Bộ phim ‘30-4 - ngày thống nhất’:

Góc nhìn đa chiều, khách quan về sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc

Thứ Bảy, 11/04/2015, 00:58
Đề tài về ngày 30/4 không mới, nhưng với bộ phim tài liệu “30-4 - ngày thống nhất” của Điện ảnh Quân đội vừa hoàn thành, khán giả sẽ được tiếp cận với một cách nhìn mới về một sự kiện lịch sử quen thuộc trong tinh thần hòa giải dân tộc, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ.

Mong muốn mang đến bạn đọc những thông tin xung quanh bộ phim nhiều tư liệu phong phú và hấp dẫn này, ngay khi phim lần đầu ra mắt ngày 10/4, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với NSND Lê Thi, đạo diễn bộ phim.

+ Mang tên về ngày hòa bình của dân tộc, nhưng bộ phim tài liệu này lại không hoàn toàn nói về sự kiện lịch sử 30-4, mà là một bức tranh toàn cảnh của đất nước trong 40 năm. Có thể nói, ông đã tìm được một cách đi mới đầy ý nghĩa...

NSND Lê Thi: 30/4/1975 là một sự kiện nhiều bộ phim khai thác và bản thân tôi cũng đã từng làm bộ phim “Mùa xuân toàn thắng”. Vì thế, tôi cố gắng tìm ra một cách đi mới, một góc nhìn khác về sự kiện này. Không phải là những thước phim tư liệu về những cảnh chiến đấu, những hình ảnh bom rơi đạn nổ trong cuộc chiến 1975, mà là cái nhìn toàn diện sau 40 năm đất nước thống nhất. Sài Gòn giờ thay đổi ra sao, được thể hiện cụ thể qua các địa danh cầu Thị Nghè, kênh Nhiêu Lộc giờ khang trang, phát triển ra sao, tôi chọn những nơi này vì là những địa danh trước 1975 vốn nhiều tệ nạn xã hội, gắn với số phận con người lao động nghèo, nên mang tính đại diện hơn.

Sau 40 năm, các nhân chứng lịch sử giờ ra sao là điều mà nhiều người quan tâm. Vì thế, chúng tôi đã gặp lại nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. Ông là người có khoảng 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó, hơn 200 tấm về Hoàng Sa - Trường Sa, để đề cập đến vấn đề mới là bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải đất nước khi nói về ngày đất nước thống nhất. Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Đô trưởng Sài Gòn và là tình báo của ta, cũng đánh giá sự kiện này một cách khách quan: Dân tộc ta là một. Đó chính là vấn đề hòa hợp dân tộc. Một nhân vật khác nối vào, bổ sung cho tinh thần này, là doanh nhân Nguyễn Lịnh Nhân Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải Mã, vốn là “thuyền nhân” vượt biển ra nước ngoài, nay trở về Việt Nam lập công ty chuyên về robot trên biển tầm cỡ châu Á, để cùng với dòng người ở khắp nơi đến Việt Nam làm ăn và du lịch, thấy được chính sách mở cửa, hội nhập của đất nước.

Cảnh trong phim “30-4 - ngày thống nhất”.

+ Có nhiều nhân vật đã gắn với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhưng ông chỉ chọn một số người. Tiêu chí của ông là gì?

NSND Lê Thi: Những nhân vật chủ chốt đã tạo nên sự kiện ngày 30-4-1975 giờ còn rất ít. Tôi lựa chọn Trung tướng, Anh hùng Phạm Xuân Thệ, nguyên là Tư lệnh Quân khu 2, vì là người đã chỉ huy đánh trận đầu tiên của chiến dịch Hồ Chí Minh ở Thượng Đức, cách Đà Nẵng hơn 40km, nơi Tổng thống Thiệu coi là "Mắt ngọc đầu rồng", để thăm dò xem Mỹ có vào Việt Nam cứu viện chính quyền Sài Gòn hay không.

Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng là một trong những người chứng kiến giây phút nội các Dương Văn Minh đầu hàng ngày 30-4-1975. Còn Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, là người đã chỉ huy đánh trận Phước Long để khẳng định Mỹ có vào Việt Nam hay không. Ông cũng là Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên- sự kiện quan trọng, mở đầu cho cuộc tổng tấn công Mùa xuân năm 1975.

Để có chiến thắng 30-4-1975, phải có hội nghị Geneve, hội nghị Paris. Vì thế, ông Hà Văn Lâu, một nhân chứng của hội nghị Geneve và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung nói về những vấn đề xung quanh các sự kiện này, như việc Mỹ đã cùng các nước lớn thương lượng vì quyền lợi của họ và gây sức ép bất lợi cho Việt Nam ra sao, nhằm giúp nhân dân ta hiểu rõ hơn về lịch sử của dân tộc.

+ Xây dựng bộ phim tài liệu của Quân đội, ông có được “đặc cách” gì không?

NSND Lê Thi: Trong quá trình làm phim, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Ngay việc tìm ra ngôi mộ của Ngô Đình Diệm cũng là một hành trình không dễ dàng, vì nhiều lý do. Hay có những nhân chứng lịch sử, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian mới thuyết phục được họ đồng ý trả lời. Dĩ nhiên, các nhân chứng được thoải mái trả lời theo những gì họ suy nghĩ, để đạt sự khách quan cần có. Kinh phí làm phim cũng không nhiều, nên cũng không dễ dàng để thực hiện trọn vẹn ý tưởng của mình.

NSND Lê Thi.

+ Thông điệp chính mà ông muốn gửi đến khán giả qua bộ phim này là gì?

NSND Lê Thi: Với khoảng thời gian 40 năm nhìn lại, với những vấn đề đặt ra và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với việc nhìn lại sự kiện lịch sử của đất nước, bộ phim “30-4 –ngày thống nhất” nhằm phân tích tình hình quốc tế và những bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, ý kiến của các chính khách và những nhà nghiên cứu lịch sử… để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần tập hợp sức mạnh toàn dân, nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Qua hồi ức của những tướng lĩnh, bộ phim cũng muốn làm sáng tỏ những sự kiện chiến trường, sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, ngoại giao, quân sự để thống nhất đất nước.

Dưới những góc nhìn mới mẻ, việc sử dụng tư liệu công phu, hy vọng bộ phim sẽ mang đến cho khán giả một góc nhìn mới về một dấu mốc lịch sử của dân tộc. 

+ Xin cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.