Gương sáng ai soi?

Thứ Năm, 09/06/2005, 07:25

Những thế hệ vàng của nghệ thuật hát bội, sân khấu cải lương Nam Bộ giờ người còn, người mất. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ nối tiếp noi theo. Song, gương vẫn sáng mà chẳng có mấy người để trông theo khi lứa diễn viên trẻ được đào tạo tại Nhà hát Bội Tp. Hồ Chí Minh chỉ có vỏn vẹn 6 người. Tài năng cũng chưa đủ chín để thay thế lớp cũ.

Vì sao những thế hệ nghệ sĩ cải lương trước có sức hút "mê hồn" với khán giả, chẳng hạn Thanh Nga, Ngọc Giàu, Diệp Lang, Minh Vương, Lệ Thủy…? Vì sao sân khấu cải lương năm nào cũng chọn ra được gương mặt triển vọng đoạt giải này, giải kia nhưng không thể là "sao", không thể có được chỗ đứng trong lòng khán giả? Phải chăng lớp diễn viên sau này chưa noi được gương của người đi trước, chưa biết xử lý tinh tế trong nghệ thuật ca diễn, chưa tạo được nét riêng. Cứ nhân vật buồn thì diễn viên nhăn nhó, khóc sướt mướt, vui thì cười hớn hở, ít khi chú ý đến xuất thân tính cách, tâm lý của nhân vật.

Cái cách tuyển chọn diễn viên để truyền nghề của những người đi trước cũng "chất lượng" và sòng phẳng. Như NSND Phùng Há và NSND Thành Châu trước khi nhận ai làm học trò đều yêu cầu phải nói lối thử rồi ca vài bài bản Bắc vì không phải ai ca vọng cổ đều có thể trở thành nghệ sĩ. Thấy diễn viên không đạt chỗ nào đều từ chối chân thành. Cách từ chối thẳng thừng ấy đã chứng tỏ trách nhiệm của người thầy.

Nhớ về những người từng một thời là điểm tựa, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc từng xem việc tiếp xúc với các nghệ sĩ Năm Đồ, Ba Nhỏ, Châu Kỷ, Thành Tôn, Đinh Bằng Phi; xem các trích đoạn tuồng, chèo nổi tiếng từ miền Bắc đưa vào những năm mới bước vào trường nghệ thuật sân khấu, như là việc được kề cận những viên ngọc quý của ông bà để lại mà bụi thời gian tạm thời phủ lấp. Theo chị, đó là loại ngọc đặc biệt trong tuồng cổ của ta, khi chùi sáng, có thể đặt cạnh những viên ngọc khác trong kho tàng sân khấu thế giới. Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng là "thế hệ vàng" của sân khấu cải lương, đã nỗ lực ứng dụng và sáng tạo trong sáng tác và dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật.

Tâm huyết vẫn luôn chảy trong huyết quản của những nghệ sĩ tài năng một đời cống hiến cho nghệ thuật dân tộc. Nhưng lắm khi nhìn lại, như NSND Đinh Bằng Phi cũng phải thốt lên rằng: "Nghệ sĩ tài năng lần lượt qua đời, bạn diễn đương thời chưa kịp giữ bền sức hấp dẫn đối với quần chúng thì thế hệ tương lai còn mù mịt cho chuyện kế thừa".

Đó là chuyện của hát bội, còn cải lương, ở Tp.Hồ Chí Minh hiện nay, ngoài khoa cải lương thuộc Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh có đầy đủ chức năng đào tạo, còn lại cũng chỉ có vài lớp học ngắn hạn của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang theo kiểu thời vụ và một số "lò" luyện tư nhân. Gương vẫn sáng, nhiệt huyết vẫn tràn đầy ở những người đi trước, nhưng với tình trạng đào tạo lực lượng kế thừa chuyên nghiệp như hiện nay thì liệu có ai để soi vào, và thậm chí có ai muốn soi vào hay không?

Hạnh Chi
.
.
.