HLV Alfred Riedl: "Ông Thọ chỉ trích nhiều nhưng thiếu hành động"

Thứ Ba, 20/12/2005, 13:43
Thẳng thắn trong mọi nhận định và cởi mở trong mọi vấn đề - ông Alfred Riedl xuất hiện thật khác so với lần trở lại Việt Nam gần một năm trước. Xen trong câu chuyện buồn về việc một số cầu thủ trẻ coi tiền là mục đích số 1 trong khi gánh vác nhiệm vụ quốc gia, về nghi án bán độ của 4 học trò, từ "Mr. Thọ" (Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Lê Thế Thọ) được thuyền trưởng U-23 Việt Nam nhiều lần nhắc tới, và thêm vào đó là những tiếng tặc lưỡi và thở dài.

“Không thể bán đứng danh dự”

- Hàng chục năm lăn lộn làm cầu thủ, chắc hẳn ông có nhiều trải nghiệm bổ ích cho các cầu thủ trẻ Việt Nam…

- Huấn luyện viên nào càng có nhiều thời gian chơi bóng với tư cách là cầu thủ thì sẽ có nhiều bài học xương máu để truyền lại cho học trò. Tôi cũng vậy. Thật đáng buồn khi một số cầu thủ Việt Nam chẳng thèm nghe ai cả. Họ có thái độ đặt tiền bạc lên trên hết nhưng tiền không phải là tất cả. Tiền đúng là quan trọng thật, nhưng nó đồng thời cũng có thể giết chết sự nghiệp của một cầu thủ nếu anh ta bị chứng minh là bán độ. Bản thân tôi cũng kiếm tiền từ chính cái sở thích đá bóng của mình, nhưng rất trong sạch.

- Đã khi nào ông nói với cầu thủ Việt Nam về cái sự kiếm tiền chính đáng bằng mồ hôi nước mắt?

 - HLV Alfred Riedl: Dĩ nhiên là các cầu thủ biết điều đó, vì tôi đã nói với họ rằng không nên liều mạng với nghề nghiệp, tên tuổi và gia đình họ. Họ sẽ mất tất cả nếu họ bán đứng niềm tự hào của Tổ quốc, bán đứng Việt Nam chỉ vì vài chục nghìn đôla.

- Dù không được hỏi trực tiếp về nghi án bán độ đối với 4 cầu thủ Văn Quyến, Văn Trương, Bật Hiếu và Hải Lâm, HLV Alfred Riedl vẫn chủ động đề cập vấn đề này, và không một lần nêu đích danh tên 4 cầu thủ. Ông chỉ nói chung chung "họ" (they):

 - Nếu quả đúng là họ bán độ thì thật không thể tưởng tượng nổi. Đó là một hành động vi phạm pháp luật và rồi sẽ chẳng ai dung thứ. Họ thật sự xuẩn ngốc khi làm như vậy, bởi đó là một thời điểm nhạy cảm, khi chiến dịch chống tiêu cực đang ở giai đoạn cao trào nhất. Tôi nghĩ là họ kiếm được bộn tiền qua vụ này. Tiền đã làm cho họ lóa mắt. Có ai không mong có được nhiều tiền đâu, nhưng nếu để bán đứng danh dự như vậy thì thật là điên rồ.

Nói thật, sau khi nghi án bị cơ quan điều tra khui ra, tôi lại cảm thấy mừng vì Việt Nam đã đoạt Huy chương bạc. Có quá nhiều vấn đề vô hình mà tôi không thể kiểm soát được, nó cũng giống như cái cảm giác vợ anh đi lòng thòng với một ai đó và anh là người cuối cùng biết được điều này, dù cả thiên hạ đã ầm ầm bàn tán điều này trước đó. Anh là người thông minh, nhưng nhiều khi cái sự thông minh không ứng nghiệm trong trường hợp này. Nói chung, cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra thôi.

Tôi biết thông tin rằng các trợ lý người Việt Nam có biết vấn đề gì đó từ cầu thủ, nhưng họ không nói với tôi. Thật tệ là họ không trực tiếp trao đổi với tôi. Và thay vì thẳng thắn nói với tôi thì họ lại đi nói với ông Thọ. Đáng nhẽ họ nên bàn với tôi thì dẫu sao tôi cũng thực hiện một biện pháp gì đó. Chứ thực tế, họ có làm được gì để ngăn chặn đâu. Nếu có thông tin về bán độ, huấn luyện viên trưởng có quyền không cho nhóm cầu thủ đó ra sân, mà sẽ thay bằng các cầu thủ khác, cho dù sức mạnh sẽ sứt mẻ ít nhiều. Chúng tôi có hơn 20 cầu thủ cơ mà.

"Thua là đúng"

- Sau tiếng còi kết thúc trận chung kết Việt Nam - Thái Lan, ông đã nghĩ đến điều gì đầu tiên?

- Nói thật là tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều. Tôi nghĩ U-23 Việt Nam bị thua là đúng. Cả đội không có một cơ hội nào ra hồn. Tôi cũng không lấy làm tức giận với các cầu thủ vì Thái Lan hôm đó quá mạnh và thi đấu thật xuất sắc. Nói chung không có gì phải phàn nàn cả.

- Ông từng cho rằng tuyển Việt Nam có sức mạnh tinh thần tốt nhất trong số các đội ở SEA Games 23. Vậy sau trận thua "không có gì để nói" đó, ông còn có niềm tin vào sức mạnh đó?

- Không hẳn là tốt nhất nhưng tôi nghĩ là các cầu thủ Việt Nam có sức mạnh tinh thần rất lớn, nhưng họ đã không thể hiện điều đó trong trận chung kết với Thái Lan. Tất nhiên là tôi sẽ phải xem lại băng và nghiên cứu kỹ các trận đấu của tuyển Việt Nam với Myanmar, Malaysia và Thái Lan để có những đánh giá cụ thể hơn, nhưng đúng là trong trận đấu với Myanmar, hàng thủ chơi không được tốt lắm. Sau trận đấu đó, tôi nghĩ họ chơi tệ có thể vì sân bãi không tốt và áp lực phải thắng để đứng đầu bảng, nhưng nay thì chắc là tôi phải xem lại mọi chuyện, đặc biệt là khi nghi án bán độ vỡ lở.

Trong suốt thời gian đội tuyển ở tại khách sạn Circle Inn, ông thường ngồi cô đơn một mình với bia làm bạn. Lúc đó ông nghĩ gì vậy?

 - Trong thời gian thi đấu tại SEA Games 23, chúng tôi ở trong một khách sạn quá tệ. Tầng trệt quá chật nhưng lại có một bar, khu vực lễ tân và cả một nhà hàng ở đó. Bởi thế, mỗi khi uống bia thì mọi người đều trông thấy tôi và đồng thời tôi cũng thấy hàng chục nhà báo đi đi lại lại ở đó. Tôi không thể tự giam mình mãi trong phòng, và quả thật, tôi không có lấy một chỗ riêng tư để nhâm nhi chút bia. Còn ra bar bên ngoài khách sạn thì quá nguy hiểm. Có thể nói rằng SEA Games 23 là một giải đấu tồi tệ nhất mà tôi từng kinh qua trong đời. Tôi thấy thực sự xuẩn ngốc khi đưa bức ảnh tôi ngồi uống bia một mình, rồi phán rằng tôi bị stress. Tôi nhấn mạnh tôi không hề bị áp lực. Tôi nhâm nhi bia đơn giản để giết thời gian. Thêm nữa, tôi không hề thích các nhà báo ở cùng khách sạn với đội tuyển, nhưng tôi cũng không có cách nào để thay đổi điều đó. Thực tế là các phóng viên làm tôi rất lo lắng, vì họ tạo ra những sự ồn ào không cần thiết.

- Giữa ông và các học trò dường như có một khoảng cách nào đó?

- Đúng là như vậy. Nhưng vấn đề là các cầu thủ đâu biết nói tiếng Anh để mà tôi tán gẫu với họ. Mỗi khi muốn nói chuyện với ai đó tôi đều cần phiên dịch. Lâm, Tài và Vinh cũng bập bẹ được vài câu, nhưng tôi cũng không thể trực tiếp trao đổi với những cầu thủ này. Trên sân đấu thì không có vấn đề gì, vì bóng đá bản thân nó là một thứ "ngôn ngữ quốc tế". Nhưng ở ngoài sân cỏ thì tôi chịu chết. Trên thực tế, tôi cũng không cần các học trò hiểu cảm xúc hay suy nghĩ của tôi ra sao. Tôi đủ chín chắn và chuyên nghiệp. Họ còn quá trẻ để tôi có thể tâm sự mọi chuyện như những người bạn, dù cả hai phía luôn luôn thân thiện với nhau trong giao tiếp hàng ngày.

- Ông có lần tự hào rằng Văn Quyến và Văn Trương là trụ cột của đội tuyển Việt Nam trong tương lai, đến giờ này ông còn giữ quan điểm như vậy không?

- Trong mắt tôi, Văn Quyến và Văn Trương vẫn là những cầu thủ hết sức tài năng. Nhưng nếu họ thật sự dính vào vụ bán độ kia thì tôi nghĩ sự nghiệp cầu thủ của họ sẽ chấm hết. Họ sẽ bị pháp luật trừng trị. Tôi luôn luôn bảo vệ mọi cầu thủ trong đội, nhưng nếu họ làm một điều gì đó xấu xa, thì tôi không thể bảo vệ họ được nữa. Dẫu sao, trong khi cơ quan điều tra chưa có kết quả chính thức, thì đối với tôi, họ vẫn vô tội. Và tôi luôn hy vọng như vậy. Còn nếu họ bị chứng minh là gian dối, đó sẽ là một cú sốc thực sự đối với tôi.

- Ông nghĩ sao về thái độ làm việc của các cầu thủ Việt Nam?

- Nhìn tổng thể, bóng đá Việt Nam không chuyên nghiệp, bởi lẽ nhiều người làm bóng đá nhưng lại không hiểu sự chuyên nghiệp trong bóng đá là như thế nào. Tôi nghĩ là chuyện này cũng có thể thay đổi được nhưng chắc cần có tiền, có đầu tư, ví như phải trả lương cho cầu thủ cao hơn chẳng hạn, hay như trong những chuyến thi đấu xa thì đội tuyển cần phải được ở trong những khách sạn tốt, với đồ ăn ngon, bác sĩ chăm sóc giỏi…

Tôi nghĩ VFF đã làm hết sức mình để đưa bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, nhưng để đạt tầm chuyên nghiệp hóa thì họ cần phải có một sự độc lập nhất định. Hiện thời VFF vẫn còn phụ thuộc vào Ủy ban Thể dục Thể thao Quốc gia. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng ở bên Áo, Liên đoàn Bóng đá được toàn quyền quyết định trong mọi vấn đề. Họ phải tự thân vận động để kiếm tiền trang trải cho mọi hoạt động. Họ đứng trên đôi chân của chính bản thân họ.

"Tôi thông cảm với VFF"

Nhiều người cho rằng ông quá khéo trong khi nói về Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF)…

- (Cười mỉm): Tôi làm việc ở Việt Nam cũng được 4 - 5 năm rồi nên cũng phần nào hiểu được về văn hóa và lề lối làm việc ở đây. Tôi có một mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch và VFF nói chung cũng như với ông Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao. Nếu trong trường hợp có lục đục trong nội bộ của VFF thì cũng không ảnh hưởng tới tôi, vì nhiệm vụ của tôi là huấn luyện các cầu thủ. Tôi cũng có việc riêng của tôi.

Điều quan trọng là tôi luôn kiên trì theo đuổi ý tưởng và phong cách làm việc của tôi. Nếu không thực hiện như vậy, thì có lẽ tôi đã chọn sai việc. Nhưng đối tác Việt Nam nhiều khi không cho là như vậy.

- Ông từng có mối quan hệ hết sức tốt đẹp với các trợ lý người Việt như Phạm Huỳnh Tam Lang hay Nguyễn Thành Vinh. Sự hợp tác đó với Ban huấn luyện người Việt tại SEA Games có hiệu quả?

- Quả thực là tôi cũng không có vấn đề gì với nhóm trợ lý người Việt, nhưng khi tôi nghe thông tin rằng, họ không hề nói với tôi về một số vấn đề của cầu thủ thì tôi sẽ phải xem xét lại từng vấn đề một. Họ đã biết những gì và vì sao lại không thông báo cho tôi hay. Thật sai lầm khi họ lại không trao đổi những việc như vậy với Huấn luyện viên trưởng. Tôi cũng sẽ có một số quyết định ngay tức thì, nếu những gì tôi biết là đúng, nhưng tất nhiên không thể mình tôi quyết định, mà tôi sẽ nhờ tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Tôi không thể làm việc với một nhóm người không trung thực.

- Trong quá trình làm việc ở Việt Nam, ông có gặp trở ngại gì không?

- Ông Lê Thế Thọ là người hay có vấn đề với tôi nhất. Ông ấy chỉ trích nhiều nhưng thiếu hành động. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Thực ra tôi quan tâm đến chất lượng công việc hơn lời nói. Nếu có ai đó thấy rằng tôi làm việc không được hiệu quả, tốt nhất là người đó hãy chứng minh bằng công việc. Hãy làm tốt hơn những người đi trước. Thêm nữa, nếu ai đó thấy ông Thọ là một huấn luyện viên tốt và biết mọi thứ, tốt nhất hãy để cho ông ấy làm việc với đội tuyển trẻ, vì họ đang cần huấn luyện viên giỏi.

- Ông từng 3 lần dẫn dắt đội tuyển đoạt Huy chương bạc ở SEA Games 21, 22, 23. Người Việt Nam có câu: "Quá tam ba bận"…

- Tôi không nghĩ rằng đây là một câu ứng với tôi. Người Việt Nam thường có xu hướng tin vào những gì được coi là tâm linh. Điều đó không tương đồng với văn hóa của chúng tôi. Nếu có ai đó nghĩ rằng có thể thuê được một huấn luyện viên làm tốt hơn và muốn thuê người đó thì cũng là lẽ thường. Có thể đó lại làâ huấn luyện viên Brazil nào đó kiểu như Tavares hay Dido, và rồi tôi nghĩ rằng họ cũng sẽ gặp khó khăn trong quá trình làm việc. Điều quan trọng là các bạn phải xác định được các bạn là ai. Chúng ta nói đến bóng đá Việt Nam, nhưng bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới. Chúng ta có thể đứng thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, nhưng lại đứng thứ 55 gì đó ở châu Á, rồi đứng thứ hàng trăm trong làng túc cầu thế giới. Vấn đề là ở chỗ đó.

Trong năm 2005, đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi vang dội nhất kể từ khi hòa bình lập lại (2 giải quốc tế LG Cup, Agribank Cup và 1 Huy chương bạc SEA Games) . Đấy là điều đã rõ ràng, thế mà tôi vẫn bị chỉ trích. Thật lạ.

Trở về Áo tối 14/12 với nhiều câu hỏi chưa lời đáp, ông Riedl nhấn mạnh sẽ quay trở lại Việt Nam vào trung tuần tháng Giêng với một tâm thức mới

Bá Thuỳ (thực hiện)
.
.
.