sân cộng với kỹ thuật tốt sẽ là cầu thủ giỏi?

HLV LTH: Đúng!

PV: Theo tư duy thông thường thì những cầu thủ giỏi ấy nếu phát triển tư duy tốt hơn tí nữa thì sau này sẽ trở thành những huấn luyện viên giỏi?

HLV LTH: Đúng!

PV: Và theo tư duy thông thường thì những huấn luyện viên giỏi khi làm công tác quản lý lẽ ra cũng sẽ rất thông thạo tất cả những công việc  thuộc về quản lý. Vậy tại sao những người như anh Lê Thế Thọ chẳng hạn, - cũng phải nói rằng, anh Thọ là người rất được nhiều người quý mến, kính trọng - khi đảm nhận chức vụ quản lý trong Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lại gặp quá nhiều sự cố như thế và cuối cùng, theo cảm nhận của tôi, đã vấp phải một kết cục khá là oan uổng? Tại sao lại thế? Có phải vì cái văn minh trên sân cỏ khác với văn minh trong giới công chức của chúng ta hay không? Anh cũng là người đi nhiều, va đập nhiều, chắc chắn anh cũng có nhiều bài học, anh thử lý giải hộ?

HLV LTH: Quang nói như thế mình rất là tán đồng. Lý do là thế này: cái quan điểm ứng xử trong bóng đá mà mình cứ suốt cả cuộc đời theo nó lại khác hẳn với quan hệ xã hội bên ngoài.

PV: Thành ra các anh khi ra xã hội đôi khi các anh cảm thấy bị ngơ ngác?

HLV LTH: Đúng rồi.

PV: Mặc dù là mình rất nhiều kinh nghiệm khác...

HLV LTH: Đúng là như vậy. Bởi vì trong bóng đá mọi sự nó không cụ thể nhưng nó lại rất cụ thể. Mình nói không cụ thể là thế này: có thể quả bóng ở đây nhưng mà Quang ngồi đây thì anh phải làm kiểu này, nhưng ví dụ quả bóng ở đây mà Quang lại ngồi ở kia thì nó lại phải làm kiểu khác. Đấy, nó rất cụ thể nhưng nó lại rất...

PV: Biến hóa?

HLV LTH: Biến hóa, vì thế nó rất trừu tượng. Nhưng ra cuộc đời thì anh không thể như vậy được. Cuộc đời thì bọn này bị quá "ngập ngụa" vào với bóng đá rồi. Mình thì còn dễ. Ví dụ như anh Thọ, anh ấy làm quản lý. Đôi lúc mình nghĩ làm quản lý người ta nói phải tế nhị hoặc là hơi...

PV: Này nọ một tí...

HLV LTT: Ờ đấy! Nói thế cho đúng nghĩa, thì anh Thọ không có cái đấy, đôi lúc anh thẳng quá.--PageBreak--

PV: Người cầu thủ chân chính thì lại không có tất cả những cái biến hóa như thế của một nhà quản lý?

HLV LTH: Đúng thế. Còn nếu nói anh Thọ từ góc độ anh ấy là Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ trách về chuyên môn thì theo mình đánh giá, không ai hơn anh Thọ. Anh ấy là một trong những người thẳng thắn nhất, một trong những nguời vì bóng đá nhất. Nhưng mà thực tế thì, như bạn vừa nói, mình đi lại nhiều, mình va đập nhiều thì mình thấy rằng, anh Thọ không thể đơn thuần như vậy được. Có thể anh rất vì bóng đá nhưng có khi anh phải đi theo cách thế nào đó để vì nó chứ nếu anh cứ vì nó không...

PV: Thì đôi khi lại không đạt được mục đích, đúng không?

HLV LTH: Đúng như thế.

PV: Ngay trong cuộc đời này cũng thế thôi, yêu quá đôi khi thành ngây thơ, dễ mất người yêu nhất.

HLV LTH (cười): Đúng rồi!

PV: Còn mình yêu chỉ vừa vừa thôi nhưng mình tỉnh táo nghĩ cách thì có khi lại dễ được người yêu hơn mà lại phí tổn ít hơn, đúng không anh?

HLV LTH (cười): Đúng rồi.

PV (cười): Nói thật, tôi rất quý anh chỗ này này, tức là trong cuộc đời huấn luyện viên của anh thì nói là lên voi xuống cái gì ấy thì nặng, nhưng rõ ràng anh cũng đã phải trải qua quá nhiều sự gập ghềnh...

HLV LTH: Đúng.

PV: Ngay cả tần suất anh thay đổi các đội bóng như thế, ngoài cái việc thử nghiệm, cứ cho là thử nghiệm và tìm đội hình trong mơ của mình đi thì chắc chắn cũng chứng minh một điều rằng, công việc anh có những lúc không suôn sẻ nhưng anh luôn cố gắng vượt qua và tìm cách để mình gắn bó với bóng đá. Tôi quý anh từ lúc chưa gặp anh ở chỗ là có một giai đoạn anh cũng bị những bài báo của một số phóng viên viết lời lẽ rất hàm hồ và nặng nề nhưng tôi thấy anh ứng xử rất bình tĩnh, không nổi cáu. Thực sự anh cảm thấy thế là bình thường hay trong lòng cũng đau đớn lắm và anh đã rèn luyện bản lĩnh là không nổi nóng trước những tiểu xảo của bất cứ đối thủ nào, kể cả đối thủ trên báo chí cũng như đối thủ trên sân cỏ?

HLV LTH: Thực ra mà nói tụi mình cũng được rèn luyện...

PV: Để không bị khiêu khích?

HLV LTH: Hôm nay nói thật với anh Quang nhé, là khi anh Quang hẹn thì mình rất vui vì mình đã đọc rất nhiều bài và xem trên tivi, mình biết anh Quang là người mình có thể nói, còn các bạn khác viết về mình thì mình không coi trọng, đây mình nói rất thật nhé, rất thật lòng là không coi trọng. Và rất nhiều bạn viết về bóng đá xin phỏng vấn mình thì gần như là không được. Mình nói rất thật chứ không phải bịa đâu. Một số các bạn viết về bóng đá nhưng các bạn không biết gì về bóng đá cả mà các bạn chỉ viết trên cảm tính thôi và đôi lúc, mình cũng nói thật với các bạn, đôi lúc các bạn dùng ngòi bút của các bạn để hại người khác, việc đó theo tôi là không nên, cuộc đời phải có cái tâm. Và mình nghiệm là cái tâm đấy không phải đem lại cho mình đâu, mà con cái, cháu chắt mình sẽ hưởng cái tâm đấy. Vì thế nên mình không có một điều gì phải trăn trở cả.

Khi ai đó mách là, chú ơi, có báo này hay báo kia viết về chú không đúng, chú có ý kiến thế nào thì không bao giờ mình bình luận những việc ấy, đấy là việc của người ta. Đấy hôm qua trên một tờ báo có bài viết rằng, ông Hải loanh quanh rồi lại trở lại cái cũ. Chuyện là thế nào? Tác giả bài báo ấy nói rằng, ông Hải về đây để cách tân, đưa Phước Tứ lên đá tiền vệ, Phước Tứ có những lúc rất hay và mọi người thấy rằng Phước Tứ có thể ở hai vị trí đều tốt. Nhưng mà đến những trận về sau này Phước Tứ lại phải về đá trung vệ... Và tác giả bài báo kết luận là ông Hải loanh quanh rồi lại trở lại cái cũ... Nhưng người viết đó thực ra không hiểu được lý do tại sao Phước Tứ lại về đá trung vệ.

PV: Không ở trong chăn không biết sự việc cụ thể thế nào ở trong chăn...

HLV LTH: Sự thật là lý do rất đơn giản: Em Huy đang là tiền vệ trục tốt, đá cùng với một bạn nước ngoài. Nhưng bỗng nhiên em ấy ốm, bị chấn thương, mà chỗ đấy thì không ai làm được ngoài Phước Tứ nên mình phải đẩy Phước Tứ vào. Nhưng tới lúc Huy khỏi ốm thì Phước tứ lại phải lùi lại. Vậy thôi chứ có vấn đề gì đâu (cười).

PV: Tức là thực ra có những chuyện bên trong rất đơn giản, hữu lý thì ở bên ngoài lại cứ thổi lên thành chuyện làm cho rối rắm mọi thứ.

HLV LTH: Đúng rồi. Vì thế nhiều khi mình rất buồn. Hoặc ví dụ có những nhà báo không phỏng vấn lại cứ viết rằng tôi đã phỏng vấn ông Hải. Có nhiều bài báo mình chả được phỏng vấn mà các ông ấy vẫn đưa lên... Chính vì thế mà mình không thích gặp các nhà báo, mình cũng phải nói rất thật, kể cả truyền hình. Tức là bần cùng bất đắc dĩ lắm thì thôi đành phải lên thôi, vì mình cũng rất hiểu là người ta đi làm, người ta cần phải có cái tin, mình rất hiểu thế. Nhưng mà mình vẫn nói với các bạn  ấy, viết gì thì viết nhưng đừng nên nói quá.

Mình nói với Quang một điều rất tâm tình nhé, còn Quang viết hay không thì tùy: đời cầu thủ rất ngắn, và trong bóng đá thì anh không thể nói trước một cái gì cả, có thể trận này rất hay nhưng trận sau rất dở. Cầu thủ ở ta đa phần không được đào tạo thật sự cơ bản thì nó rất bấp bênh, hôm nay hưng phấn anh đá rất hay nhưng hôm sau không hưng phấn anh đá rất dở thế. Vậy nên đừng đổ lỗi hết cả cho cầu thủ.

Một số nhà báo có khuynh hướng viết để người đọc hiểu là trong bóng đá Việt Nam hiện nay vẫn có tiêu cực; cái đấy là mình không thích. Thực tế mình thấy thì trước kia đã có tiêu cực nhưng nó đã qua rồi. Bây giờ các đội bóng là của các doanh nghiệp mà các doanh nghiệp khi muốn quảng bá thương hiệu tốt của mình thì không bao giờ cho phép đội bóng móc ngoặc, vì làm thế nó sẽ làm ô uế cả cái danh hiệu của mình, nó làm sản phẩm của mình bị kém uy tín đi.

Khi mình làm cho anh Kiên (bầu Kiên của đội ACB Hà Nội - HTQ), anh Kiên nói với mình một câu mà mình rất thích: Anh tiếp ai cũng được nhưng mà anh không được tiếp trọng tài bởi vì người ta sẽ nghi ngờ.  Cái đấy là mình rất quý. Cái thứ hai là, anh đừng làm gì cả để người ta bảo nếu tôi không cứu thì thằng Kiên chết rồi, anh đừng bao giờ làm thế. Tức là ý anh nói, đừng có xin ai cả, cứ chơi đi, thua thì thôi.

PV: Cái hay của bóng đá chính là sự thẳng thắn bất ngờ đấy và nó hào sảng ở chỗ đấy...

HLV LTH: Đó...

PV: Chứ không phải là thắng, thắng mà lại không hay thì nó thành ra mang tiếng.

HLV LTH: Đúng rồi.

PV: Hôm nọ tôi có đọc sơ sơ ở đâu đấy, dường như nghe anh nói là có một số cầu thủ đá không phải là vì bóng đá, có đúng không?

HLV LTH: Không!

PV: Đấy là do nhà báo "nghĩ" ra?

HLV LTH: Nhà báo ấy tự nói ra hoàn toàn. Mình không nói thế. Mà Quang biết không, mình chưa bao giờ mình đổ lỗi cho vận động viên cả, kể cả trận ấy bạn ấy thua có thể rất đáng nghi ngờ nhưng không bao giờ mình đổ lỗi cho vận động viên.

PV: Nguyên tắc là, một khi mình đã cộng sự là mình tin tưởng, đặt niềm tin tuyệt đối và khi đã không tin thì đã không chơi với nhau nữa?

HLV LTH: Đúng.

PV: Và không dùng nữa.

HLV LTH: Chính xác.

PV: Những câu như thế, Lê Thụy Hải không bao giờ nói?

HLV LTH: Không bao giờ Lê Thụy Hải nói như thế. Đối với cầu thủ là phải bảo vệ. Thí dụ nói thật nhé, kể cả cậu ấy sai không nghiêm trọng lắm cũng phải bảo vệ.

PV: Đúng, trong tình huống nào đấy...

HLV LTH: Nhưng mà khi về nhà thì mình sẽ nói...

PV: Trong nội bộ mình sẽ lý giải?

HLV LTH: Mình sẽ nói, cháu sai đấy, thôi, phải chấp nhận ở ngoài thôi. Cái đấy mình phải nói thật, còn đối với công luận, đối với cuộc sống, mình phải bảo vệ cầu thủ. Nói thật, cuộc đời một cầu thủ nó rất ngắn. Và phần nhiều cầu thủ, khi đã hết đá chuyên nghiệp thì không biết làm gì nữa cả.

PV: Không phải ai cũng đủ thông minh như Lê Thụy Hải để đi làm huấn luyện viên, đúng không ạ? (cười).

HLV LTH (cũng cười)...

PV: Xin được hỏi thêm anh: một khi anh đã quyết định hết mùa bóng năm nay sẽ rời Thể Công - Viettel, thì tâm thế ấy có ảnh hưởng tới công việc chuyên môn của anh không?

HLV LTH: Không. Mình không phải con người như vậy. Bởi vì mình có suy nghĩ thế này, một khi anh đã đi làm thì anh phải đúng trách nhiệm của người đi làm, để nhận đồng tiền mà mình thấy rằng hoàn toàn xứng đáng. Kể cả đội này còn 3 trận đấu nữa, nó sẽ ở đâu chưa cần biết nhưng hãy phải làm hết khả năng, tâm nguyện của mình. Còn mình cũng đã đặt vấn đề với các anh lãnh đạo đội rồi. Thực tế thì Thể Công vẫn muốn giữ mình nhưng  mình nói thật, nếu giữ mình mà để gắn bó, để làm nấc thang đẩy các em ấy lên thì phải như thế nào chứ không thể đòi hỏi ngay một lúc được.

PV: Phải có thời gian, phải có lộ trình, không thể cảm tính được?

HLV LTH: Nói Thể Công mà nhiều lỗ thủng quá thì nó không tiện nhưng quả thực là có quá nhiều việc phải làm.

PV: Nhiệm vụ rất khó khăn.

HLV LTH: Rất khó khăn.

PV: Và Lê Thụy Hải có thể làm được nhưng không phải trong bất cứ điều kiện nào, bằng bất cứ phương tiện nào mà phải có lộ trình. Và tôi nghĩ rằng với tư duy tỉnh táo và thực tế vốn có của của lãnh đạo Viettel thì chắc chắn các anh ấy sẽ có cách để vừa giữ anh lại, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho công việc của anh. Và tôi cũng chúc anh làm công việc ấy thật là tốt đẹp!

HLV LTH (cười): Rất cảm ơn Hồng Thanh Quang!

PV: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!?

H.T.Q. (thực hiện)
.
.
.