Gửi gắm “của để dành”

Thứ Bảy, 19/10/2013, 14:32
Khi bạn có một “của để dành” hẳn nhiên bạn muốn gửi gắm “của để dành” ấy vào những môi trường tử tế, giàu hy vọng. Cái môi trường mà nếu không sinh ra lợi nhuận (dẫu là lợi nhuận vật chất hay lợi nhuận tinh thần) thì cũng không làm cho “của để dành” của bạn bị hao hụt và què quặt. Bóng đá Việt Nam có rất nhiều “của để dành”, nhưng dường như lại có rất ít chỗ để người ta tin tưởng gửi gắm “của để dành”…

1. Mới đây một HLV ở một địa phương có cầu thủ tham dự ĐT U.19 Việt Nam tâm sự với người viết rằng ông rất yên tâm gửi cầu thủ vào ĐT U.19. Bởi một ĐT được một nhà cầm quân người Pháp vốn đang làm việc cho Học viện Bóng đá trẻ Hoàng Anh Gia Lai JMG dẫn dắt, lại là ĐT có tới 11 cầu thủ đến từ học viện HAGL – cái học viện đào tạo cầu thủ với tư tưởng “phải biết làm người trước khi đá bóng” thì đấy chắc chắn là một ĐT tốt, một môi trường tốt để tiến thân. HLV này dẫn chứng rằng có một trung vệ ở ĐT U.19 khi đá trong màu áo ĐT trẻ địa phương vẫn nổi tiếng là đá rắn và hay “ăn” thẻ, nhưng trong màu áo ĐT U.19 thì lại chơi bóng có văn hoá đến…  lạ lùng. (Phải nhắc đi nhắc lại rằng suốt 10 trận đấu, từ giải vô địch U.19 ĐNA đến vòng loại U.19 châu Á, ĐT U.19 Việt Nam chỉ nhận duy nhất… 1 thẻ vàng).

Rõ ràng là ở một tập thể mà người ta chú trọng đến việc rèn giũa phong cách sống, phong cách ứng xử chẳng kém gì việc rèn giũa chuyên môn bóng đá thì những tính cách ngỗ ngược (nếu có) rất dễ được cảm hóa. Và đấy rõ ràng là một tập thể mà ai cũng muốn gửi gắm con em mình.

2. Ở bối cảnh mà cả làng bóng như bị hút vào những thông tin màu hồng của ĐT U.19 Việt Nam và lò đào tạo trẻ HA.GL JMG, ít người để ý rằng hôm 24-9 vừa qua, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF đã tuyển sinh 60 em ở các lứa tuổi U.16 nam và U.19 nữ, để chuẩn bị cho kỳ Asiad 2019 mà Việt Nam làm nước chủ nhà. Theo “lệnh” của Tổng cục TDTT thì từ nay cho đến 2019, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ này phải tạo ra một ĐT nam và một ĐT nữ thực sự mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh cao. Nguồn cầu thủ U.16, U.19 mà VFF mới nhặt nhạnh ở đâu ra vậy? Xin được trả lời ngay: Đó là những cầu thủ được tuyển chọn ở các lò đào tạo trẻ khắp cả nước như Nam Định, Sông Lam, Khánh Hòa, Đà Nẵng…

ĐT U.19 Việt Nam trong ngày viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: H.M.

Chỉ ngay sau khi biết được nguồn tuyển chọn này, một chuyên gia bóng đá đã điện thoại cho chúng tôi đặt vấn đề: Các trung tâm bóng đá nói trên đã gửi những cầu thủ tốt nhất cho VFF hay thực chất chỉ gửi cho…  đủ mâm đủ bát? Nếu họ gửi cầu thủ tốt nhất, giàu tiềm năng nhất thì quá tốt, nhưng nếu họ gửi quân theo kiểu đối phó thì rất có thể 6 năm đào tạo, ngốn cả chục tỷ đồng nhà nước sẽ chỉ cho ra những sản phẩm kém chất lượng mà thôi.

Chúng tôi hiểu, vì sao chuyên gia bóng đá lão làng này lại đặt ra một vấn đề như vậy. Vì đơn giản là xưa nay, đặc biệt là ở nhiệm kỳ 6 vừa rồi, cách làm của VFF đã không cho người ta thật nhiều niềm tin. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nói rằng có thể phải sau 2, 3 năm đào tạo đầu tiên, khi các lò đào tạo ở các địa phương nhìn thấy sự chuyên nghiệp, tiến bộ thực sự trong phương thức đào tạo của VFF thì họ mới hoàn toàn tin tưởng. Mà cái sự “chuyên nghiệp, tiến bộ” ấy được Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ viện dẫn bằng việc trong thời gian không lâu sắp tới, trung tâm đào tạo trẻ VFF sẽ có một ông Giám đốc Kĩ thuật người nước ngoài để định hướng mọi đường đi nước bước.  

3. Thôi thì hãy chờ đợi 2,3 năm nữa (chứ không phải bây giờ) để xem cái môi trường đào tạo mà VFF gây dựng có tạo được niềm tin như cái môi trường của Học viện Bóng đá trẻ HA.GL JMG mà bầu Đức đang có hay không.

Nghĩ thì thật nghịch lý khi cách làm của một cá nhân (bầu Đức) lại đang tạo niềm tin lớn hơn hẳn so với cách làm của cả một tổ chức (VFF), nhưng đấy là cái nghịch lý có thể lý giải khi mà ở ta, không riêng gì trong lĩnh vực bóng đá, những thứ thuộc về cá nhân dường như luôn có hiệu ứng tích cực hơn những thứ thuộc về tổ chức…?!

Không đuổi 2 cầu thủ U.21 trốn đội đi vũ trường

Liên quan đến việc 2 cầu thủ U.21 Việt Nam đang dự giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên là Văn Công và Văn Thuận đã trốn đội đi vũ trường, hôm qua, HLV trưởng ĐT U.21 Việt Nam Đinh Văn Dũng cho biết: “Các em đã nhận lỗi và xin lỗi trước toàn đội. Chúng tôi sẽ sớm có văn bản tường trình lại vụ việc này gửi lên BTC giải và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. BHL quyết định khiển trách, cảnh cáo hai cầu thủ, và nói rõ nếu họ còn tái phạm sẽ có hình thức kỷ luật mạnh tay”. HLV Đinh Văn Dũng đồng thời cho biết BHL ĐT có một phần trách nhiệm khi không quản lý cầu thủ một cách sát sao, kịp thời.

Với việc chỉ bị khiển trách, cảnh cáo, hai cầu thủ U.21 nói trên vẫn có thể ra sân trong trận U.21 Việt Nam – U.21 Sydney vào ngày hôm nay – một trận đấu quan trọng, quyết định vé vào chung kết của U.21 Việt Nam, thay vì bị đuổi khỏi đội như một số thông tin trước đó.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.